Ngày 25/12, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 26/2024/TT-BGDĐT, sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.
Theo Thông tư số 26/2024/TT-BGDĐT, sách giáo khoa là xuất bản phẩm được biên soạn theo các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông; được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, cho phép sử dụng làm tài liệu dạy học chính thức trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Tiêu chuẩn cá nhân biên soạn sách giáo khoa được sửa đổi tại Thông tư 26 như sau:
Người biên soạn sách giáo khoa có trình độ đào tạo từ đại học trở lên theo chuyên ngành phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được biên soạn; am hiểu về khoa học giáo dục; có ít nhất 3 năm trực tiếp giảng dạy hoặc nghiên cứu về chuyên môn phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được biên soạn; là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt.
Thông tư số 26/2024/TT-BGDĐT đồng thời bổ sung khoản 4 vào Điều 13 như sau: Không biên soạn, biên tập, chế bản, góp ý bản mẫu sách giáo khoa hoặc tổ chức việc biên soạn, biên tập, chế bản, góp ý bản mẫu sách giáo khoa của tổ chức, cá nhân đề nghị thẩm định sách giáo khoa theo quy định tại Thông tư này.
Ngoài ra còn có những sửa đổi, bổ sung liên quan đến hồ sơ đề nghị thẩm định sách giáo khoa; trình tự giải quyết hồ sơ đề nghị thẩm định sách giáo khoa; thay thế một số cụm từ của quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa...
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/2/ 2025.
Điều khoản chuyển tiếp: Sách giáo khoa đã được xuất bản, phát hành trước khi Thông tư này có hiệu lực tiếp tục được sử dụng.