Chàng trai 9X sở hữu bộ sưu tập những bản cải lương xưa

GD&TĐ - Trương Tài Linh - chàng nhạc công 9X đàn tranh ở đất Tây Đô - đang sở hữu hàng ngàn cuốn băng cassette và rất nhiều máy hát cassette giá trị.

Trương Tài Linh với căn phòng chứa bộ sưu tập băng cassette còn có rất nhiều đĩa nhựa và máy hát đĩa nhựa.
Trương Tài Linh với căn phòng chứa bộ sưu tập băng cassette còn có rất nhiều đĩa nhựa và máy hát đĩa nhựa.

Anh muốn lưu giữ những bản cải lương xưa cũ, góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống Nam Bộ.

Bộ sưu tập “độc nhất vô nhị”

Căn nhà của Trương Tài Linh nằm trong hẻm nhỏ của đường Trần Quang Diệu, phường An Thới, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Tại đây, ngoài bộ sưu tập băng cassette,  anh còn lưu giữ rất nhiều đĩa nhựa và máy hát đĩa nhựa.

Trương Tài Linh đã sưu tầm được hơn 2.000 cuộn băng cassette, đều là băng gốc hoặc F1 nên âm thanh rất chuẩn, chủ yếu là cải lương thuộc các thể loại. Trong đó, có nhiều cuộn sản xuất cách đây hơn nửa thế kỷ, được Tài Linh kỳ công sưu tầm trong thời gian dài như “Thanh Xà Bạch Xà”, “Đời cô Hạnh”, “Lấy chồng xứ lạ”... Trong 2.000 cuộn băng ấy, cuộn rẻ nhất cũng 50.000 đồng, cuộn đắt nhất lên đến hơn 2 triệu đồng.

Một bộ sưu tập khác không kém phần thú vị của Linh là máy hát đĩa nhựa Victor và hơn 200 đĩa nhựa rất quý hiếm. Cầm chiếc kim đặt trên đĩa hát, giọng ca mùi mẫn của nữ nghệ sĩ Thanh Nga cất lên lắng đọng, thỉnh thoảng đan xen những tiếng nổ “loẹt xoẹt” đặc trưng của đĩa nhựa, Trương Tài Linh tâm sự rằng, anh dường như đã “nghiện” thanh âm này.

Ngoài ra, Tài Linh còn sưu tầm rất nhiều tờ nhạc có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, hình gốc của nghệ sĩ và những vở diễn được chụp lại rất hiếm hoi. Điều đáng quý là Trương Tài Linh chỉ mua về để sưu tầm chứ không bán lại, cốt yếu mong muốn lưu giữ cái hay, cái đẹp của nghệ thuật sân khấu truyền thống Nam Bộ.

Sau khi sở hữu bộ sưu tập kha khá, anh luôn nghĩ làm cách nào để những chiếc đĩa nhựa quý ấy không chỉ cho riêng mình, mà chia sẻ cho mọi người cùng thưởng thức.

Chia sẻ về lý do sưu tầm đĩa nhạc xưa, anh Linh cho biết vào năm lên lớp 8, được người cậu tặng cho chiếc máy cassette và mấy cuốn băng hay, lại có bìa trang trí bắt mắt, từ đó mà anh luôn khát khao, ấp ủ sưu tập chúng.

Câu chuyện sưu tầm băng đĩa nhựa của Linh cũng không dễ dàng gì. Có những chiếc anh mua rất rẻ từ vựa ve chai hay tìm trong đống hỗn độn, nhưng có những chiếc anh phải bỏ đến vài triệu đồng để mua về sưu tầm.

Cũng có những chiếc đĩa được “người lạ” từ An Giang đến thăm và gửi tặng. Với giá thành hiện nay, mỗi đĩa nhựa hơn 500.000 đồng đến khoảng 1 triệu đồng, tùy bản thu. Theo đó, Linh hiện sở hữu “gia tài” trị giá hàng trăm triệu đồng và vẫn đang sưu tầm để làm phong phú bộ sưu tập này.

Chàng trai sinh năm 1993 nhưng lại nắm rất kỹ, cặn kẽ từng vở tuồng, ai diễn, ai soạn giả, các bản thu, nội dung, chân dung các nghệ sĩ tài hoa, cuộc đời... Anh đang ấp ủ ý tưởng sẽ tìm gặp các nghệ sĩ từng hát trong các đĩa nhựa hiếm để nghe họ kể về thời hoàng kim, cũng như xin chữ ký lên từng chiếc đĩa để kỷ niệm về sau.

Muốn lưu giữ hồn nhạc cụ dân tộc

Linh thực hiện số hóa tuồng, cải lương với các bản thu xưa, hiếm rồi đăng tải trên kênh YouTube.

Linh thực hiện số hóa tuồng, cải lương với các bản thu xưa, hiếm rồi đăng tải trên kênh YouTube.

Tài Linh sinh ra và lớn lên ở vùng Ngã ba Vĩnh Tường, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Từ nhỏ, Tài Linh đã thích cải lương, vọng cổ. Do có chị, cô là thành viên trong các CLB văn hóa, văn nghệ của địa phương nên Tài Linh theo tham dự và bị mê hoặc bởi cổ nhạc.

Ai đã từng tiếp xúc với Trương Tài Linh đều công nhận niềm đam mê cổ nhạc rất lớn trong anh. Những nghệ sĩ lão thành, nghệ sĩ hát lúc chưa có hình ảnh ghi lại… anh đều biết và thuật rõ lai lịch của họ vanh vách.

Cũng vì đam mê nhạc mà dù từng học y sĩ, ra trường làm cho một bệnh viện ở Cần Thơ, Linh vẫn quyết rời ngành, đi học biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ.

Tài Linh kể, nhờ chuyện đàn ca mà anh có dịp quen biết hoặc làm việc chung với nhiều danh cầm, danh ca. Ngón đờn của anh vì thế ngày càng vững vàng. Hiện nay, thu nhập chính của Trương Tài Linh là dạy đàn tranh. Lớp dạy ở Cần Thơ của anh có gần 20 người theo học và một lớp học ở Quận 10, TP Hồ Chí Minh với hơn 10 học viên. Những học viên có trẻ em, thanh niên, người cao tuổi…

Trương Tài Linh đã thành lập nhóm biểu diễn nhạc cụ dân tộc gồm 8 người với đàn tranh, sáo, đàn bầu, bass, đàn nhị, đàn tam thập lục, trống và đàn tứ. Anh cũng từng góp mặt biểu diễn trong nhiều sự kiện lớn của Cần Thơ như chào mừng diễn đàn APEC tại Cần Thơ, chào mừng Hội nghị Gặp gỡ Nhật Bản - ĐBSCL, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ… Hình ảnh chàng trai có vẻ ngoài thư sinh điển trai trong tà áo dài truyền thống dạo đàn tranh khoan nhặt để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

“Hồi mới học, ngày nào tôi cũng ôm đàn vào Trường Đại học Cần Thơ ngồi tập rất kỳ công. Vậy nên giờ biết gì đều chỉ hết cho học viên. Mong muốn của tôi là âm nhạc dân tộc được lan truyền và phát huy”, Trương Tài Linh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.