Chắp cánh cho tài năng

GD&TĐ - Chương trình gặp mặt, tuyên dương và khen thưởng học sinh đoạt giải các kỳ Olympic và KHKT quốc tế năm 2022 vừa khép lại với nhiều cảm xúc.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Năm 2022, tham gia các kỳ thi, hội thi trí tuệ quốc tế, học sinh Việt Nam đã giành thành tích xuất sắc, tiếp tục nằm trong tốp 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất. Thành tích đáng tự hào của học sinh Việt Nam là quả ngọt từ sự nỗ lực, cố gắng của các em, tận tình chỉ dạy của thầy cô, chỉ đạo đúng hướng của Bộ GD&ĐT, quan tâm, động viên của các tổ chức, đoàn thể, đặc biệt là sự đồng hành, chăm lo của các bậc phụ huynh.

Hình ảnh gây xúc cảm nhiều nhất trong buổi gặp mặt vinh danh là nụ cười và giọt nước mắt của cha mẹ những học sinh đoạt giải. Được cùng con tham dự chuỗi hoạt động trong lễ tuyên dương, các bậc phụ huynh không giấu được niềm xúc động và tự hào. Để có thể cùng con lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ ấy, những người cha, người mẹ đã thực hiện xuất sắc biết bao vai trò bệ phóng tài năng.

Chị Hồ Thị Minh Lan - mẹ của em Hoàng Tiến Nguyên - Huy chương Đồng Toán học Quốc tế năm 2022 cho biết: “Tôi luôn trò chuyện, đồng hành cùng con. Những lúc rảnh rỗi, tôi cùng con làm các bài toán đơn giản để con làm quen cũng như kích thích thêm niềm đam mê Toán học”. Tiến sĩ Lê Công Lợi - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), nơi có 6 thí sinh đoạt Huy chương Vàng năm nay cũng chia sẻ, qua quan sát những học sinh đạt thành tích tốt tại trường, ngoài năng lực và đam mê phải kể đến sự đồng hành của phụ huynh. Nhiều phụ huynh có khả năng định hướng, lập kế hoạch phát triển cho con cái…

Nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện về trình độ và kinh tế để có thể tư vấn, định hướng cho con phát triển tài năng thuận lợi. Cả nhà em Nguyễn Việt Phong - Huy chương Vàng Hóa học quốc tế năm 2022 - vẫn ở trọ kể từ khi gia đình chuyển vào TPHCM từ năm 2003 đến nay. Vì Phong hay đau ốm, mẹ em là chị Phạm Thị Kim Tuyến phải nghỉ làm công nhân, đi làm thuê theo giờ để vừa chăm con, vừa có tiền lo cho gia đình. Mỗi khi đi làm, chị đều phải chở cậu bé Phong đi theo, đến nhà chủ, con ngồi chơi góc nhà, mẹ làm việc.

Trước đó, để Nguyễn Thế Hoàn (Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội) đứng lên bục nhận Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế 2014, bố mẹ của em cũng phải rời quê lên Hà Nội làm thuê để lo cho con ăn học ở trường chuyên. Ngày ấy chị Nguyễn Thị Thạch, mẹ Hoàn cho biết, gia đình không thuê nhà trọ mà công trình ở đâu thì dựng lều bạt sống tạm ở đó. Học vấn không cao, điều kiện kinh tế khó khăn nhưng gia đình chị Tuyến, chị Thạch đã nỗ lực hết sức, luôn dành những gì tốt đẹp nhất cho con…

Thành tích của các học sinh tài năng là quà tặng ngọt ngào nhất đối với mỗi bậc cha mẹ, nhưng không vì thế mà xã hội có thể bớt sự ghi nhận, tri ân dành cho người sinh thành, nuôi dưỡng các em. “Chúng ta trân trọng chúc mừng và gửi lời cảm ơn tới các bậc cha mẹ học sinh và gia đình đã dày công dạy dỗ, quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các em được học tập, rèn luyện và phấn đấu vươn lên, giành được kết quả cao, mang lại vinh quang cho bản thân, gia đình và Tổ quốc” – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh bày tỏ lòng tri ân trong buổi lễ.

Trong hành trình vun đắp, ươm tạo tài năng, gia đình là nhân tố cốt lõi, có ý nghĩa bệ phóng. Bên cạnh hoạt động tuyên dương của Bộ GD&ĐT, cần có thêm chương trình khác để tri ân công lao phụ huynh và sẻ chia kịp thời với các gia đình tài năng có hoàn cảnh khó khăn. Tháng 11 vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030”. Nghiên cứu đề xuất để hoàn thiện thêm các chính sách đối với tài năng trẻ, tri ân, sẻ chia với gia đình các tài năng… là những việc cần được quan tâm hơn trong quá trình triển khai đề án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ