'Châu Âu không thể trông cậy an ninh vào Mỹ được nữa'

GD&TĐ -Anh và Pháp đang tìm kiếm kế hoạch đưa quân đến Ukraine, nhà ngoại giao châu Âu tuyên bố EU không thể trông cậy vào Mỹ được nữa.

Đại diện cấp cao của Liên minh Châu Âu về Chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell.
Đại diện cấp cao của Liên minh Châu Âu về Chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell.

Đại diện cấp cao của Liên minh Châu Âu về Chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell trong một bài đăng trên trang điện tử của cơ quan này đã tuyên bố rằng, tương lai EU đang bị đe dọa khi phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng cùng một lúc.

Đáng chú ý, ông Borrell nói thêm rằng EU đang ở trong "vòng cung lửa" và không còn có thể dựa vào Mỹ để bảo vệ mình nữa.

Ông Borrell cho rằng tình hình thế giới hiện nay đang ở mức "đáng báo động", như cuộc xung đột ở Ukraine, Gaza và vấn đề Châu Phi.

“Những sự kiện mà chúng ta phải đối mặt trong vài tháng qua – thật không may – đã xác nhận chẩn đoán được đưa ra trước đó: Châu Âu đang gặp nguy hiểm. Môi trường địa chính trị của chúng ta đang xấu đi, và các cuộc xung đột và khủng hoảng đang gia tăng ngay trước cửa nhà chúng ta. Từ Ukraine đến Trung Đông, qua Nam Kavkaz, Sừng Châu Phi hoặc Sahel” - ông Borrell viết.

Theo nhà ngoại giao châu Âu, tình hình thế giới hiện nay "trong bối cảnh cam kết tương lai của Mỹ đối với an ninh châu Âu đã trở nên không chắc chắn hơn rất nhiều", đặc biệt là khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ.

Ông Borrell viết rằng: "Hạnh phúc và tương lai của chúng ta không thể tiếp tục phụ thuộc vào tâm trạng của cử tri Mỹ vùng Trung Tây 4 năm một lần."

Ông đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên của khối EU tăng cường quốc phòng của chính họ.

Ông Borrell cũng tuyên bố rằng, có "một nguy cơ nghiêm trọng" là cuộc xung đột ở Ukraine "có thể giúp củng cố liên minh của 'các nước còn lại chống lại phương Tây'".

Ông chỉ ra hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra vào tháng trước tại Kazan, Nga, và nhấn mạnh rằng một liên minh như vậy cũng có thể "hình thành" ở Sahel, với việc lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc rời khỏi Mali vào cuối năm 2023.

Tuyên bố của ông Borrell cũng cho thấy một khả năng có sự tham gia mạnh mẽ hơn từ châu Âu trong cuộc xung đột Ukraine trong tương lai.

Tờ Le Monde của Pháp hôm thứ 2 đưa tin cho biết, ý tưởng về sự tham gia trực tiếp của phương Tây vào cuộc xung đột đã được đưa trở lại bàn đàm phán. Anh và Pháp đã "tái khởi động" các cuộc đàm phán về việc gửi quân tới Ukraine mặc dù ý tưởng này đã gây ra rạn nứt giữa các thành viên NATO châu Âu.

Tờ báo trích dẫn các nguồn tin ẩn danh cho hay, khi Thủ tướng Anh Keir Starmer đến thăm Paris vào đầu tháng này, các cuộc đàm phán về khả năng triển khai quân Pháp-Anh tới Ukraine đã được Starmer và Macron "kích hoạt lại".

Le Monde suy đoán rằng đợt triển khai này có thể bao gồm việc cả hai quốc gia cử các kỹ thuật viên tư nhân đến sửa chữa thiết bị quân sự (như Anh đã làm), đến các nhà thầu quân sự tư nhân (như Nga nhấn mạnh rằng Pháp phải làm), đến nhân viên mặc cờ trên bộ, hoặc ở tuyến đầu hoặc để thực thi lệnh ngừng bắn và thỏa thuận hòa bình.

Các quan chức Anh và Pháp đều cho rằng một số hình thức triển khai có thể đang được tiến hành. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noel Barrot đã nói với đài truyền hình nhà nước Anh BBC vào cuối tuần này rằng, Paris "không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào" khi được hỏi trực tiếp về khả năng gửi quân đội Pháp đến Ukraine.

Một nguồn tin quân sự Anh nói với tờ Le Monde rằng "Anh và Pháp đang thảo luận về hợp tác quốc phòng, đặc biệt là nhằm mục đích tạo ra một nhóm đồng minh cốt lõi ở châu Âu, tập trung vào Ukraine và an ninh châu Âu nói chung".

Vào tháng 2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gây tranh cãi khi tuyên bố sẵn sàng gửi quân bộ binh tới Ukraine "để ngăn Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến này". Tuyên bố này đã nhanh chóng bị các quan chức NATO bác bỏ, trong khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với các phóng viên rằng những người ủng hộ phương Tây của Ukraine "nhất trí" phản đối ý tưởng này.

Phía Nga từ lâu đã tuyên bố rằng lực lượng đặc nhiệm phương Tây đang hoạt động ở Ukraine, và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lưu ý rằng Ukraine không thể bắn tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga nếu không có sự hỗ trợ của các chuyên gia phương Tây.

Khi tên lửa ATACMS của Mỹ và Storm Shadow của Anh được sử dụng trong các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận vào tuần trước, Tổng thống Putin đã cảnh báo rằng cuộc xung đột ở Ukraine đã "mang những yếu tố mang tính chất toàn cầu".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ