Chẳng lẽ chấp nhận tranh giả?

GD&TĐ - Thời gian qua, câu chuyện về tranh giả lại được xới lên trong đời sống mỹ thuật Việt Nam.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Điều đáng nói là chính con ruột của các họa sĩ có tranh bị làm giả lên tiếng. Và chính những họa sĩ lên tiếng, chỉ đích danh người làm tranh giả, nhà sưu tập, đường dây làm tranh giả, gallery có liên quan đến tranh giả.

Song điều đáng buồn là sau những tranh luận tưởng sẽ giải quyết được vấn đề ấy thì mọi chuyện lại yên ắng, thậm chí tạm rơi vào quên lãng. Giới họa sĩ cùng người yêu nghệ thuật có lẽ phải chấp nhận rằng sẽ luôn tồn tại tranh giả, luôn có những bức tranh giả được vẽ nối tiếp và công khai có mặt trên thị trường.

Tác phẩm mỹ thuật, đặc biệt với hội họa, luôn có giá trị gia tăng theo thời gian, bởi tính độc bản của nó. Tác giả càng nổi tiếng thì giá trị gia tăng của tác phẩm trên thị trường càng lớn. Những giao dịch vì thế càng thêm sôi động.

Từ lâu, thực trạng làm giả tranh đã là một vấn nạn không riêng gì ở nước ta. Ngay cả ở một số sàn đấu giá lớn trên thế giới, tranh giả vẫn được đưa vào, trong đó có rất nhiều tranh của các họa sĩ Việt Nam bị làm giả.

Với riêng thị trường mỹ thuật trong nước, khi chưa có sự chuyên nghiệp và minh bạch trong vận hành, các gallery tự thẩm định tranh mà chưa có một hội đồng thẩm định độc lập, không có hồ sơ lịch sử của tác phẩm, thì việc tranh giả chiếm chỗ của tranh thật hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tác phẩm mỹ thuật nói chung, tác phẩm hội họa giá vẽ nói riêng là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ rất cụ thể. Nhưng trên thực tế, việc khởi kiện tranh giả rất hiếm khi xảy ra, bởi chính người trong cuộc cũng thấy khó khăn, phức tạp, bỏ nhiều thời gian công sức theo đuổi mà chưa chắc đã thành.

Chính vì thế, việc làm tranh giả càng ngày càng phức tạp tinh vi, bởi lợi nhuận siêu khủng từ đó. Điều này gây nên nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp tới giá trị tác phẩm. Nhiều ý kiến cho rằng, giá tranh của họa sĩ Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều so với các họa sĩ trong khu vực.

Một thị trường lành mạnh và phát triển tốt cần phải được chăm sóc, quản lý chặt chẽ đầu vào, đầu ra. Các yếu tố về khung pháp lý, chuyên môn của đội ngũ luật sư trong các vụ việc tranh chấp về nghệ thuật là điều vô cùng quan trọng.

Bản thân các thiết chế nghệ thuật như gallery, bảo tàng, các đơn vị giao dịch phải có hội đồng tư vấn, giám định tranh có tính chuyên môn khoa học cao, có lịch sử giao dịch minh bạch, rõ ràng.

Về phía những nhà sưu tập, họ phải thực sự có chuyên môn, có tinh thần cầu thị để thanh lọc tác phẩm giả. Bởi rõ ràng chúng ta không thể chờ đến khi hết tranh giả mà chính mình phải là nhân tố để loại bỏ vấn nạn này ra khỏi đời sống nghệ thuật, thị trường nghệ thuật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.