Chàng rể tái mặt nghe lời "cạnh khóe" của mẹ vợ

GD&TĐ - Tôi và nàng quen nhau ở trường đại học, 4 năm trong trường cũng bằng với thời gian chúng tôi tìm hiểu nhau.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những ngày gặp nhau ở trường thì không sao, nhưng dịp nghỉ hè hay nghỉ lễ, nàng lại phải về quê, mà quê nàng thì cách thành phố gần trăm cây số. 

Nàng có một quyết định táo bạo: Ổn định nghề nghiệp ở quê. Tôi phản đối thế nào cũng không được, nàng bảo bố mẹ nàng đã lo được công việc đàng hoàng cho nàng ở đó rồi, nàng không thể sống với tôi trên thành phố được.

Tôi giận run người, trách nàng sao không bàn với tôi trước khi cưới, thế là nàng nổi quạu: "Nếu nói trước thì anh sẽ không cưới em nữa chứ gì? Hồi yêu nhau, anh chưa bao giờ than phiền chuyện đi lại cơ mà". 

Không đành lòng để tôi chỉ được gặp vợ con vào mỗi cuối tuần. Bố mẹ tôi cũng phải "xuống thang": "Con cứ về nhà vợ mà ở, bố mẹ không ý kiến gì đâu". Tôi chẳng thích thú gì việc đi ở rể, nhưng được sống bên vợ con thì còn gì bằng. 

Nhờ sự tác động của bố mẹ vợ, tôi dễ dàng xin chuyển công tác. Cứ ngỡ mọi chuyện thế là yên ổn, việc của vợ chồng tôi lúc này là chăm chỉ làm ăn, tích tiền để chờ đến ngày mua được nhà riêng, vợ tôi không còn mang tiếng ăn bám bố mẹ, tôi cũng thoát cảnh ở rể. Nhưng cuộc sống hàng ngày không hề bình yên như tôi mong muốn.

Mẹ vợ tôi mới về hưu, bà có nhiều thời gian rảnh để ở nhà nấu nướng, chơi với cháu ngoại và... phàn nàn đủ chuyện.

Dạo này bà rất hay ca thán chuyện hóa đơn điện nước: "Tiền điện tháng này gấp đôi tháng trước, tiền nước cũng vậy, thế này thì chết!". Nếu bà chỉ buột miệng nói một vài lần thì không sao, nhưng tôi để ý, bà nhắc lại rất nhiều lần, đặc biệt là những lúc có tôi ở nhà. 

Nghĩ rằng bà có ý gì đó nên tôi hỏi vợ: "Em không đưa tiền sinh hoạt phí cho mẹ à?". Vợ tôi giãy nảy: "Ơ hay, anh hỏi lạ! Lần nào em cũng đưa cho mẹ từ đầu tháng như lời anh dặn". "Thế sao mẹ cứ kêu tiền điện tiền nước tăng? Anh nghe mà sốt cả ruột". Nàng xoa dịu tôi: "Tính mẹ thế, hồi anh chưa về đây mẹ cũng kêu ca suốt ngày, anh cứ giả điếc cho xong chuyện".

Biết vậy nhưng nhiều chuyện khiến tôi không thể... giả điếc được. Ví như có hôm, trong lúc cưng nựng cháu ngoại, mẹ vợ lại tranh thủ "chọc ngoáy" tôi: "Cháu yêu của bà, lớn lên phải học thật giỏi, kiếm thật nhiều tiền để cho bà vi vu đó đây nghe không? Bà chỉ trông mong vào cháu thôi đấy". 

Một kỷ niệm “đau thương” mà có lẽ cả đời này tôi không thể quên, đó là lễ mừng đám cưới vàng của bố mẹ vợ, tôi đau đầu mất mấy ngày để nghĩ về việc tặng món quà sao cho thật ý nghĩa và xứng đáng vì đây là dịp hiếm hoi tôi có thể lấy lòng họ.

Nhưng trái với mong đợi, khi đưa quà, tôi chỉ nhận được sự lạnh nhạt và hờ hững của bố mẹ vợ. Họ tỏ vẻ khó chịu ra mặt khi lườm tôi rồi nói kháy: "Năm nay hai con rể lớn tặng quà chuẩn quá". Hỏi ra mới biết, anh rể lớn tặng một chiếc xe máy cổ mà bố vợ tôi rất thích có giá cả nghìn đô, còn anh rể thứ tặng đôi gà Đông Tảo bằng... vàng. So với quà của hai anh rể, rõ ràng món quà của tôi không thấm vào đâu.

Chưa hết bức xúc với thái độ thiếu công bằng của bố mẹ vợ thì trong bữa ăn, tôi còn bị hai chị vợ nói cạnh khóe món quà của mình khiến tôi không thể nuốt trôi bữa cơm. Đến cả vợ tôi, khi vào phòng riêng cũng... cằn nhằn rằng tôi làm cô ấy không dám ngẩng mặt lên nhìn các chị. Tôi không thể nhịn được nữa, gào lên: "Sao tôi phải khổ sở thế này nhỉ? Từ mai, tôi sẽ về nhà của của tôi! Cô ở đây muốn làm gì thì làm".

Cơn nóng qua đi, tôi lại thấy hối tiếc vì những lời nói phũ phàng với vợ. Chính cô ấy cũng phải chịu rất nhiều áp lực khi kết hôn với tôi. Giá như tôi cũng giỏi giang như các anh rể, cũng kiếm được nhiều tiền như họ, và quan trọng là tôi cũng có khả năng tặng được những món quà cao sang cho bố mẹ vợ, thì hẳn là họ đã không coi thường tôi như thế, và vợ tôi cũng được dịp nở mày nở mặt với các chị gái.

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi vẫn thấy… hận. Dù gì tôi cũng có những phẩm chất riêng của mình. Tại sao mọi người chỉ nhìn vào điểm yếu duy nhất của tôi: không nhiều tiền bằng các anh rể. 

Nhiều lúc chứng kiến cảnh 2 anh rể chào tạm biệt bố mẹ vợ trước khi về cùng vẻ mặt tươi tắn của họ, tôi lại nhớ đến câu nói của ai đó: “Giá trị con người không phải anh ta là ai, mà sống như thế nào mới đáng nói". Đó là cách tôi tự an ủi bản thân trước những ánh nhìn thiếu thiện cảm của gia đình nhà vợ dành cho mình.

Có lẽ, vì hạnh phúc của vợ con, tôi sẽ cố gắng nín nhịn thêm, nhưng cơn giận của tôi sẽ bùng nổ lúc nào thì chính tôi cũng không biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.