Sở GD&ĐT Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 838/KH-SGDĐT về triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về "Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế".
Theo đó, kế hoạch được xây dựng theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ nay đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu xây dựng ở mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị ít nhất một trường mầm non, một trường tiểu học, một trường trung học cơ sở công lập.
Tỉ lệ học sinh trung học cơ sở học 2 buổi/ngày chiếm trên 50%; sĩ số học sinh trung bình /lớp đạt 35 học sinh/lớp (ở cấp tiểu học) và từ 40 đến 45 học sinh/lớp (ở cấp trung học cơ sở); huy động từ 25% đến 30% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp...
Giai đoạn 2 (từ năm 2026 đến năm 2035), phấn đấu huy động 70% trẻ em độ tuổi nhà trẻ, 100% trẻ em độ tuổi mẫu giáo đến trường; trẻ mẫu giáo được làm quen với tiếng Anh và máy tính.
Đối với bậc giáo dục tiểu học, duy trì và giữ vững thành quả phổ cập giáo dục đúng độ tuổi mức độ 2. Đồng thời, tiếp tục triển khai chương trình đào tạo chứng chỉ IGCSE CAMBRIDGE (tiểu học và THCS), chương trình song bằng tú tài (THPT) ở nơi có điều kiện kinh tế phát triển. Đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất trường lớp cũng như sĩ số học sinh trên lớp ở mỗi cấp học…
Ở giai đoạn 3 của kế hoạch (từ năm 2036 đến năm 2045), Hà Nội phấn đấu nâng tỷ lệ học sinh trung học cơ sở học 2 buổi/ngày lên 100%; sĩ số học sinh trung bình/lớp giảm so với giai đoạn trước, trong đó, cấp tiểu học có từ 30 đến 32 học sinh/lớp; cấp trung học cơ sở có từ 35 đến 40 học sinh/lớp.
Tỉ lệ trường công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia đạt 100% ở tất cả các cấp học, bao gồm mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; tỷ lệ huy động học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp đạt từ 30% đến 35%.
Bên cạnh đó, kế hoạch cũng đặt ra 5 giải pháp trọng tâm, trong đó, có việc triển khai hai bản quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục và quy hoạch mạng lưới trường học; củng cố các trường sư phạm; đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, không bạo lực cho tất cả học sinh.