Châu Âu bất đồng trong trừng phạt Nga

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Trong khi Ba Lan và một số nước đề xuất lệnh trừng phạt mới là cấm cửa toàn bộ công dân Nga vào châu Âu bằng cách ngừng cấp visa, thì Đức đứng đầu nhóm nước phản đối biện pháp này.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sự bất đồng trong việc trừng phạt Nga của châu Âu cũng xảy ra trong lĩnh vực năng lượng.

Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Piotr Wawrzyk hôm 14/8 thông báo nước này đang xây dựng đề xuất để thuyết phục toàn bộ các quốc gia thành viên EU ngừng cấp thị thực cho công dân Nga. Theo đó, Ba Lan ủng hộ việc đình chỉ thỏa thuận năm 2007 giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga về “tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp thị thực”.

Một số nước châu Âu khác cũng cùng quan điểm với Ba Lan về việc này như Latvia, Lithuania, Estonia, Czech và Slovakia. Hai nước tích cực nhất trong việc tìm cách thuyết phục các thành viên khác trong khối là Ba Lan và Czech, với hy vọng quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào cuối tháng 8 tại Hội nghị cấp bộ trưởng EU ở Prague.

Ba Lan hiện đã đơn phương dừng cấp thị thực du lịch cho công dân Nga, trong khi Czech với vai trò là nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU cũng nhất trí thông báo sẽ thúc đẩy EU tiến tới một lệnh dừng cấp thị thực toàn diện đối với người Nga. Các nước thành viên sẽ thảo luận về vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh cấp bộ trưởng ở Prague cuối tháng 8.

Trước đó đầu tháng 8, Latvia cũng đã dừng cấp thị thực cho gần như tất cả công dân Nga, viện dẫn lý do an ninh. Estonia hôm 11/8 cho biết sẽ hành động tương tự và dự kiến cấm cả người Nga có hộ chiếu Estonia nhập cảnh từ ngày 18/8. Ba quốc gia vùng Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithuania cũng đã ngừng cấp thị thực cho công dân Nga.

Trong khi đó ở chiều ngược lại, Đức thuộc số ít quốc gia EU phản đối động thái cấm cửa người Nga vào châu Âu. Ngày 15/8, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố, Berlin sẽ không ủng hộ quan điểm chấm dứt cấp thị thực cho công dân Nga trên toàn EU như một số quốc gia đang kêu gọi.

Thủ tướng Olaf Scholz bày tỏ sự hoài nghi về tính hiệu quả của đề xuất cấm thị thực nói trên vì cho rằng nó sẽ làm giảm hiệu quả của các lệnh trừng phạt khác, khi “những người vô tội” cũng bị nhắm đến. Hai nước Pháp và Hà Lan cũng đứng về phía Đức không đồng tình với đề xuất cấm thị thực công dân Nga.

Vấn đề liên quan đến cấp thị thực cho công dân Nga dự kiến sẽ được đưa ra tại cuộc họp của các ngoại trưởng EU vào ngày 31/8 tại Gymnich, Đức. Nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất này cũng sẽ vấp phải sự bất đồng tương tự như cách các nước châu Âu đang cấm vận năng lượng Nga hiện nay.

Trong khi hầu hết các nước châu Âu ủng hộ biện pháp hạn chế dần và tiến đến ngắt mối liên hệ với các nguồn năng lượng Nga, thì hai nước Hungary và Slovakia lại kịch liệt phản đối biện pháp cấm vận của EU với năng lượng của Moscow. Hai nước này đang quá phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga và không thể có giải pháp thay thế trong thời điểm hiện tại.

Đức cũng là quốc gia miễn cưỡng với các biện pháp trừng phạt nhằm vào năng lượng Nga do phụ thuộc nhiều vào nguồn cung của nước này. Những tình huống trên cho thấy châu Âu không dễ có tiếng nói chung trong các biện pháp trừng phạt Nga vì cuộc chiến tại Ukraine. Trong khi đó, bất chấp hàng chục nghìn lệnh trừng phạt nhằm vào mình, Nga dường như vẫn không thay đổi chiến dịch tại Ukraine.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.