Cán bộ phụ trách phòng bộ môn: Chuyên trách hay kiêm nhiệm?

Cán bộ phụ trách phòng bộ môn: Chuyên trách hay kiêm nhiệm?

(GD&TĐ) - Thực tế giảng dạy ở các trường phổ thông cho thấy, không một môi trường dạy - học nào mà HS có cơ hội hoạt động nhiều như ở phòng học bộ môn. Dạy - học ở phòng bộ môn cũng là phương án tối ưu nhất để khai thác hết hiệu quả và bảo quản tốt thiết bị, đồ dùng dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường. Thế nhưng, có một thực tế là cho dù các trường học đều bố trí cán bộ phụ trách phòng bộ môn, nhưng hầu hết đều kiêm nhiệm, không đúng chuyên môn đào tạo, nhiều trường hợp chưa được tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. 

Tay quen…

Tốt nghiệp Trường CĐ Công nghệ kỹ thuật, ngành Kỹ thuật môi trường, Trần Hữu Trung được tuyển dụng cho vị trí viên chức phụ trách phòng học bộ môn (PHBM) tại Trường THCS Lê Anh Xuân (Q.Liên Chiểu - TP Đà Nẵng).

Công việc của Trung được xem là “gần với chuyên môn được đào tạo”. Tuy nhiên, theo như Trung tự nhận xét thì mình chỉ đơn thuần nhìn lịch đăng ký giảng dạy tại phòng bộ môn để chuẩn bị dụng cụ, hóa chất… cho GV bộ môn là chính. Trung cũng phải xem qua chương trình và sách giáo khoa của các khối lớp để chuẩn bị thí nghiệm. 

Hai viên chức phụ trách PHBM của Trường THPT Phạm Phú Thứ (Đà Nẵng) đều không được đào tạo, chỉ “làm lâu rồi quen tay” nên việc duy trì, bảo dưỡng và phụ giúp cho GV chuẩn bị tiết dạy cũng còn hạn chế. Chính vì vậy, BGH nhà trường dùng giải pháp phải phân công thêm GV bộ môn kiêm nhiệm; các hoạt động chuyên môn của tổ cũng phải gắn với PHBM. GV phải hỗ trợ “ngược” lại cho nhân viên thiết bị, từ lên danh sách mua sắm thiết bị, kiểm tra công tác chuẩn bị…

Nhiều trường THCS ở quận Hải Châu (Đà Nẵng) hầu như đều thiếu cán bộ quản lý thiết bị dạy học (TBDH), chỉ phân công cho một GV giảng dạy bộ môn kiêm nhiệm. Chính vì vậy, không phải lúc nào GV cần sử dụng thiết bị cũng có cán bộ túc trực để cung cấp thiết bị.

Chưa kể là vì không được đào tạo chuyên môn nên công tác quản lý, bảo quản thiết bị, vấn đề đảm bảo an toàn trong phòng thực hành, xử lý hóa chất… cũng bị hạn chế rất nhiều. Có lẽ chính vì thế mà Trường THCS Lương Thế Vinh, nay là Trường Nguyễn Lương Bằng (Q.Liên Chiểu) chọn giải pháp phân công 2 GV bộ môn phụ trách phòng bộ môn, trong đó có một GV phụ trách chính và một GV phụ trách phụ.

Những GV này sẽ được giảm bớt số giờ đứng lớp để đảm bảo khi một giáo viên cần sử dụng thiết bị thì luôn có cán bộ túc trực để cung cấp thiết bị.

Giờ học tại phòng bộ môn của Trường THCS Lê Anh Xuân
Giờ học tại phòng bộ môn của Trường THCS Lê Anh Xuân 

Chuyên trách hay kiêm nhiệm?

Cô Nguyễn Thị Thiện (Trường THPT Nguyễn Hiền - Đà Nẵng) được xem là một trong những cán bộ phụ trách phòng bộ môn được đào tạo bài bản, đúng chuyên môn. Vốn trước đây, khi vẫn còn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, đang là một GV dạy Lý, cô được cử đi học khóa quản lý thiết bị rồi về công tác tại Trung tâm thí nghiệm thực hành của Hội An.

Sau này, cô Thiện còn tham gia một số khóa học ngắn hạn về môn Hóa và Sinh. Chính vì vậy, ngoài việc hỗ trợ cho GV bộ môn Vật lý, cô có thể phụ giảng tiết thực hành môn Hóa và Sinh trong trường hợp lớp có sĩ số HS đông hoặc tiết học có nhiều thí nghiệm phức tạp. Ngoài việc phụ trách chung 4 phòng bộ môn và một phòng thiết bị dùng chung, chuẩn bị dụng cụ, bảo quản thiết bị, cô Thiện còn đảm nhiệm công việc mua sắm phôi liệu, hóa chất. Chính vì vậy, khác với các GV, cô Thiện phải thường xuyên có mặt ở trường. 

Ngoài một cán bộ chuyên trách phụ trách chung, Trường THPT Nguyễn Hiền còn cử GV bộ môn kiêm nhiệm phụ trách thêm.

Theo cô Lê Thị Tuyết Hồng - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền, mô hình này sẽ giúp việc quản lý thiết bị được tốt hơn, vừa có tính tổng thể vừa chuyên sâu nên sẽ hiệu quả hơn việc sử dụng 2 cán bộ chuyên trách.

Cũng đồng ý với quan điểm này, cô Đặng Thị Xuân Oanh - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Anh Xuân cho biết thêm: “Cán bộ chuyên trách chỉ có thể tạo điều kiện cho GV bộ môn chuẩn bị hóa chất, đảm bảo an toàn cho giờ thực hành, lên kế hoạch xây dựng, sử dụng phòng bộ môn, quản lý hồ sơ, sổ sách, mua sắm thiết bị chứ không thể chuyên sâu về bộ môn được. Do vậy, nếu có thêm GV kiêm nhiệm hỗ trợ thì giờ dạy tại phòng bộ môn sẽ tốt hơn, nhất là các môn Sinh, Hóa, Vật lý - vốn có nhiều hóa chất, thí nghiệm chuyên sâu”.

Tuy nhiên, có một thực tế là số cán bộ chuyên trách phụ trách phòng bộ môn được đào tạo đúng chuyên môn là rất ít. Theo ông Nguyễn Đăng Ngưng - Trưởng phòng GD&ĐT Hải Châu (Đà Nẵng) thì hầu hết cán bộ phụ trách PHBM tại các trường THCS trên địa bàn là từ GV bộ môn chuyển sang. Ông Ngưng cho biết, trong điều kiện các trường sư phạm chưa mở mã ngành đào tạo cán bộ phụ trách thiết bị thì đây là phương án chấp nhận được.

Những GV này sẽ được giảm một số giờ dạy bởi theo như ông Ngưng nhận xét thì “nếu cán bộ phụ trách phòng bộ môn có năng lực và tâm huyết với công việc thì sẽ rất vất vả và thường xuyên phải đi sớm, về muộn”. Như cô Thiện kể, dù nội quy của phòng bộ môn là sau giờ thực hành, GV và HS phải làm vệ sinh, dọn dẹp… đảm bảo như trước khi nhận phòng, thế nhưng, cũng có lúc cô Thiện phải cọ rửa, tắt nước, tắt điện…

Tuổi thọ của đồ dùng dạy học và các thiết bị cũng phụ thuộc nhiều vào cách bảo quản và sử dụng của cán bộ phòng bộ môn. Như Trường THPT Nguyễn Hiền, được cấp về 10 bộ đồ dùng tối thiểu, cô Thiện cho biết, chỉ đưa ra sử dụng 5 bộ, 5 bộ còn lại dùng để dự phòng, hỏng hết rồi thì chọn lọc lại rồi mới mua bổ sung. Hóa chất cũng được mua đủ để dùng trong năm học nên không có tình trạng tồn dư hóa chất. 

Đà Nẵng đang đầu tư mạnh mẽ để hướng đến mục tiêu đến năm 2020, 100% các trường phổ thông trên địa bàn đều có 7 phòng bộ môn được đầu tư xây dựng theo đúng qui định của Bộ GD&ĐT; đội ngũ cán bộ, GV được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu về hình thức dạy học tại phòng bộ môn. Cụ thể, sẽ có 183 phòng bộ môn được xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp 307 phòng hiện có.

Riêng số tiền sẽ mua sắm trang thiết bị đầu tư cho các phòng bộ môn mới ước tính khoảng 51 tỷ đồng. Các phòng bộ môn được đầu tư gồm Vật lý, Tin học, Công nghệ, Hóa học, Sinh học và phòng đa chức năng. Bài toán về xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức để phát huy hết hiệu quả của phòng bộ môn trong nâng cao chất lượng dạy - học cũng đang được tính đến. 

Hà Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ