(GD&TĐ)- Cho đến nay, sau hai năm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 trong cả nước, theo đánh giá của cán bộ quản lý, giáo viên các trường THPT chuyên thì Đề án là hết sức đúng đắn, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua nhằm nâng cao chất lượng giáo dục tại các địa phương; huy động các nguồn lực từ xã hội xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất thiết yếu của các trường, thúc đẩy việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh có năng lực thực sự...
Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa chú trọng, triển khai việc xây dựng phát triển trường THPT chuyên theo kịp yêu cầu phát triển của loại hình trường chuyên biệt này. Tại một số trường THPT chuyên, do tăng quy mô trong vài năm trở lại đây, cơ sở vật chất đã được đầu tư trước đây trở nên quá tải, chật hẹp.Cần hỗ trợ để có được chất lượng GD cao hơn
Khó khăn về cơ sở vật chất
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tỉnh Nam Định. Ảnh, gdtd.vn |
Nam Định là một địa phương nhiều năm nay có thành tích dẫn đầu cả nước về số lượng các học sinh giỏi đạt giải quốc gia, khu vực và quốc tế. Trong chuỗi thành tích này, số học sinh của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đóng góp tuyệt đối vào quân số các đội tuyển học sinh giỏi tham dự các kì thi quốc gia, khu vực và quốc tế.
Chỉ tính 5 năm gần đây, học sinh của nhà trường đã đạt được 11 huy chương (HC) các loại từ các cuộc thi Olympic khu vực và quốc tế. Riêng trong năm 2012, HS trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã có 7 HC Bạc và Đồng ở các môn kì thi Olympic khu vực và quốc tế. Về thanh tích HSG đạt giải quốc gia trong 5 năm gần đây, đoàn học sinh Nam Định luôn đứng đầu cả nước số lượng giải.
Nhìn lại cơ sở vật chất hiện có của nhà trường so sánh với những thành tích của học sinh qua các năm, các kì thi Olympic khu vực và quốc tế mới thấy hết được nỗ lực, cố gắng vượt khó của tập thể giáo viên, học sinh nhà trường. Hiệu trưởng nhà trường, NGƯT Cao Xuân Hùng cho biết, năm học này, trường có thêm gần 500 học sinh lớp 1, nâng tổng sĩ số toàn trường lên 1.500 học sinh. Trong số này có 500 học sinh có nhu cầu ở nội trú. Hiện khu nội trú của nhà trường chỉ đáp ứng được một nửa trong số này, 250 học sinh được ở nội trú. Số học sinh còn lại phải tự lo chỗ ở.
Tổng diện tích toàn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hiện nay chỉ vỏn vẹn trên 9.000 mét vuông đất. Không có sân chơi, bãi tập cho giáo dục thể chất và các hoạt động ngoại khóa khác. Số phòng học hiện có của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là 45 phòng. Trong số này, nhà trường đã phải chuyển đổi công năng của một số phòng trong khu hiệu bộ, phòng chức năng khác để làm phòng học.
Theo thầy Hùng thì phòng thí nghiệm và các phòng học chức năng mới là vấn đề khó khăn nhất của nhà trường hiện nay. Các lớp học chuyên Ngữ của trường hiện nay có đến 400 học sinh. Tuy nhiên, nhà trường chưa có phòng học chuyên ngữ.
Công cụ giảng dạy của giáo viên tổ ngoại ngữ chỉ là chiếc đài băng catset và máy tính xách tay tự trang bị. Chính vì vậy việc dạy và học của cô và trò gặp nhiều khó khăn. Bộ môn tin học của nhà trường cũng gặp khó khăn tương tự. Hiện nay, trường chỉ có một phòng học tin học lạc hậu do đầu tư xây dựng từ nhiều năm trước đây, đáp ứng nhu cầu học tập cho 30 học sinh. Trong khi đó, học sinh toán- tin của nhà trường lên đến 90 học sinh.
Phòng học bộ môn và thí nghiệm có lẽ mới là vấn đề bức xúc nhất của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Toàn bộ học sinh các môn lý, hóa, sinh và công nghệ có nhu cầu sử phòng thí nghiệm thì hiện nay nhà trường không có khả năng đáp ứng. Trong đợt bồi dưỡng học sinh giỏi vừa qua, nhà trường phải đưa học sinh đi học nhờ phòng thí nghiệm của một trường chuyên nghiệp trong tỉnh.
Thầy Cao Xuân Hùng nhận định, chính vì thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị như hiện nay nên thầy và trò của nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc dạy và học, nhất là trong bồi dưỡng học sinh giỏi. Về Đề án xây dựng trường chuyên của tỉnh Nam Định, thầy Hùng cho biết, tỉnh đã thông qua chủ trường này từ 5 năm nay. Tuy nhiên hiện Đề án vẫn dậm chân tại chỗ. Ngay như quỹ đất dành cho xây dựng trường chuyên mới cũng chưa có phương án bố trí, xây dựng. Do vậy, trong nhiều năm tới, thầy và trò trường vẫn phải khắc phục những khó khăn trên đây để giảng dạy học tập…
Khó khăn về đội ngũ
Đối với trường THPT chuyên Lam Sơn tỉnh Thanh Hóa thì những khó khăn lại đến từ phía khác, đó là thiếu đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý của nhà trường. Hiện toàn trường có 110 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Theo hiệu trưởng nhà trường, nhà giáo Kim Ngọc Chính thì trong năm học vừa qua, do thiếu cán bộ quản lý, thiếu giáo viên nên đã không đáp ứng yêu cầu giảng dạy, và hạn chế việc nâng cao chất lượng giáo dục trong trường. Nguyên nhân của sự thiếu hụt này là do Sở GD-ĐT Thanh Hóa không cho thi tuyển vì sở lấy lý do ít hồ sơ xin về trường. Mặc dù thực tế có trường hợp giáo viên giỏi xin về nhưng vẫn không được thi, Thầy Chính cho biết.
Hiện nhà trường có tổng số 1.062 học sinh. Trong năm học vừa qua, trường THPT chuyên Lam Sơn đã duy trì tốt các hoạt dộng giáo dục và công tác phát hiện bồi dưỡng HSG. Có hai học sinh được chọn dự thi Olympic quốc tế môn Toán và môn Lý. Trong đó đã có 1 em xuất sắc đạt HC Vàng Olympic Vật lý châu Á Thái Bình Dương tổ chức ở Ấn Độ và dành tiếp HC Bạc Olympic Vật lý Quốc tế tổ chức ở Estonia; một em khác dành HC Đồng Olympic Toán học Quôc tế tổ chức ở Achentina. Trong năm qua, trường cũng đã có 60 học sinh đạt giải quốc gia; 99 học sinh đạt giải học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh, 24 giải thể dục thể thao, quốc phòng cấp tỉnh, giải Nhất toàn tỉnh về thi sử dụng máy tính bỏ túi; 95% học sinh thi đậu nguyện vọng 1 vào các trường đại học.
Nhà trường đã thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy và đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh. Theo đó, mọi giáo viên đều thực hiện phương án lấy học sinh làm trung tâm đê truyền thụ kiến thức; tăng cường sự tự học, tự đọc của học sinh; việc kiểm tra đánh giá công bằng, chính xác, giúp học sinh tự kiểm tra lại chính mình và có phương án bổ sung các vấn đề còn thiếu. Trường cũng đã tổ chức hội thảo về sử dụng CNTT để soạn giao án điện tử. Mỗi GV đều có ít nhất 1 giáo án điện tử để giảng dạy. Trường đầu tư thêm máy vi tính và mắc máy chiếu đa năng ở các lớp học cho GV sử dụng trong giảng dạy. Trên trang website của trường đã đăng tải một số tài liệu phục vụ cho việc dạy và học…
Các hoạt động giáo dục khác cũng đã được nhà trường chú trọng. Như tổ chức cho tất cả học sinh khối 11 được học vi tính văn phòng, biết sử dụng và tra cứu tài liệu trên mạng phục vụ cho việc dạy và học; tất cả các thầy cô chủ nhiệm các lớp và giáo viên nhóm giáo dục công dân có trách nhiệm dạy giáo dục hướng nghiệp theo đúng phân phối chương trình. Nhà trường đã mời các doanh nhân, các trường ĐH về cùng tham gia công tác giáo dục hướng nghiệp cho HS. Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp được tiến hành thường xuyên, liên tục. Trong năm học, trường đã tổ chức Hội trại nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập trường, tổ chức các cuộc thi “cắm hoa, bóng đá, TDTT”, một số lớp tổ chức được công tác tham quan học tập thực địa như các lớp chuyên Địa, chuyên Sử, chuyên Sinh. Các hoạt động ngoại khoá phục vụ cho việc dạy và học được tiến hành theo chủ đề từng tháng trong năm học.
Cũng theo hiệu trưởng Kim Ngọc Chính, để các hoạt động giáo dục của nhà trường thực sự có được chất lượng cao hơn, công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi có chất lượng hơn, trong thời gian tới Sở GD-ĐT cần phải hỗ trợ nhà trường bằng cách giới thiệu giáo viên về trường để trường tuyển chọn đủ giáo viên theo biên chế. Tránh để tình trạng thiếu giáo viên một cách không hợp lý. Đồng thời UBND tỉnh Thanh Hóa nhanh chóng triển khai xây dựng trường mới đáp ứng yêu cầu cơ sở vật chất của trường chuyên.
Những mục tiêu chính trong Đề án (Đề án) phát triển hệ thống trường chuyên giai đoạn 2010-2020 Đến năm 2015, có ít nhất 50% học sinh được xếp loại học lực giỏi; 70% học sinh giỏi, khá về tin học; 30% học sinh đạt bậc 3 về ngoại ngữ theo tiêu chí do Hiệp hội các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành. Đến năm 2020, các chỉ số tương ứng là 70%; 90% và 50%. Theo kế hoạch , Đề án sẽ hỗ trợ, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường THPT chuyên trên cả nước. Cụ thể, sẽ xây dựng 664 phòng học, 365 phòng học bộ môn, 49 nhà tập đa năng, 73 thư viện, 73 phòng họp giáo viên, 63 nhà công vụ, 55 nhà nội trú và nhà ăn, 13 bể bơi và mua 73 bộ thiết bị dùng chung và thiết bị dạy học môn chuyên phục vụ cho giảng dạy, bồi dưỡng học sinh năng khiếu... Về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, sẽ đào tạo tại nước ngoài về trình độ thạc sĩ cho 200 giáo viên; về giảng dạy các môn toán, vật lí, hóa học, sinh học, tin học bằng tiếng Anh cho 730 giáo viên. Bồi dưỡng tại nước ngoài về kinh nghiệm quản lý giáo dục cho 73 cán bộ quản lý; về giảng dạy tiếng Anh cho 600 giáo viên tiếng Anh. Về chương trình, tài liệu và đánh giá hiệu quả giáo dục. Hoạt động này tập trung vào việc xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu giảng dạy về 5 hoạt động giáo dục bồi dưỡng năng khiếu theo lĩnh vực chuyên; về giảng dạy bằng tiếng Anh các môn toán, vật lí, hóa học, sinh học, tin học ở các lớp 10, 11, 12. Lộ trình thực hiện Đề án sẽ tiến hành qua 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2010-2015) là nghiên cứu, thí điểm, áp dụng một số chương trình dạy học tiên tiến của thế giới tại một số trường THPT chuyên trọng điểm. Xây dựng cơ chế liên kết chặt chẽ giữa trường THPT chuyên với các trường đại học có lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao và các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài có các học sinh năng khiếu xuất sắc đang học tập. Bên cạnh đó giai đoạn này cũng tập trung xây dựng hệ thống thư viện điện tử, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông và internet trong các trường THPT chuyên. Xây dựng website các trường THPT chuyên toàn quốc. Giai đoạn 2 (2016-2020) sẽ tiếp tục nâng cấp các trường THPT chuyên thành các THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ cao, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 50% trường THPT chuyên có chất lượng dạy học tương đương với các trường tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Đồng thời nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, tin học, dạy tăng cường tiếng Anh, chuẩn bị triển khai dạy và học các môn vật lí, hóa học, sinh học bằng tiếng Anh ở khoảng 30% số trường. Mỗi năm tăng thêm 15-20% số trường, hoàn thành chương trình vào năm 2020. Đề án cũng đặt ra yêu cầu xây dựng các quy định về tuyển sinh vào trường THPT chuyên theo hướng kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Từng bước áp dụng phương pháp phát hiện năng khiếu, xác định chỉ số thông minh, chỉ số sáng tạo trong việc tuyển sinh vào THPT chuyên. Theo chủ trương đã được thông qua, kinh phí thực hiện Đề án là 2.312,758 tỷ đồng. |
Bá Hải