Chất lượng bữa ăn bán trú: Khoảng trống giữa công khai và giám sát

GD&TĐ - Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm, nghi án bớt xén bữa ăn bán trú xảy ra trong trường học thời gian qua khiến phụ huynh đặt câu hỏi: Làm sao để giám sát chất lượng bữa ăn học đường một cách hiệu quả?

Bữa ăn bán trú của Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi, Quận 9 được cải thiện nhiều sau khi phụ huynh phản ánh. Ảnh: Phan Nga, chụp ngày 3/11/2020
Bữa ăn bán trú của Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi, Quận 9 được cải thiện nhiều sau khi phụ huynh phản ánh. Ảnh: Phan Nga, chụp ngày 3/11/2020

Khó giám sát

Tại TPHCM, trong một tháng liên tiếp xảy ra các vụ phản ứng của phụ huynh về chất lượng bữa ăn bán trú, tình trạng HS ngộ độc thực phẩm khi ăn tại trường.

Cụ thể, trong tháng 10, tại Quận 9, Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi, Trường Mầm non Kids Club ghi nhận 2 trường hợp ngộ độc thực phẩm, cũng như nghi vấn bớt xén bữa ăn trưa của HS. Tại Quận 12 và Quận 2 (Trường Tiểu học Bình Trưng Đông và Trường THPT V.N) cũng xảy ra 2 vụ HS phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tại trường.

HS bị ngộ độc thực phẩm hay khẩu phần ăn nghi bị bớt xén, theo nhiều hiệu trưởng nguyên chính xuất phát từ sự buông lỏng quản lý, giám sát, nghiêm trọng hơn là xuất phát từ lợi ích kinh tế của không ít cá nhân. Theo cô N.H.T - Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Quận 3, TPHCM, việc bớt xén, giảm khẩu phần ăn của HS có thể đến từ nhiều khâu (BGH, bộ phận đứng bếp và khâu nhập nguồn thực phẩm) nhưng chung quy đều đến từ mục đích kinh tế.

Thống kê của Ban ATTP TPHCM, toàn TP có 1.620 bếp ăn tập thể, 318 cơ sở kinh doanh suất ăn sẵn, 883 căng tin phục vụ HS trong các trường học. Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát bữa ăn học đường ở nhiều nơi vẫn mang tính hình thức, thiếu khách quan vì nhân sự quá mỏng.

Thực tế, phần lớn các trường MN cho đến THPT có bữa ăn bán trú đều công khai minh bạch lịch biểu bữa ăn hàng ngày, cùng khẩu phần ăn của HS cho phụ huynh. Tuy nhiên, chất lượng bữa ăn thật sự ra sao chẳng ai biết ngoài BGH, bộ phận bếp của các trường. Bởi để tiếp cận khu vực bếp, khâu nhập và sơ chế thực phẩm tại các trường là điều không dễ dàng vì lý do.... an ninh trường học.

Theo cô Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ, Quận 11, TPHCM, công khai chất lượng bữa ăn và công tác giám sát chất lượng khẩu phần ăn thực sự ở nhiều nơi vẫn là khoảng trống khó can thiệp. Vì vậy,  khẩu phần ăn của trẻ có đủ dinh dưỡng, an toàn bằng nguồn thực phẩm tốt nhất hay không phụ thuộc rất nhiều vào tâm của hiệu trưởng, cách thức quản lý và giám sát nguồn thực phẩm nhập vào trường mỗi ngày. 

Làm gì để giám sát thực chất và hiệu quả hơn?

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Bình Trưng Đông, Quận 2, TPHCM.
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Bình Trưng Đông, Quận 2, TPHCM.

Bữa ăn học đường có vai trò quan trọng trong việc nâng cao tầm vóc và thể trạng cho thanh thiếu niên Việt Nam. Xác định điểm nhấn chính cho việc cải thiện tầm vóc và thể trạng HS nằm ở thực đơn dinh dưỡng, khẩu phần ăn trong nhà trường nên Viện Dinh dưỡng Quốc gia cùng Bộ GD&ĐT, ngành Giáo dục các địa phương đã xây dựng những bộ chuẩn dinh dưỡng cho HS từng cấp và độ tuổi.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp - nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, thiếu vi chất dinh dưỡng được gọi là “nạn đói tiềm ẩn” để lại những hậu quả khôn lường, không chỉ với sự phát triển mà còn ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành của trẻ.

“Hiện nay, do tác động của lối sống hiện đại, nhiều bậc cha mẹ không đủ điều kiện chăm sóc con từ bé, vì họ quan niệm khi con lớn có thể chăm sóc “bù”, mặt khác có tâm lý ỷ lại cho nhà trường. Vì vậy, bữa ăn học đường không đủ dưỡng chất cho trẻ hoạt động và học tập một ngày không chỉ khiến trẻ mệt mỏi, lâu dần còn đối mặt với thực trạng suy dinh dưỡng và thiếu vi chất. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển thể chất toàn diện của trẻ” - bác sĩ Diệp nói.

Bà Phạm Thúy Hà - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Quận 4, TPHCM cũng cho rằng: Muốn triệt tiêu vấn nạn bớt xén khẩu phần ăn HS, giảm thiểu nguy cơ đói tiềm ẩn và ngộ độc thực phẩm từ bữa ăn học đường cần gia tăng cơ chế giám sát và kiểm tra bắt đầu từ khâu nhập nguyên liệu, chế biến đến khẩu phần ăn theo định lượng quy định mỗi ngày.

“Cơ chế giám sát bữa ăn học đường vẫn còn nhiều khoảng trống. Do đó, để giám sát bữa ăn bán trú một cách tường minh, công khai minh bạch cả về chất lượng bữa ăn lẫn chi tiêu tài chính, các trường buộc phải thành lập Ban giám sát, với kế hoạch kiểm tra giám sát cụ thể theo lịch.

Ban giám sát ấy phải có đầy đủ thành phần như hội phụ huynh, Công đoàn, Thanh tra nhân dân, nhân viên y tế và thực hiện giám sát từng khâu, từ nhập nguyên liệu, nấu ăn đến lượng thực phẩm dư thừa sau chế biến...

Chỉ cần siết chặt khâu giám sát, cộng thêm việc phòng GD&ĐT thường xuyên tổ chức kiểm tra bếp ăn các đơn vị đột xuất, ngoài việc bảo đảm nguồn thực phẩm vào đúng chất lượng, còn giảm thiểu nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm cho HS (thực phẩm kém chất lượng), cũng như ngăn chặn mầm mống hành vi cắt xén bữa ăn của trẻ” - bà Hà nói.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ, Quận 11, TPHCM cũng cho rằng: Cơ chế giám sát bếp ăn học đường, cũng như công tác cung cấp suất ăn vào các trường cho HS cần được thực hiện theo nguyên tắc chung, nhất định để việc giám sát được tốt hơn.

Theo cô Hương, công tác giám sát bữa ăn bán trú cần phải tách bạch làm 3 khâu, với 3 nhân sự riêng biệt cùng chốt chặn kiểm soát cuối cùng là BGH. Cụ thể, khâu đặt hàng (1 người), nhập thực phẩm (1 người), chế biến (nhân viên y tế, thanh tra nhân dân).

Nếu thực hiện tốt và nghiêm túc 3 khâu hậu kiểm như trên, việc bớt giảm khẩu phần ăn của trẻ sẽ khó thể xảy ra nếu như không có tình trạng lợi ích nhóm. “Xây dựng cơ chế giám sát bữa ăn bán trú hiệu quả, công khai và minh bạch, trước hết phải bắt đầu từ người đứng đầu đơn vị và phải làm bằng cái tâm của một người mẹ đang chăm lo cho con cái của mình” - cô Hương nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ