Chàng trai du học Anh, Mỹ về nước dạy thể hình

6 năm đi du học ở hai điểm đến giáo dục hấp dẫn nhất thế giới, Nguyễn Hoàng Giang trở về nước để làm người hướng dẫn, truyền cảm hứng cho những người đi sau.

Chàng trai du học Anh, Mỹ về nước dạy thể hình

Học hết lớp 11 trường THPT Chuyên ngữ (Hà Nội), Giang nhận được hai học bổng của Anh: Học bổng 47.000 bảng cho hai năm tại The Royal School Wolverhampton và học bổng 40.000 bảng cho hai năm ở Ruthin School. Giang chọn chương trình A-level của Wolverhampton.

Tốt nghiệp trung học, Giang lại tiếp tục nhận học bổng 230.000 đô cho 4 năm tại Haverford College (Mỹ).

Để đạt được kết quả này, Giang chia sẻ: “Mọi người nhìn vào có thể nghĩ là do em thông minh, năng động, mà không biết những gì em đã làm. Em nghĩ rằng yếu tố giúp em đạt được những kết quả này là nhờ sự chuẩn bị”.

Chang trai du hoc Anh, My ve nuoc day the hinh hinh anh 1
Giang trong một buổi quay video hướng dẫn tập luyện

“Em còn nhớ như in hôm em thi học bổng trường đi Anh. Hôm đó có 7 đề luận, thí sinh được chọn 1 trong 7 đề, nhưng hôm đó chọn đề nào em cũng viết được, vì cả 7 đề này em đã viết và sửa rồi” - Giang kể.

Trong 7 đề luận, Giang chọn đề bài “Nếu có một điều em có thể thay đổi ở quê hương thì em sẽ thay đổi điều gì?”.

“Bây giờ suy nghĩ của em cũng đã thay đổi nhiều rồi, có thể chỉ còn giữ một vài ý thôi. Bài đó em viết dài lắm, nhưng có một ý là: giáo dục Việt Nam chưa thực sự trân trọng giáo viên, giống như người ta không trân trọng ca sĩ lắm!

Ai cũng muốn nghe nhạc hay nhưng không ai muốn trả tiền để nghe nhạc. Bây giờ bảo mỗi lần nghe một bài hát của Bức Tường phải trả 2.000 đồng chẳng hạn, chắc chả ai muốn nghe nữa.

Giáo viên cũng thế. Ai cũng muốn học kiến thức hay nhưng không ai sẵn sàng trả họ lương cao, hay là cho họ những phần thưởng khác xứng đáng với tâm huyết họ bỏ ra.

Thế nên nhiều người không muốn theo nghề giáo viên là vì thế. Mà không có giáo viên tốt thì rất khó để có học sinh giỏi”.

Còn với Haverford College của Mỹ, chàng trai 9X cũng khẳng định bài luận chính là lý do em được nhận vào trường.

“Em thấy bài luận của em rất hợp với mẫu học sinh của trường. Ở trường em, mọi người rất tự giác học hành. Đi học vì thích chứ không phải vì bằng cấp. Sinh viên thi xong không ai hỏi điểm của bạn kia, không ai hỏi bạn kia làm như thế nào.

Quan trọng là mình đấu tranh với chính mình. Đến cuối kỳ, nhiều giáo sư bảo sinh viên cầm đề bài về làm, ngồi bấm giờ 3 tiếng rồi mang lên nộp, rất tin tưởng học sinh.

Trong bài luận, em nói rằng từ bé đến giờ em đã tự lực như thế nào, bố mẹ em gần như không bao giờ can thiệp và mọi người đều rất tin tưởng em”.

Khi được hỏi về kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ, điểm số có phải là yếu tố quyết định, Giang cho biết: “Có nhiều em điểm kém, thất vọng. Em muốn các em ấy biết rằng điểm số chỉ là một phần của hồ sơ và du học Mỹ cũng chỉ là một phần nhỏ trong cuộc sống có biết bao điều tuyệt vời khác của các em”.

Được chắp cánh nhờ bố mẹ

Chang trai du hoc Anh, My ve nuoc day the hinh hinh anh 2
“Bố mẹ truyền lửa cho em nhiều lắm" - Giang chia sẻ.

Giang cho biết, khi 3 tuổi, bố mẹ em đi học ở châu Âu. Năm tuổi em mới được sống với bố mẹ, trước đó em sống cùng ông bà. Hiện mẹ em đang là giảng viên Học viện Tài chính, bố em cũng là giảng viên đã về hưu.

“Lúc 5 tuổi bố mẹ em đi châu Âu về kể với em rất nhiều câu chuyện hay về cuộc sống của bố mẹ ở châu Âu, cuộc sống bên ngoài rộng lớn như thế nào.

Mẹ em cũng hay nói là đi du học giống như một con chim đang nhốt trong lồng bỗng dưng được thả ra, tung bay trên bầu trời rộng lớn. Thế nên, từ 5 tuổi em đã rất thích được đi ra nước ngoài” - Giang kể về sự truyền cảm hứng của bố mẹ.

“Bố mẹ truyền lửa cho em nhiều lắm. Em hay xem những thước băng của bố mẹ đi chơi ở châu Âu. Ngày đấy bố mẹ cũng chịu khó quay, nhìn quang cảnh rất thích, đi ra đường có chim bồ câu… cảnh tượng rất thơ mộng. Ước mơ du học của em bắt đầu từ đấy”.

Sự đầu tư của bố mẹ dành cho Giang còn thể hiện ở câu chuyện học tiếng Anh.

“Từ 5 tuổi, bố mẹ đã dạy em tiếng Anh. Lên cấp 2, nhà em thì không có điều kiện nhiều, em nhớ hồi đấy học ở Hội đồng Anh là đắt nhất nhưng từ bé bố mẹ đã luôn dạy em là muốn giỏi phải học từ những người tốt nhất.

Vậy nên từ cấp 2 em đã đi học ở Hội đồng Anh. Về sau em mới nhận ra điều đó rất đúng. Nếu mà đã học sai, phát âm sai thì về sau rất khó để sửa lại. Sự đầu tư này rất xứng đáng”.

“Em làm những thứ em thích”

Tốt nghiệp chuyên ngành chính là Kinh tế và 2 chuyên ngành phụ là Toán và Máy tính, trở về Việt Nam, hiện tại những công việc mà Hoàng Giang đang làm dường như chẳng có liên quan gì tới những thứ mà em đã học.

Ngoài công việc dạy các chứng chỉ quốc tế như SAT, TOEFL… chia sẻ, truyền cảm hứng cho các bạn học sinh có ước mơ đi du học, mới đây Giang còn làm các video trên YouTube nói về chế độ tập luyện thể chất, cách ăn uống, nói về những bài học trong cuộc sống.

Chang trai du hoc Anh, My ve nuoc day the hinh hinh anh 3
Giang cùng các bạn ở phòng gym.

“Em chỉ muốn chia sẻ những bài học quý báu. Video em nói bằng tiếng Anh. Em muốn ảnh hưởng cuộc sống của nhiều người trên thế giới, và để làm vậy thì phải làm bằng tiếng Anh”.

Em không nghĩ đến sự đánh giá của mọi người. Em làm cái mà em thấy mình đam mê, thấy mình có thể làm tốt và có thể giúp đỡ được nhiều người. Cuộc sống của em đơn giản lắm. Em chỉ có 2 mục tiêu, một là phát triển bản thân, hai là giúp đỡ nhiều người.

Thực ra mục tiêu thứ nhất lại giúp mục tiêu thứ hai. Vì nếu em không phát triển bản thân thì em không có gì để giúp đỡ người khác” - Giang chia sẻ quan điểm sống của mình.

Cựu học sinh chuyên ngữ cũng cho biết em đam mê công việc hiện tại nhưng em chưa hài lòng với mức độ hiệu quả của công việc.

“Hiện tại em rất thích những gì mình đang làm nhưng em không bao giờ hài lòng. Em luôn muốn trở nên tốt hơn".

Theo Zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.