Chuyện thật như đùa: Bỏ bạc tỉ mua tranh Việt giả ở sàn đấu giá nước ngoài

GD&TĐ -Bức tranh “Nắng hè” của danh họa Lê Văn Đệ từng bị làm giả và đấu giá trên sàn quốc tế cách đây vài năm.

Chuyện thật như đùa: Bỏ bạc tỉ mua tranh Việt giả ở sàn đấu giá nước ngoài

Nay, bức tranh giả ấy lại “tái xuất” và được gõ búa với mức giá cao ngất ngưởng. Điều này đã khiến nạn đạo – nhái tranh có thêm “đất sống”. Còn uy tín của mỹ thuật Việt Nam ngày càng đi xuống.

Bức vẽ thô vụng

“Đây không phải là tác phẩm lụa “Nắng hè” của Lê Văn Đệ, cũng không phải một bản chép của chính ông. Tấm tranh là một sản phẩm chép của một “nghệ nhân”, họ tự nhận mình là họa sĩ, chuyên chép tranh thuê, vì người ta trả tiền cao. Song họ không được đào tạo bài bản, dù tay nghề tốt nhưng hiểu biết nghệ thuật lại kém. Do vậy, việc chép cho giống đã là khó, lại giống một tác phẩm nghệ thuật thì khó như lên trời”. Nhà nghiên cứu Kevin Vương

Mới đây, nhà nghiên cứu Kevin Vương cho biết, bức tranh có tên “Nắng hè” đề theo tên của danh họa Lê Văn Đệ vừa được gõ búa với mức giá 43.000 Euro, tính cả phụ phí là 53.300 Euro (tức gần 1,3 tỉ đồng). Ông Kevin Vương nói, thật đáng tiếc cho nhà sưu tập nào đã mua phải món đồ này.

Theo thông tin từ nhà đấu giá, bức tranh được sáng tác năm 1932 tại Hà Nội, vẽ bằng mực và màu nước trên lụa, khắc họa hình ảnh người mẹ tóc đen dài, nằm ôm con trên võng.

“Thoạt nhìn bức tranh này, tôi lập tức có nghi vấn về năm ra đời. Ngay khi liên hệ nhà đấu giá cũng như nhờ người đến tận nơi chụp cận cảnh, tôi khẳng định ngay đó là tranh giả”, ông Kenvin Vương cho biết.

Theo ông Vương, nhà đấu giá đưa thông tin bức tranh được ký năm 1932 tại Hà Nội. Trong khi đó, năm 1931 Lê Văn Đệ được một học bổng sang Pháp học tại Trường Mỹ thuật Paris. Tại đây, nhiều tác phẩm của ông đã gây được sự chú ý trong giới nghệ thuật sở tại và ông đã đoạt giải thưởng hội họa do Hội Nghệ sĩ quốc gia Pháp.

Với thành tích này, Lê Văn Đệ được nhận tiếp một học bổng đi tu nghiệp thêm về hội họa tại Ý và Hy Lạp. Năm 1933, tranh ông được triển lãm cùng những tài năng xuất sắc chọn từ 5.000 họa sĩ các nước. Cho tới năm 1938, ông mới về nước. Bởi vậy, bức tranh được ký “Hanoi 1932” là vô lý.

Về chữ ký, qua tham khảo các nhà nghiên cứu Hán Nôm - chữ kí bằng chữ Hán hoàn toàn không thể nhận ra nét của chữ Hán và vận bút khi viết, nhất là chữ “Văn” dễ nhận ra là hành động nhái. Nói đơn giản, đây là “vẽ chữ”, không có cái hành bút như người biết chữ và viết chữ, nên sai sót là điều dễ thấy.

Đối với chất liệu, nhà nghiên cứu này phát hiện lụa mỏng tang và rất mới, dường như không bồi, mực không thấm. Không thể là chất lụa từ năm 1932 của danh họa Lê Văn Đệ.

Cuối cùng là bút pháp, nét dây võng vô cùng cẩu thả, vẽ rất mỏng và không hiểu biết. Để ý kỹ các chi tiết, nét người và quần áo trùng vào nhau hay liền nhau - một họa sĩ được đào tạo bài bản bao giờ cũng vẽ tách hai phần này, dù là họa sĩ vụng đến mấy.

Chưa nói đến phần quan trọng là khuôn mặt người phụ nữ với những đường nét vụng về và những mảng màu đậm lạ lùng, trong khi phần còn lại của tranh rất nhạt nhòa.

Tranh giả “quay vòng”

Tranh giả đề tên họa sĩ Lê Văn Đệ, Hanoi 1932.

Tranh giả đề tên họa sĩ Lê Văn Đệ, Hanoi 1932.

Theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, so với bức tranh gốc “Nắng hè” của họa sĩ Lê Văn Đệ được in trong một cuốn sách cũ, có sự khác nhau rất rõ rệt, từ màu sắc cho tới đường nét, độ tinh tế và sự uyển chuyển trên nền lụa.

Ở bức tranh nhái vừa đấu giá, màu sắc nhợt nhạt và không thể hiện được sự khéo léo của một danh họa khi sử dụng màu trắng trong tranh.

Ông Khôi cho biết, bức tranh nhái “Nắng hè” của Lê Văn Đệ từng xuất hiện tại một phiên đấu giá cách đây khoảng vài năm. Bức tranh từng được gõ búa với giá 76.000 Euro.

Sau đó, nhà sưu tầm này nghe phong thanh về mức độ không đáng tin cậy của bức tranh nên đã quyết định “quay vòng” bán ra với giá khởi điểm chỉ 20.000 - 25.000 Euro tại nhà đấu giá Drouot.

Trong phiên “Classic sale” diễn ra vào đầu tháng 7/2022, bức tranh đã được gõ búa với giá 43.000 Euro, có nghĩa thấp đến một nửa giá trị ban đầu. Nhưng dù sao nhà sưu tập đã vớt vát được chút ít với một bức tranh bị nghi là giả.

Dù nhà sưu tập “vớt vát được chút ít”, nhưng đối với uy tín của thị trường tranh Việt, đó là một sự mất mát khó có thể đong đếm. Biết là tranh giả, nhà sưu tập vẫn cố “vớt vát” khi đem tranh ra đấu – thể hiện thái độ làm ăn chộp giật, và thậm chí là lừa đảo.

Bởi vậy, có một điều chắc chắn là sau buổi đấu giá bức “Nắng hè” giả lần này, các nhà sưu tập quốc tế sẽ rất cảnh giác trước tranh Việt. Không chỉ mất đi giá trị kinh tế, tranh Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ - khi tự để lại định kiến về vấn nạn tranh nhái.

“Nhiều sàn đấu giá ở nước ngoài giống như cái chợ. Họ bày bán nhiều mặt hàng, dù có giám tuyển nhưng cái gì có lợi thì họ làm, bất chấp thật - giả, trắng - đen. Những vụ tranh giả được phát hiện như thế này là khá nhiều và ảnh hưởng nặng nề tới uy tín cũng như giá trị tranh Việt Nam”, ông Ngô Kim Khôi cho hay.

Họa sĩ Lê Văn Đệ (1906 – 1966), sinh trưởng trong một gia đình Nho học quê Bến Tre. Ông là thủ khoa khóa I Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930. Ông cũng là người chịu trách nhiệm trang trí cho lễ đài tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.

Trước Lê Văn Đệ, tranh của các danh họa Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Phổ… cũng thường xuyên bị làm giả và xuất hiện trên sàn đấu giá quốc tế. Mới đây, tranh của nữ họa sĩ Dung Đoan – bức “Cô gái bên chim bồ câu” cũng bị làm giả và đấu tại sàn của nhà Aguttes. Đáng chú ý, sau phát hiện của giới nghệ thuật Việt Nam, nhà đấu giá này không một lời giải thích, cũng như không hề có động thái tích cực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.