Châu Âu lại đứt cáp ngầm một cách bí ẩn

GD&TĐ -Đường truyền điện ngầm từ Phần Lan đến Estonia đã bị gián đoạn sau khi có 2 tàu bí ẩn xuất hiện.

Xảy ra sự cố mất điện ở tuyến cáp điện ngầm nối Phần Lan và Estonia. Ảnh minh họa
Xảy ra sự cố mất điện ở tuyến cáp điện ngầm nối Phần Lan và Estonia. Ảnh minh họa

Hôm 25/12, Thủ tướng Petteri Orpo cho biết chính quyền Phần Lan đang điều tra sự cố mất điện ở tuyến cáp điện ngầm nối Phần Lan và Estonia, đường truyền Estlink 2.

“Các nhà chức trách đang túc trực trong suốt dịp Giáng sinh và đang điều tra vấn đề này” - Thủ tướng Orpo cho biết.

Theo sàn giao dịch điện Nord Pool, đơn vị vận hành Estlink 2 đã ghi nhận sự cố vào ngày thứ Tư.

Giám đốc điều hành mạng lưới của công ty, ông Arto Pahkin cho biết, đơn vị vận hành cáp đã tiến hành kiểm tra.

"Chúng tôi đang điều tra một số nguyên nhân có thể xảy ra, từ phá hoại đến lỗi kỹ thuật, và vẫn chưa có gì bị loại trừ. Ít nhất hai tàu đang di chuyển gần cáp vào thời điểm xảy ra sự cố" - ông Pahkin nói với tờ báo Helsinging Sanomat.

Tháng trước, hai tuyến cáp viễn thông dưới biển đã bị gián đoạn. Tuyến C-Lion1, kết nối Đức và Phần Lan, và tuyến BCS East-West Interlink, kết nối Thụy Điển và Litva.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã nói vào thời điểm đó rằng Berlin “giả định, mà không có thông tin chắc chắn, rằng thiệt hại là do phá hoại”.

Tuyến C-Lion1 được lắp đặt chạy gần 1.200 km dưới Biển Baltic, giữa Helsinki, Phần Lan và Rostock, Đức. Người phát ngôn của Cinia, một nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu nhà nước của Phần Lan cho biết: "Tất cả các kết nối cáp quang trong đó đều bị cắt. Không có khả năng đánh giá lý do cáp bị đứt, nhưng những vụ đứt cáp như thế này không xảy ra ở vùng biển này nếu không có tác động từ bên ngoài".

Phần Lan và Estonia ban đầu đổ lỗi cho Nga về sự cố xảy ra vào tháng 10 năm 2023 khiến đường ống dẫn khí đốt dưới biển giữa hai nước bị hư hại. Sau đó, các cuộc điều tra xác định rằng mỏ neo của một tàu chở hàng Trung Quốc là nguyên nhân gây ra sự cố.

C-Lion1 đã đi vào hoạt động vào năm 2016, như một cách để cải thiện kết nối dữ liệu của Phần Lan với trung tâm châu Âu. Cáp chạy gần đường ống Nord Stream, nơi từng vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga đến Đức. Ba trong số bốn ống đã bị phá hoại vào tháng 9/2022. Ống thứ tư chưa được Đức cấp phép nên chưa từng đi vào hoạt động.

Mặc dù không ai nhận trách nhiệm về vụ tấn công, nhiều phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin rằng những người có liên quan đến Ukraine đứng sau hoạt động này.

Vào tháng 10/2024, Moscow tuyên bố rằng họ có "bằng chứng" cho thấy Mỹ và Anh chịu trách nhiệm về vụ phá hoại Nord Stream. London và Washington, cũng như Kiev, đã phủ nhận mọi sự liên quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ