Chật vật vì thiếu cán bộ quản lý trường học

GD&TĐ - Tình trạng thiếu cán bộ quản lý, nhất là thiếu vị trí phó hiệu trưởng tại các trường học mầm non, mẫu giáo trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi kéo dài trong thời gian qua khiến công tác quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ trường học gặp phải rất nhiều khó khăn.

Tình trạng thiếu hụt cán bộ quản lý vẫn chưa có phương án giải quyết căn cơ khiến các trường tỏ ra hết sức lo lắng
Tình trạng thiếu hụt cán bộ quản lý vẫn chưa có phương án giải quyết căn cơ khiến các trường tỏ ra hết sức lo lắng

Tình hình này càng trở nên đáng lo ngại hơn, chính quyền, Phòng GD&ĐT các địa phương chưa có phương hướng nào giải quyết hiệu quả.

“Bối rối” trong công tác quản lý, điều hành

Nằm ngay trung tâm huyện Tây Trà, Trường Mẫu giáo xã Trà Phong được xếp là trường mẫu giáo hạng 1. Năm học 2017 - 2018, trường có số lượng trẻ mẫu giáo theo học đông nhất huyện Tây Trà, với 216 trẻ.

Mặc dù là trường nằm ở trung tâm huyện nhưng có đến 8 điểm trường, trong đó có 1 điểm trường chính và 7 điểm trường lẻ. Điểm xa nhất là điểm trường thôn Trà Na, giáp ranh với 2 xã Trà Quân và Trà Lãnh, cách điểm trường chính tới 10km, đường sá đi lại khó khăn. Vì thiếu vị trí phó hiệu trưởng nên công tác giảng dạy, tổ chức các hoạt động giáo dục gặp phải rất nhiều khó khăn.

Theo cô giáo Đinh Thị Lệ Hiền - Hiệu trưởng Trường MG xã Trà Phong, trường được xếp trường hạng 1 nên theo quy định sẽ có 1 hiệu trưởng và 2 phó hiệu trưởng. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, chức danh phó hiệu trưởng luôn trong tình trạng biến động. Có thời điểm, trường “khuyết” cả 2 phó hiệu trưởng vì được điều động sang các trường khác cũng đang thiếu chức danh hiệu trưởng.

Cô giáo Đinh Thị Lệ Hiền cho hay: Đến tháng 1/2018, trường mới được bổ nhiệm 1 phó hiệu trưởng, tuy nhiên người được bổ nhiệm vẫn còn “nợ” chứng chỉ lớp bồi dưỡng trung cấp lý luận chính trị. Hiện trường vẫn còn thiếu 1 phó hiệu trưởng, vẫn chưa biết khi nào mới có. Việc thiếu cấp phó hỗ trợ khiến hiệu trưởng luôn trong tình trạng xoay như chong chóng với những công việc chỉ đạo, điều hành hoạt động của 8 điểm trường… Một người đảm trách nhiệm vụ của ba người thì có cố gắng đến mấy cũng khó có thể làm tốt mọi việc.

Trong 3 năm qua, Trường Mầm non xã Sơn Liên (xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây) cũng gặp phải rất nhiều khó khăn thiếu cán bộ quản lý. Năm học 2017 - 2018, trường có 5 điểm trường, lại có tổ chức ăn ở bán trú cho học sinh nên công tác tổ chức mọi hoạt động trong trường học hết sức vất vả.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Ý - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Sơn Liên, cho biết: Từ năm 2015 đến nay, trường vẫn chưa có phó hiệu trưởng mới. Ngoài tổ chức hoạt động chuyên môn dạy học hiệu quả, cán bộ, giáo viên nhà trường phải rất nỗ lực làm việc thì mới đảm bảo, duy trì được hoạt động học bán trú, các hoạt động vui chơi cho học sinh.

Không có cấp phó, mỗi ngày hiệu trưởng cố gắng lắm cũng chỉ điều hành, giám sát trực tiếp được hoạt động ở 1 điểm trường chính và 2 điểm trường lẻ. 5 điểm trường còn lại 1 tháng hiệu trưởng mới tổ chức dự giờ 1 lần, không thể thường xuyên đến từng lớp, kiểm tra thời gian đến lớp của giáo viên, quan sát các hoạt động dạy học của giáo viên, học sinh thường xuyên.

“Tình trạng thiếu cấp phó kéo dài trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tại các điểm trường. Công việc và áp lực rất lớn nên nhiều khi phải nhờ đến cả sự giám sát, giúp đỡ, hỗ trợ của phụ huynh học sinh và trưởng thôn tại các điểm trường này” - cô Ý bày tỏ.

Chưa có phương án giải quyết căn cơ

Điều đáng lo ngại là tình trạng thiếu cán bộ quản lý không phải xảy ra ở một vài trường đơn lẻ, mà diễn ra tại nhiều cơ sở trường học ở nhiều huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà, năm học 2017 - 2018, bậc học mầm non của huyện Tây Trà có 10 trường mầm non, mẫu giáo thì có đến 6 trường thiếu cấp phó. Không riêng huyện Tây Trà, ở huyện miền núi Sơn Tây tình trạng cũng tương tự. Toàn huyện Sơn Tây có 10 trường mầm non thì có đến 9 trường thiếu cấp phó, duy nhất chỉ có Trường Mầm non xã Sơn Tân là có đủ hiệu trưởng và hiệu phó theo quy định.

Lý giải vì sao lại xảy ra tình trạng thiếu cán bộ quản lý tại các điểm trường trong nhiều năm qua, đặc biệt là ở bậc mầm non, lãnh đạo các Phòng GD&ĐT các địa phương cho rằng nguyên nhân là do bậc học mầm non 100% giáo viên là nữ. Nhiều cán bộ quản lý là hiệu trưởng, hiệu phó ở các trường sau khi đủ thời gian công tác ở miền núi đồng loạt xin chuyển về đồng bằng trong thời gian ngắn. Không chỉ thiếu cán bộ quản lý, tình trạng thiếu giáo viên mầm non cũng diễn ra khá phổ biến tại các trường. Nhiều huyện miền núi hiện nay đang hụt nguồn giáo viên khá nhiều.

Thầy Nguyễn Hữu Duy - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà, lo lắng: Ở các trường học, phó hiệu trưởng thường là người phụ trách chuyên môn và các phong trào thi đua, việc thiếu cấp phó, hiệu trưởng phải đảm nhiệm toàn bộ công việc nên hiệu quả dạy và học ở các trường này thấp hơn các trường khác là điều hiển nhiên.

Thầy Duy trăn trở: Tình trạng này diễn ra trong nhiều năm qua, nhưng lực bất tòng tâm. Việc tìm nguồn cán bộ quy hoạch chức danh lãnh đạo của các điểm trường MN trên địa bàn các huyện miền núi vô cùng khó khăn, do hầu hết các giáo viên còn trẻ, thiếu các tiêu chuẩn theo quy định. Người có kinh nghiệm, năng lực tốt thì xin chuyển về đồng bằng.

Thầy Bùi Thế Giới - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây lo ngại: Tình trạng thiếu cán bộ quản lý tại các điểm trường mầm non có thể kéo dài trong thời gian tới. Bởi vì theo công tác rà soát đội ngũ cán bộ, giáo viên thì trong 3 năm nữa mới có đủ nguồn cán bộ đủ chuẩn để bổ sung. Tuy vậy, nếu số giáo viên nằm trong quy hoạch lại tiếp tục xin chuyển công tác thì tình trạng thiếu cán bộ quản lý tại các trường MN sẽ lại tiếp diễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

2025, năm ‘bùng nổ’ các sự kiện âm nhạc?

GD&TĐ - Vừa bước sang năm 2025 đã có khá nhiều cuộc hẹn của âm nhạc được dự kiến như Hà Anh Tuấn sẽ đem Live concert “Sketch a rose” từ Nhà hát Sydney Opera House (Australia) về TPHCM...