Phiên đấu giá tới đây của nhà Christie’s sẽ diễn ra tại Hồng Kông vào ngày 2/12, với nhiều tác phẩm mỹ thuật của các họa sĩ Đông Dương và khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, với bức sơn mài “La Haute-Région du Tonkin” (Thượng du Bắc kỳ), được cho là của của cố họa sĩ Hoàng Tích Chù đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu mỹ thuật.
Nghi vấn tranh giả
Theo nhà nghiên cứu Kevin Vương, phiên đấu sắp tới của nhà Christie’s tại Hồng Kông, ngoài tác phẩm được cho là của Hoàng Tích Chù, nhà Christie’s cũng đưa ra thêm một bức ký họa bút chì - được cho là bức vẽ nháp. Tác phẩm hiện đang trưng bày tại Helutrans Relocation (thuộc Công ty cung cấp dịch vụ hậu cần nghệ thuật Helu-Trans ở Singapore).
Ông Kevin Vương cũng cho biết, đối với bức sơn mài “Thượng du Bắc kỳ”, có không ít họa sĩ và chuyên gia nghiên cứu nghệ thuật Việt Nam đặt nhiều câu hỏi về tính xác thực của bức tranh.
Thông tin tác phẩm sơn mài của Hoàng Tích Chù với nghi vấn tranh giả đã được nhà nghiên cứu Ace Lê nêu ra từ cuối tháng 10. Ông nói rằng, nghi vấn ngay từ màu sơn, vì sắc thái trông quá mới so với năm 1950.
“Tác phẩm này được cho là vẽ năm 1950, sơn mài ghép 5 tấm, tổng cỡ 90 x 225cm. Giá dự toán 180.000 - 282.800 USD. Nhà Christie’s vẫn đang sử dụng dịch vụ độc quyền từ nhà tư vấn cao cấp Jean Francois Hubert - người gây nhiều “thương đau” cho hội họa Việt Nam”, nhà nghiên cứu Ace Lê cho hay.
Cố họa sĩ Hoàng Tích Chù (1912 - 2003) là con một vị Tri phủ từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Ông cũng là anh trai của những học giả, bác sĩ, nhà viết kịch nổi tiếng như Hoàng Tích Chu, Hoàng Tích Linh, Hoàng Tích Chỉ… Theo đuổi nghệ thuật, Hoàng Tích Chù đã khẳng định mình là một trong những họa sĩ sơn mài vĩ đại nhất Việt Nam.
Tỉ lệ thuận với sự nổi tiếng và bởi lý do săn đón tác phẩm từ các nhà sưu tập, nên tác phẩm của các hoạ sĩ thời kỳ Đông Dương cũng như của Hoàng Tích Chù luôn bị làm giả. Điều đáng quan tâm và lo ngại, chính là khi các tác phẩm giả lại liên tục “lọt” vào phiên đấu của nhà đấu giá quốc tế.
Nhìn ảnh chụp tác phẩm của Hoàng Tích Chù, giới nghệ thuật Việt Nam cho rằng “rất tệ”. “Không thể là của cụ Chù, mọi thứ không có một tí gì là thẩm mỹ của tác giả. Ở đây 100% là đồ giả với trình độ thợ mỹ nghệ loại bét. Tranh cụ Chù trước 1990 đến nay đã bị đen gần hết do Sulfua hoá bạc, còn bức tranh này được sản xuất lâu lắm là 10 năm”, hoạ sĩ Lê Huy Tiếp cho biết.
Vụng về như trẻ em vẽ
Nhà nghiên cứu Kevin Vương khẳng định, có nhiều câu hỏi về chất lượng nghệ thuật của bức tranh “Thượng du Bắc kỳ”. Về tổng thể, bố cục của các yếu tố trên diện tích nhìn thấy dường như không tuân theo một nhịp điệu nào, dãy núi, đá, cây cỏ, mỗi thứ đều chằn chặn theo từng cụm, từng hàng, đó là điều tối kỵ.
Những bức tranh sơn mài như “Tổ đội công cấy lúa” điển hình với nhịp điệu hài hòa, là núi là cây có dáng điệu tự nhiên, các mảng khối tạo nên tính tương phản. Trong trường hợp này mối quan hệ lỏng lẻo của các hình thể núi non cây cỏ không làm nổi lên mối quan hệ tương phản của các mảng chính phụ, mà trái lại làm lu mờ.
Sự sắp xếp thiếu hợp lý này còn khiến cho thị giác người xem mất cân bằng, gây rối mắt. Về bố cục đậm nhạt, sự tương phản giữa các mảng sáng – tối, chính – phụ không rõ ràng. Điều quan trọng khiến một bức tranh đẹp dù chụp hình đen trắng là các bố cục nổi rõ do các mảng sáng – tối thì ở đây ta không hề bắt gặp.
“Với trình độ sơn mài bậc thầy như họa sĩ Hoàng Tích Chù, ông chắc chắn biết dùng màu tạo bố cục, mảng miếng, độ thâm sâu cho tác phẩm. Như vậy, mặt bố cục của bức tranh này hoàn toàn không tương xứng với trình độ của một họa sĩ xuất sắc tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương”, ông Kevin Vương nhận định.
Màu sắc trong tranh sặc sỡ đến mức lòe loẹt, duy chỉ có sắc đỏ là có dấu hiệu phai màu. So sánh với thời điểm mà bức tranh ra đời theo thông tin nhà đấu giá đưa ra - 1950, thì đây là điều hoàn toàn vô lý. Sau khoảng thời gian lâu như vậy, về mặt hóa học, các màu sẽ bị phai và sẽ phai đều ở các màu trong khi ở đây các màu xanh lá, hồng… đều rất tươi.
Về mặt bút pháp, những chi tiết mô tả cảnh thiên nhiên cây núi cỏ hoa là dễ nhận biết nhất. Nhìn vào khung hình có hai người nông dân đang cày bừa, phía sau là bụi lá khoai được tạo hình vụng về. Nhìn sang bên phần thân cây gỗ, những nét kẻ trắng trên thân cây được vạch rất đều trên nền đen, thể hiện sự cẩu thả.
Hình ảnh hai người nông dân với khuôn mặt hớn hở như cách trẻ em vẽ. Bóng của họ và đôi trâu đổ xuống thiếu tinh tế. Bóng đổ con trâu với phần sừng lại giống con tê giác dưới nước. Phần khảm vỏ trứng lung tung, không theo dụng ý nghệ thuật.
Nhà nghiên cứu Kevin Vương phát hiện thêm: “Thượng du Bắc Kỳ” với hình ảnh nhà sàn, núi non miền Thượng thì ta sẽ hình dung ngay đến bức sơn mài nổi tiếng của họa sĩ Hoàng Tích Chù – “Tổ đội công cấy lúa” (1958).
Ở đó, những cô gái người Thái với bộ trang phục đặc trưng áo cóm, váy đen và chiếc khăn piêu trắng. Nhưng ở bức mà nhà Christie’s, người nông dân trong trang phục Đồng bằng Bắc Bộ, và ở khung hình hai chàng thanh niên cày bừa thì lại mặc áo nâu sồng và đội nón ba tầm”.