Chấn hưng văn hóa từ giáo dục: Trao truyền giá trị cốt lõi của con người

GD&TĐ - Muốn có một nền văn hóa tốt, trước hết phải có con người văn hóa. Sẽ không ai thay thế được giáo dục trong nhiệm vụ đào tạo ra con người văn hóa. Vì thế, chấn hưng văn hóa không thể không bắt đầu từ giáo dục.

Cô Thảo và học sinh.
Cô Thảo và học sinh.

Vị thế số 1

Ông Hoàng Duy Đỉnh - nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Khuyến học TP Hải Phòng - chia sẻ: Quan điểm chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ giáo dục của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rất sâu sắc.

Lý giải điều này, theo ông Đỉnh, phải bắt đầu từ khái niệm về văn hóa. Có nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng chung quy lại văn hóa là những giá trị của cuộc sống do con người tạo ra, nó bao gồm cả giá trị vật chất và tinh thần.

Nói khác đi, văn hóa là sản phẩm của xã hội do con người sáng tạo. Mà con người lại là đối tượng của giáo dục. Bằng lối tư duy bắc cầu cho thấy muốn có nền văn hóa tốt, trước hết phải có con người văn hóa. Sẽ không ai thay thế được giáo dục trong nhiệm vụ đào tạo ra con người văn hóa. Vì thế, chấn hưng văn hóa không thể không bắt đầu từ giáo dục.

Cách đây tròn 35 năm, Nghị quyết T.Ư 2 khóa VIII của Đảng đã xác định “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Suy rộng ra có thể hiểu rằng mọi thứ đều bắt đầu từ giáo dục. Một nền giáo dục tiên tiến thì sản phẩm của nó phải là sản phẩm văn hóa, đó là con người văn hóa, những giá trị vật chất và tinh thần của xã hội cũng phải là giá trị văn hóa. Bởi vậy, chấn hưng văn hóa không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm, mà còn là một vinh dự của ngành GD-ĐT. Và chính nó đã tạo nên vị thế số 1 của ngành trong nhiệm vụ cùng cả nước xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Từ những phân tích trên, cùng với quan điểm của Đảng tại Hội nghị Văn hóa triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, mỗi cán bộ quản lý, nhà giáo cần nhận thức thật đầy đủ về trọng trách và vinh dự của những người làm nghề “trồng người”.

“Khi còn công tác trong ngành Giáo dục, tôi đã xây dựng mẫu hình về người cán bộ quản lý và nhà giáo Hải Phòng với 6 phẩm chất: Đạo đức - Tri thức - Sức khỏe - Trẻ trung - Tinh thông - Sáng tạo. Và theo tôi, đó là con người văn hóa”, ông Đỉnh chia sẻ đồng thời nhận định:

Chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ giáo dục, nhưng nếu chỉ bằng nhà trường, từ nhà trường mới chỉ được một phần. Môi trường gia đình, xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách con người. Phối hợp tốt 3 môi trường giáo dục thì sản phẩm của giáo dục tất sẽ là những con người văn hóa; và chính những con người văn hóa ấy sẽ tiếp tục phát huy và sáng tạo ra văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Cô Thảo và học trò trong giờ học quân sự.
Cô Thảo và học trò trong giờ học quân sự.

Giá trị cốt lõi

Cô Lê Phương Thảo - giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Lê Hồng Phong, quận Hồng Bàng - nêu quan điểm: Theo UNESCO “Văn hóa là tổng thể sống động hoạt động sáng tạo của các cá nhân và cộng đồng trong quá khứ và hiện tại”. Như vậy, văn hóa gắn liền với con người. Con người đã tạo ra văn hóa và cũng chính con người là chủ thể giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa.

Do đó, muốn xây dựng nền văn hóa tiên tiến, hiện đại, đòi hỏi phải có con người tiên tiến, hiện đại. Giáo dục có vai trò quan trọng trong việc định hướng, dẫn dắt quá trình hình thành, phát triển nhân cách của mỗi con người. Đối với xã hội, giáo dục còn có chức năng đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao tri thức, giá trị văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì thế quan điểm chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục là tất yếu, xuất phát từ nhiệm vụ, chức năng của giáo dục.

Giáo dục văn hóa trong nhà trường không nằm ở một môn học cụ thể mà thông qua toàn bộ môn học, các hoạt động giáo dục. Mỗi môn học góp phần giáo dục văn hóa cho học sinh với những nội dung theo đặc thù của môn. “Trong giai đoạn hiện nay, theo tôi cần tập trung xây dựng nhân cách con người đặc biệt là những giá trị cốt lõi như sự tử tế, tính lương thiện, lòng trung thực và tinh thần trách nhiệm”, cô Thảo cho hay.

“Tôi cho rằng, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trước hết, thầy, cô giáo phải là tấm gương cho học trò. Không thể có chuyện thầy cô nói học sinh phải thế này, thế kia khi thầy cô không thực hiện. Do đó, tôi luôn nhìn lại bản thân, để ý và trau chuốt hơn những hành động, cử chỉ, lời nói, bài giảng của mình ở trên lớp vì mỗi việc mình làm đều có ảnh hưởng đến các em.
Đồng thời quan tâm, động viên, chia sẻ, hiểu những tác động, chi phối hành động chưa đúng của học sinh hàng ngày, đưa ra lời khuyên giúp các em suy nghĩ, hành động theo chiều hướng tích cực, tiến bộ, phù hợp với môi trường xung quanh”, cô Thảo nói.

Tuy nhiên, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh không chỉ là việc riêng của nhà trường mà cần sự vào cuộc sát sao của gia đình, xã hội. Cần có sự phối hợp gắn kết, đồng bộ, không để xung đột giá trị giữa ba môi trường văn hóa này.

Là giáo viên chủ nhiệm, cô Thảo nhận thấy, ngoài vai trò là người truyền thụ kiến thức, thầy cô còn là bạn, người thân của học trò. Lớp học phải gắn kết như một gia đình lớn để học trò cảm thấy vui vẻ khi đến lớp. Trong gia đình sẽ có những đứa con tự giác, tự lập thì cũng có những đứa con “cá biệt”, ngỗ ngược, có con học giỏi thì cũng có con chậm chạp...

Do đó, giáo viên nên chấp nhận, cần tôn trọng sự khác biệt và cá tính của học sinh (tìm hiểu và nắm bắt hoàn cảnh gia đình, diễn biến tâm lý của học sinh ở từng giai đoạn), để hiểu và cảm thông các em hơn, từ đó mới có thể có những biện pháp giáo dục phù hợp. Khi các em được tin tưởng sẽ sẵn sàng chia sẻ với cô những khó khăn của mình.

Ở lớp cô Thảo từng chủ nhiệm có học sinh nữ không chịu học, trốn học hoặc đến lớp thường xuyên ngủ gật, các thầy cô hỏi không trả lời hoặc trả lời kiểu bất cần. Cô đã nói chuyện với em, ban đầu em cũng không chịu nói. Qua quá trình, em tin tưởng hơn, đã chia sẻ là bố mẹ em sắp chia tay nhau, thường xuyên cãi nhau, em trở nên chán nản, bất cần và muốn bỏ học. Cô đã “bí mật” nói chuyện riêng với mẹ em, và qua những câu chuyện cô – trò, cô Thảo đã thuyết phục được em. Dần dần bố mẹ em cũng giải quyết được việc của mình một cách yên ả, em cũng chấp nhận sự việc và điều chỉnh được hành vi của mình.

Hay trường hợp học sinh nữ có “giới tính thứ 3”, ban đầu mẹ em không chấp nhận, bắt em sống như một người con gái bình thường. Em tìm mọi cách phản kháng. Cô giáo đã phải thuyết phục mẹ em chấp nhận, tôn trọng sự khác biệt của con. Sau khi được tôn trọng, em trở thành học sinh tích cực, sống có trách nhiệm, hăng hái tham gia các hoạt động tập thể, thiện nguyện...

Là giáo viên Lịch sử, cô Thảo hướng học sinh học sử dân tộc bằng cái nhìn đa chiều, trên phương diện lịch sử, văn hóa qua không gian và thời gian. Học sinh tự hào với truyền thống của dân tộc, rút ra được những bài học, kinh nghiệm bi, hùng về công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Từ đó, các em có ý thức trách nhiệm với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ