Giáo dục đại học tại phương Tây đã mất dần vị thế trong khi ngôi vị dần được chuyển giao sang phương Đông.
Cụ thể, năm 2016, chỉ hai trường đại học tại Trung Quốc lọt vào bảng xếp hạng tốp 200 thế giới. Đến năm 2021, con số này tăng lên là 7. Dẫn đầu là Trường Đại học Thanh Hoa, thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc, cũng là trường đại học đầu tiên của châu Á lọt tốp 20 thế giới.
Cùng thời gian, Hồng Kông đã góp tên mình với 5 cơ sở giáo dục đại học, trong khi Hàn Quốc là 7 trường. Singapore, một trong những quốc gia sở hữu lĩnh vực giáo dục đại học phát triển nhanh nhất thế giới, đã góp tên Trường Đại học Công nghệ Nanyang trong tốp 50.
Bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới của THE dựa trên phân tích hơn 13 triệu ấn phẩm nghiên cứu, 80 triệu bài báo khoa học và khảo sát 22.000 học giả trên thế giới. Bảng xếp hạng đưa ra cái nhìn mạnh mẽ về trạng chuyển dịch của nền kinh tế tri thức thế giới. Bức tranh hiện đang rất rõ ràng. Các trường đại học châu Á đã tăng từ 26% trong năm 2016 lên 32% trong năm 2021.
Các cường quốc phương Tây như Mỹ, Anh, Tây Âu vẫn chiếm ưu thế cả về tổng thể lẫn những vị trí cao nhất. Nhưng khi giáo dục đại học tại Đông Á phát triển, Anh đã đánh rơi 5 cơ sở giáo dục đại học trong khi Mỹ mất 3 trường trong tốp 200.
Đại dịch Covid-19 có khả năng thay đổi cán cân giáo dục đại học trong nhiều năm tới. Trước đó, trong nhiều thập kỷ, sinh viên châu Á nuôi tham vọng du học phương Tây. Nhiều người nỗ lực ở lại, góp phần không nhỏ vào nền kinh tế các quốc gia phương Tây.
Nhưng Trung Quốc, một trong những quốc gia đi đầu tại châu Á, đã tìm cách thu hút nhân tài quốc tế đến học tập và làm việc.
Quá trình này được đẩy nhanh bởi Covid-19. Trong khi các trường đại học phương Tây vật lộn vì nguồn thu học phí giảm, số lượng sinh viên quốc tế giảm, các trường đại học tại Đông Á vẫn tiếp tục phát triển.
Chẳng hạn tại Trung Quốc, ngân sách giáo dục đại học đã tăng thêm 12% từ năm 2019 đến năm 2020. Nhật Bản đạt mục tiêu huy động 10 nghìn tỷ yên cho một trường đại học vào năm 2022.
Đài Loan đã phân bổ thêm 83,6 tỷ đài tệ cho các trường đại học trong 5 năm tới. Tại Malaysia, chính phủ chi 20% ngân sách quốc gia năm 2021 cho lĩnh vực giáo dục.
Dữ liệu của THE cũng cho thấy các trường đại học trẻ, năng động tập trung nhiều tại Đông Á. Những trường này có tuổi đời dưới 50 năm nhưng được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh chóng trong vài thập kỷ tới để cạnh tranh với các trường đại học lâu đời trên thế giới.
Danh sách này dẫn đầu bởi Trường Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, được thành lập vào năm 1991. 3 trường tiếp theo đến từ Hàn Quốc với Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Ulsan (14 năm tuổi) và 2 trường đại học tại Hồng Kông (30 năm tuổi).
Kết quả này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo với các trường đại học phương Tây. Khi Cách mạng Công nghiệp 4.0 xuất hiện, các trường đại học trẻ đã nhanh chóng thích nghi, nắm bắt xu hướng đào tạo lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo, Vật liệu và Công nghệ sinh học.
Trung Quốc đã vượt qua Mỹ về số lượng ấn phẩm nghiên cứu trong lĩnh vực Khoa học và Kỹ thuật. Điều này đòi hỏi các trường đại học phương Tây phải thay đổi lĩnh vực giáo dục đại học sang hướng hợp tác, cởi mở và đa dạng hơn.