PV Báo GD&TĐ đã trò chuyện với cô Nguyễn Thị Minh Thúy (Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội- một trong những trường học sớm tiếp cận STEM), để có cái nhìn dễ hiểu hơn về giáo dục STEM tại Việt Nam.
Phương pháp GD thú vị
Ứng dụng công nghệ trong giảng dạy giúp ích gì cho việc truyền tải kiến thức các môn học ở trên lớp? Liệu điều này có cải thiện chất lượng GD của Việt Nam hiện nay?
Cô Nguyễn Thị Minh Thúy: Mọi người đang đề cập rất nhiều đến đưa STEM vào GD. Quả thực GD STEM là một khái niệm rất mới ở Việt Nam. Tôi nghĩ rằng điều này cũng giống như câu chuyện về việc học chương trình quốc tế. STEM có nguồn gốc từ Anh quốc, sau đó phổ biến và phát triển mạnh ở Mỹ. Tại sao GD thế giới cũng như ở Việt Nam đang có sự dịch chuyển sang GD STEM? Bởi vì cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang ồ ạt và sẽ làm nên những thay đổi trên thế giới. Vì vậy, để phát triển bắt kịp với GD thế giới thì GD Việt Nam buộc phải xây dựng những nền tảng, những bước phát triển vững chắc.
Thực ra STEM không phải điều gì quá xa lạ. Thực tế trong tất cả các môn học, các thầy cô chỉ cần đam mê, có thể lên mạng Internet để học hỏi kinh nghiệm dạy theo STEM. Tất cả các thầy cô Việt Nam và GV nước ngoài đang dạy ở các trường của Việt Nam đều có thể làm được điều này.
Ứng dụng công nghệ trong dạy và học đang được tích cực phát triển tại Việt Nam. Với điều kiện đầu tư cho GD hiện nay, liệu có lo lắng tới việc có những nhà trường có thể thực hiện việc đẩy mạnh công nghệ, đẩy mạnh sáng tạo một cách hình thức, theo phong trào?
Cô Nguyễn Thị Minh Thúy: Câu chuyện STEM đưa vào GD Việt Nam cũng cần những tìm hiểu để hiểu đúng về STEM và lý do tại sao nên đưa STEM vào GD. Tôi mới biết đến STEM cách đây 3 năm. Những phương pháp dạy học mới, những ứng dụng trong GD của STEM khi đó còn rất mới nên trường tôi chưa vội đưa ngay vào chương trình GD. Cần phải có một quá trình chuẩn bị để đưa bất cứ chương trình, phương pháp GD nào vào thực tế giảng dạy. STEM cũng vậy.
Những trường học có thực hiện chương trình quốc tế (như Cambridge) có một lợi thế hơn các trường học chưa thực hiện chương trình quốc tế trong việc đưa STEM vào dạy học. Đó là các trường có chương trình quốc tế, tuyển được GV nước ngoài. Vì vậy, trong nhà trường, GV Việt Nam và GV nước ngoài có thể tạo thành một cộng đồng GV để cùng phối hợp, cùng chia sẻ và cùng học hỏi lẫn nhau.
Ở đây HS sẽ là đối tượng được hưởng lợi khi nhà trường có một cộng đồng GV Việt Nam làm việc với GV nước ngoài. Một khi GV học hỏi, chia sẻ lẫn nhau những kinh nghiệm hay thì cuối cùng thành quả lớn nhất dành cho chính HS của mình. Khi tổ chức một ngày hội STEM toàn trường, tôi thấy những HS trình diễn sản phẩm ứng dụng STEM tốt nhất lại phần lớn là HS theo học chương trình song ngữ quốc tế.
Nếu đưa STEM vào dạy học tích hợp và có những trang thiết bị công nghệ đi kèm, GV được tập huấn bài bản thì tôi khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể đưa STEM vào để đổi mới GD.
Tuy nhiên, điều GD Việt Nam đang phải quan ngại khi đưa STEM vào chính là nguồn nhân lực, chất lượng GV, việc bồi dưỡng GV phải làm sao để đáp ứng được việc dạy học theo STEM, để tránh triển khai chương trình mang tính hình thức. Nếu chúng ta chỉ đơn thuần là giới thiệu lý thuyết “STEM” là gì, mà bản thân GV chưa có những trải nghiệm thì GV cũng chưa thể nắm bắt được tinh thần của STEM để dạy học được tốt hơn và ứng dụng được STEM trong dạy môn học.
Trên thực tế, đưa STEM vào hoạt động GD là đưa vào một phương pháp GD tích cực, góp phần giảm tải cho HS qua việc học tích hợp các môn học.
GD STEM giúp dạy học tích hợp mang lại lợi ích cho HS
Với GD STEM dường như chúng ta cần phải phân biệt khá rõ khái niệm “trải nghiệm” đối với HS khi ứng dụng kiến thức môn học. Ngay việc quan tâm đến hướng nghiệp cho HS từ bậc THCS có lợi ích gì khi GD STEM ít nhiều có thể giúp nhà trường trong khía cạnh hướng nghiệp cho HS?
Cô Nguyễn Thị Minh Thúy: Cách đây vài năm, Trường tôi cũng chưa quan tâm sâu sắc tới vấn đề hướng nghiệp cho HS. Mọi hoạt động hướng nghiệp cho HS trong nhà trường vẫn chủ yếu triển khai theo hướng cho HS trải nghiệm, để cho HS làm quen với nghề nghiệp nào đó. Ví dụ, cho HS đi thăm làng nghề truyền thống, đi về các xưởng ô tô… Nghĩa là hướng nghiệp nhưng mới chỉ nghĩ đến nghề nghiệp, hướng đến chuyện thạo nghề trong những nghề nghiệp của Việt Nam.
Sau 6 năm thực hiện chương trình Cambridge, càng thực hiện, chúng tôi càng rút ra bài học rằng định hướng nghề nghiệp cho HS càng sớm bao nhiêu, càng lợi cho HS bấy nhiêu. Lúc đầu chúng tôi hướng nghiệp sớm cho HS hết lớp 8. Tuy nhiên, theo tôi, có lẽ chúng ta cần làm hướng nghiệp xuống tới tận dưới bậc tiểu học.
Bởi trong quá trình hướng nghiệp cho HS, chúng tôi thấy, nếu mạnh dạn đưa vào hướng nghiệp những nhóm ngành của bộ môn kinh tế, mới đầu là môn bắt đầu kinh doanh, sau đó là môn kế toán… thì HS tiếp thu rất khó. Khó không phải vì các em không nắm được kiến thức mà vì HS của chúng ta chưa bao giờ biết đến những môn học đó.
Năm nay, chúng tôi chuyển hướng sang một môn mới đó là môn “Khởi nghiệp”. Ở bộ môn “Khởi nghiệp” có nhiều phần liên quan đến thực hành hơn. Chúng tôi đang hướng dẫn cho HS từ những kiến thức cơ bản nhất của khởi nghiệp thì mới hy vọng HS có thể học những nhóm ngành khác trong bộ môn kinh tế trong tương lai.
Vì vậy, khi nhà trường thử nghiệm đưa thêm những môn học chưa từng có trong hệ thống GD Việt Nam vào thì các em HS rất hứng thú, phụ huynh rất thích. Đôi khi cho các em làm quen với những môn học mới, cảm thấy khó, nhà trường trao đổi với HS hay là bỏ đi không học nữa, nhưng chính HS lại phản hồi rằng khó cũng học vì rất hay.
Vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với HS khi đưa GD STEM vào nhà trường?
Cô Nguyễn Thị Minh Thúy: Khó khăn lớn nhất là vấn đề thời gian. Nhà trường chỉ có thể đưa hoạt động trải nghiệm cho HS vào những tiết thực nghiệm và những hoạt động trải nghiệm. Tuy nhiên, còn rất nhiều những phần kiến thức, nội dung chương trình mà HS phải học trên lớp. Vì vậy, thời gian chính là khó khăn lớn nhất, không chỉ với HS mà còn với GV khi đưa STEM vào hoạt động GD ở nhà trường hiện nay.
Tuy nhiên, với niềm đam mê, yêu thích khám phá, với sự nỗ lực, cố gắng của thầy cô, đặc biệt là sự hỗ trợ, ủng hộ của các bậc phụ huynh thì STEM sẽ phát huy được thế mạnh trong GD phổ thông.
Chỉ riêng quan điểm ủng hộ của phụ huynh là hết sức quan trọng, nếu như thay vì dành thời gian cho HS trải nghiệm khi tham gia STEM, nếu các phụ huynh muốn con ngoài giờ học chính phải dành thời gian đi học thêm, phải dành thời gian luyện thi để tham gia các kỳ thi, các cuộc thi HS giỏi…, thì có lẽ phụ huynh sẽ không để con “mất thời gian” vào những hoạt động trải nghiệm của STEM, “mất thời gian” vào làm những sản phẩm ứng dụng từ môn học.
Đó cũng là một thực trạng mà ngành GD cũng như từng nhà trường, từng GV, phụ huynh cần quan tâm khi HS học chương trình ứng dụng STEM. Điều tốt nhất có thể giải quyết vấn đề thời gian cho HS chính là giảm tải môn học. Ở góc độ người theo sát quá trình dạy và học, tôi rất kỳ vọng việc đổi mới chương trình GD phổ thông sẽ là tín hiệu quan trọng để các nhà trường đang nỗ lực đổi mới phương pháp GD tiếp tục đưa những chương trình GD tiên tiến trên thế giới vào hoạt động dạy và học.
Cảm ơn những trao đổi, chia sẻ của cô!