“Chạy đua” chi trả gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng đúng đối tượng

GD&TĐ - Gói an sinh lần 2 trị giá 26 nghìn tỷ đồng được kỳ vọng giải ngân nhanh để tiếp thêm động lực giúp người lao động, doanh nghiệp chống đỡ dịch bệnh Covid-19.

Gói an sinh lần 2 trị giá 26 nghìn tỷ đồng được kỳ vọng giải ngân nhanh để tiếp thêm động lực giúp người lao động, doanh nghiệp chống đỡ dịch bệnh Covid-19.
Gói an sinh lần 2 trị giá 26 nghìn tỷ đồng được kỳ vọng giải ngân nhanh để tiếp thêm động lực giúp người lao động, doanh nghiệp chống đỡ dịch bệnh Covid-19.

Nhiều địa phương triển khai nhanh

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, một số địa phương triển khai gói an sinh 26 nghìn tỷ đồng rất nhanh như: TPHCM, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Cần Thơ...

Ông Châu Văn Ly, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH An Giang cho biết, khoảng gần 9 nghìn người bán vé số lẻ trên địa bàn tỉnh đã được nhận hỗ trợ. Tổng số tiền là 12,9 tỷ đồng.

Các nhóm lao động khác như tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc... cũng song song triển khai hỗ trợ. Riêng lao động tự do, trừ người bán vé số, rà soát sơ bộ có trên 42 nghìn người, dự kiến hỗ trợ 73 tỷ đồng.

Tại Long An, bà Nguyễn Hồng Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho hay, đã rà soát và chi hỗ trợ trực tiếp cho hơn 20 nghìn lao động tự do. Tổng kinh phí đã chi trên 16,7 tỷ đồng. Về hỗ trợ tiền ăn với người cách ly y tế diện F0 và F1, theo bà Mai, toàn tỉnh có trên 5 nghìn người, tổng tiền hỗ trợ hơn 8,9 tỷ đồng...

Sở LĐ-TB&XH Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là địa phương triển khai nhanh chóng gói hỗ trợ. Tới nay, tỉnh đã chuyển 284 tỷ đồng cho cấp huyện để chi hỗ trợ người lao động theo gói an sinh lần 2. Các địa phương ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã lập danh sách trên 30 nghìn người thuộc diện hỗ trợ.

Ngoài ra, có gần 4 nghìn người bán vé số lẻ đã nhận hơn 2,8 tỷ đồng. Tương tự, tại Bến Tre, hơn 7 nghìn người bán vé số lẻ được hỗ trợ 3,5 tỷ đồng. Cần Thơ đã chi hỗ trợ gần 6 nghìn người bán vé số lẻ với tổng tiền hơn 6,8 tỷ đồng...

Lao động dễ dàng tiếp cận chính sách

Để Nghị quyết 68 sớm đi vào cuộc sống, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch về triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lào Cai, với gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ này, lần đầu tiên nhiều đối tượng lao động được nhận hỗ trợ từ Nhà nước. Đó là hỗ trợ một lần đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV, hướng dẫn viên du lịch… bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Ông Nguyễn Sơn Bình - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Lào Cai cho biết, đơn vị đã tổng hợp hồ sơ của 32 lao động hoạt động nghệ thuật (nhóm 9) để thực hiện chính sách hỗ trợ. Sở đã gửi Sở LĐ-TB&XH thẩm định, trình UBND tỉnh và đã được phê duyệt với tổng số tiền hỗ trợ hơn 118 triệu đồng. Gói hỗ trợ này là sự động viên lớn lao cho các nghệ sĩ khi hoạt động của đoàn nghệ thuật gần như phải tạm dừng trong vòng hơn 1 năm trở lại đây.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lào Cai, toàn tỉnh đã rà soát bước đầu thống kê có trên 2 nghìn đối tượng, doanh nghiệp thuộc các nhóm được hỗ trợ theo Nghị quyết 68. Số tiền hỗ trợ cho đối tượng này là hơn 9,9 tỷ đồng.

Trong đó, thực hiện chính sách giảm mức thu Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (nhóm 1) cho hơn 1 nghìn đơn vị, doanh nghiệp. Tổng số tiền được giảm mức đóng 12 tháng (từ tháng 7/2021 - 6/2022) là gần 9 tỷ đồng.

Số đối tượng được hỗ trợ từ nhóm 4 đến nhóm 11 được các đơn vị trong tỉnh tổng hợp theo Nghị quyết 68 là trên 600 người với số tiền hỗ trợ trên 1 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 2 nghìn đối tượng, doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt với số tiền chi trả trên 1,3 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Bát Xát (Lào Cai) cho biết, toàn huyện đã có 46 đối tượng được phê duyệt hỗ trợ với kinh phí trên 117 triệu đồng. Trong đó có 1 trẻ em trong khu cách ly, 12 người cách ly y tế và điều trị Covid-19 (nhóm 7, 8) và 33 hộ kinh doanh (nhóm 10).

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đinh Văn Thơ, Sở tập trung thẩm định hồ sơ với thời gian ngắn nhất, xong vẫn bảo đảm đúng đối tượng và trình UBND tỉnh phê duyệt.

Hiện, chỉ còn chính sách nhóm 12 tại Nghị quyết số 68. Đây là nhóm thuộc đối tượng không có giao kết hợp đồng lao động. Nhiều địa phương trong tỉnh đang gấp rút rà soát, lập danh sách, thẩm định bảo đảm đúng đối tượng. Sau đó, địa phương trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để người dân được động viên, chia sẻ kịp thời.

Hiện, tỉnh Đắk Lắk đang rà soát thống kê đối tượng, xây dựng kế hoạch để người lao động dễ dàng tiếp cận chính sách, bảo đảm tính khả thi.

Ông Trần Văn Bích - Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Đông Phương (TP Buôn Ma Thuột) cho biết, đơn vị có tổng cộng 214 công nhân đang làm việc. Ngay khi chính quyền thành phố áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Hiện, chủ đơn vị chỉ cố gắng duy trì mức lương cơ bản cho lao động. Còn lại thưởng và bồi dưỡng hàng tháng đều cắt hết vì không có nguồn thu. Trong khi nhiều người có cuộc sống rất khó khăn.

Lãnh đạo Phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (thuộc Sở LĐ-TB&XH, tỉnh Đắk Lắk) cho hay, mục tiêu của địa phương là bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng. Đồng thời phải công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền (trừ các đối tượng hưởng chính sách bổ sung) chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ. Không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.

Người lao động làm việc ở TPHCM hay các địa phương khác khi trở về nhà ở Đắk Lắk vẫn được đăng ký. Theo đó, các đối tượng này sẽ làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ ở địa phương nếu chưa nhận ở các tỉnh, thành trước đó công tác.

Đối với chính sách hỗ trợ lao động tự do, tỉnh cũng sẽ triển khai các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để lao động dễ dàng tiếp cận chính sách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ