“Quê mình thường xuyên bão lụt, mỗi lần lũ là mỗi lần nguồn nước và môi trường bị ô nhiễm bẩn nghiêm trọng, mình luôn trăn trở phải làm thế nào để mọi người được sử dụng nguồn nước sạch tránh không bị nhiễm bệnh”. Đó là chia sẻ của Nguyễn Hữu Long, sinh viên năm 2, khoa Môi trường, ĐH Khoa Học Đại học Huế với dự án khoa học đưa nước sạch đến vùng cao.
Chàng sinh nghèo tích cực học tập, nghiên cứu
Long sinh ra trong một gia đình làm nông, quê ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Quê hương của Long thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, nhiều năm mất mùa. Bố mẹ thường xuyên đau ốm, nguồn thu nhập chính của gia đình là từ nghề làm ruộng và bắt cá ven sông để chăm lo ba anh em ăn học.
Trước hoàn cảnh gia khó khăn của gia đình, Long càng cố gắng trong học tập. Trong hai năm học, cậu luôn là tốp dẫn đầu lớp về học tập, nghiên cứu cũng như các hoạt động xã hội. Để thực hiện đam mê nghiên cứu cũng như mong muốn có thêm kinh nghiệm thực tiễn, Long đã đăng ký tham gia một số đề tài quốc tế như “Đánh giá rủi ro các bệnh liên quan đến nước dựa trên các hành vi người dân khi xảy ra ngập lụt" của Đại học Tokyo.
Dự án “ Mang SODIS đến vùng cao” lọt vào top 6 dự án xuất sắc nhất vòng chung kết cuộc thi Mùa hè nước 2015 tại TP Hồ Chí Minh
Ngoài ra, Long còn tham gia dự án hợp tác giáo dục về biến đổi khí hậu tại các trường Trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế vào tháng 10/2013 do Trung tâm phát triển sáng kiến cộng đồng và môi trường (C&E) và SIDA phối hợp tổ chức.
Kết quả học tập, nghiên cứu tốt đã giúp Long nhận được rất nhiều suất học bổng giá trị trong và ngoài trường. Ngoài việc hỗ trợ sinh hoạt, học tập, nghiên cứu các suất học bổng còn là nguồn kinh phí để Long nghiên cứu, tổ chức các ý tưởng về xử lý nước, bảo vệ tài nguyên môi trường mà cậu đang ấp ủ.
Dự án khoa học “Mang SODIS đến vùng cao”
Xuất phát từ hoàn cảnh thực tế của quê hương nên kể từ khi vào giảng đường đại học, Long đã có ấp ủ sau này sẽ xây dựng một dự án về môi trường tại nơi mình theo học.
Khó khăn lúc đó là cậu chưa thể định hướng được bước đi của mình cho đến khi được nghe về một cách xử lý nước sạch bằng phương pháp Khử trùng vi sinh vật trong nước bằng ánh sáng mặt trời (SODIS) của T.S Phạm Khắc Liệu, trưởng bộ môn Kỹ Thuật Môi trường - Trường Đại học Khoa học Huế. Long đã thích ý tưởng truyền thông SODIS đến vùng cao và bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về phương pháp này vào đầu tháng 1/2015.
Cơ hội nhận tài trợ đã đến với Long khi vào đầu tháng 4 vừa qua, Trung Ương Hội Sinh viên Việt Nam, Cục Tài Nguyên Nước- Bộ Tài Nguyên Môi Trường đã tổ chức cuộc thi ý tưởng sáng tạo “Mùa hè nước 2015”. Long khẩn trương hoàn thiện dự án để dự thi kịp thời, đến đầu tháng 5/2015 dự án cơ bản đã hoàn thành.
Khi nhận được thông báo của ban tổ chức đã lọt vào top 10, Long rất mừng và bắt tay vào chỉnh sửa, làm slide chuẩn bị vòng chung kết tại TP. Hồ Chí Minh. Với dự án “Mang SODIS đến vùng cao”, Long đã vượt qua gần 1.500 sinh viên dự thi và là tốp 6 dự án xuất sắc nhất được cấp kinh phí là 50.000.000 đồng để hiện thực hóa vào mùa hè năm nay.
Long cho biết: “Dự án ‘Mang SODIS đến vùng cao’ với mục đích chính là giúp người dân một số xã khó khăn tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp cận với phương pháp khử trùng vi sinh vật trong nước bằng ánh sáng mặt trời (SODIS), từ đó ngăn ngừa và giảm thiểu tỉ lệ mắc các bệnh tiêu hóa, da liễu ở trẻ em cũng như người dân, góp phần cải thiện nguồn nước, bảo vệ môi trường, đảm an sinh xã hội và mang lợi ích kinh tế cho địa phương”.
Điểm nổi bật của dự án “Mang SODIS đến vùng cao” là đảm bảo tính khả thi, khoa học, hiệu quả kinh tế- xã hội và môi trường, Một trong những điểm nổi trội chính là việc huy động sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là đồng hành cùng thanh niên, sinh viên xây dựng nông thôn mới thông qua chiến dịch tình nguyện “Mùa hè xanh năm 2015”.
Long chia sẻ: “Dự án cũng gặp những khó khăn khi đưa vào thực tế, đó là trong việc truyền tải thông tin và tập huấn đến tận từng người dân vì có thể họ chưa tiếp cận và chưa tin tưởng phương pháp SODIS cùng với thói quen sử dụng nước của người dân hằng ngày nên sẽ gặp khó khăn trong việc áp dụng, đặc biệt là khó khăn trong vận động chính sách chính quyền địa phương”.
Theo thầy Nguyễn Tường Du (Phó bí thư Đoàn trường ĐH Khoa Học) đánh giá: “Long là một hạt giống xuất sắc của trường, với các giải thưởng đã đạt được thì nhà trường luôn tạo điều kiện để cho em phát huy và thực hiện ước mơ của mình”.
Khi được hỏi dự định sắp tới, Long tâm sự: “Mình sẽ tiếp tục phấn đấu học tập, rèn luyện và trau dồi ngoại ngữ thật tốt để có “săn” các học bổng học Thạc sĩ và tiến sĩ tại Nhật Bản. Mình sẽ về xin việc tại tỉnh Quảng Bình để thực ước mơ cải thiện nguồn nước sạch cho quê hương”.