Chấn hưng văn hóa: Bắt đầu và không tách rời giáo dục

GD&TĐ - Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, giáo viên... đồng tình và khẳng định quan điểm “Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục” là đúng đắn.

Hoạt động tri ân các thế hệ nhà giáo của Trường THCS Hưng Dũng, TP Vinh, Nghệ An. Ảnh: TG
Hoạt động tri ân các thế hệ nhà giáo của Trường THCS Hưng Dũng, TP Vinh, Nghệ An. Ảnh: TG

Suốt chiều dài lịch sử, giáo dục đã và đang làm nhiệm vụ này, dù các khái niệm, tên gọi đưa ra theo từng thời điểm có khác nhau. 

Giáo dục chịu trách nhiệm lớn trong phát triển văn hóa

Hiện nay, vai trò “chấn hưng văn hóa” của giáo dục đã được cụ thể hóa, từ chương trình giáo dục phổ thông, đến các hoạt động dạy học, đào tạo, xây dựng môi trường văn hóa nhà trường. Mục tiêu phát huy toàn diện năng lực phẩm chất người học, phù hợp với chuẩn mực và giá trị văn hóa chung. Để những hạt nhân này, quay lại góp phần xây dựng kinh tế, xã hội.

Theo ông Thái Huy Vinh – Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Nghệ An, văn hóa là khái niệm rộng lớn, là tổng giá trị tinh thần, vật chất con người sáng tạo ra, mà giá trị của nó được duy trì, chứng minh và tồn tại qua lịch sử. Dân tộc Việt Nam đã sáng tạo và xây dựng nền tảng văn hóa phong phú, đa dạng, quý báu. Trong chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, văn hóa vẫn luôn được bảo tồn và cải tiến. Trong đó, giáo dục là một phần cốt lõi, luôn song hành với giáo dục không thể tách rời.

Chấn hưng văn hóa cần vai trò của từng cá nhân, cộng đồng, dân tộc và các đơn vị, ban ngành. “Có một thực tế, bất cứ hành vi của 1 cá nhân nào lệch chuẩn, vi phạm đạo đức, pháp luật... thường được quy trách nhiệm ngay về cho giáo dục và do giáo dục. Tất nhiên, sự phán xét đó mang cảm tính, nhưng “mặc định” này trong xã hội đã chứng tỏ, để phát triển, chấn hưng văn hóa, thì giáo dục chịu trách nhiệm lớn và có vai trò đi đầu”, ông Thái Huy Vinh nêu quan điểm.

Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay hướng đến phát huy toàn diện năng lực, phẩm chất học sinh.
Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay hướng đến phát huy toàn diện năng lực, phẩm chất học sinh.

Trước kia, giáo dục với văn hóa được đúc kết trong nhiều khái niệm như “văn trị giáo hóa”, có nghĩa là lấy vẻ đẹp, kiến thức để giáo hóa, giáo dục, biến cải con người; hay “tiên học lễ hậu học văn” – trong thứ bậc “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”... Hiện nay, giáo dục vẫn kế thừa những quan điểm trên, và đặt vào từng mối quan hệ: Giáo dục trong gia đình, nhà trường, xã hội.

Trên cơ sở đó, ông Thái Huy Vinh cho rằng, nòng cốt nhất vẫn là giáo dục nhà trường, trang bị kiến thức, kỹ năng, góp phần hình thành nhân cách, giá trị sống cho học sinh. Vai trò của giáo dục trong trường học góp phần chấn hưng văn hóa thể hiện ở tất cả hoạt động. Đó là trong từng môn học, cách ứng xử giao tiếp của giáo viên, học sinh, hoạt động trải nghiệm, xây dựng môi trường văn hóa học đường....

Trên thực tế, ngành Giáo dục hiện nay đã và đang có những đổi mới tích cực, cụ thể là xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới và thay sách giáo khoa. Trong đó, chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Điều này thay đổi và khắc phục được những hạn chế trong chương trình cũ. Trước kia, giáo dục quan tâm đến kiến thức kỹ năng nhiều hơn, dẫn đến nhiều học sinh “học lệch” thiếu hoạt động trải nghiệm, sự chủ động, sáng tạo.

“Giờ đây, chương trình mới hướng đến giáo dục toàn diện. Trong “chuẩn đầu ra” về năng lực phẩm chất người học được quy định trong chương trình, đã kế thừa phát huy giá trị truyền thống của dân tộc. Đồng thời, gắn chặt giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình, cộng đồng, xã hội. Để người học hội nhập, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, trở thành công dân toàn cầu. Đó chính là sự chấn hưng văn hóa mà giáo dục đã và đang đi đầu hiện nay”, ông Thái Huy Vinh nhấn mạnh.

Học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Nghệ An phục dựng lại lễ hội “Tiếng sấm đầu mùa” của tộc người Ơ Đu bằng hình thức sân khấu hóa.
Học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Nghệ An phục dựng lại lễ hội “Tiếng sấm đầu mùa” của tộc người Ơ Đu bằng hình thức sân khấu hóa.

Nhà trường, nền tảng văn hóa cho học sinh

Thầy Nguyễn Đức An – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Nghệ An - cho rằng, việc chấn hưng văn hóa bắt nguồn từ giáo dục là hoàn toàn đúng.

Văn hóa do con người tạo ra, mà giáo dục là cốt lõi trong hình thành năng lực, phẩm chất, nhân cách. Đối với học sinh nội trú, phần lớn thời gian là ở trường, ngôi nhà thứ 2 nuôi dưỡng, chăm sóc các em trưởng thành. Vậy nên, ngoài hoạt động dạy học theo chương trình phổ thông, nhà trường còn có nhiệm vụ giữ gìn, bảo tồn văn hóa đồng bào các dân tộc cho các em.

Theo thầy Nguyễn Đức An, văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số đang đối mặt với nguy cơ mai một từ chữ viết, tiếng nói, phong tục, tập quán... Công tác bảo tồn hiện nay còn có nhiều vấn đề dẫn đến chưa đạt được như mong muốn. Thế hệ trẻ lớn lên, các em không chỉ giới hạn trong môi trường bản làng nơi mình sinh sống. Thay vào đó, các em đi học, giao lưu với bạn bè, cộng đồng dân tộc khác và hòa nhập với môi trường xã hội rộng lớn hơn.

“Một trong những nhiệm vụ, chức năng của trường THPT dân tộc nội trú, chính là tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quay về phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bởi vậy, việc giáo dục, tạo nền tảng tri thức, bồi đắp phẩm chất tốt đẹp, xây dựng hệ giá trị tư tưởng tiến bộ, văn minh cho học sinh, chính là góp phần vào chấn hưng văn hóa cụ thể của nhà trường”, thầy Nguyễn Đức An chia sẻ.

Để chuẩn bị cho sự hòa nhập đó của học sinh, mà không làm “mất gốc”, mai một bản sắc văn hóa, Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể. Trong đó, lồng ghép giáo dục lòng tự hào, ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc cho các em trong từng môn học, bài giảng. Thành lập và nhiều năm liền duy trì CLB nghệ thuật dân tộc với hạt nhân là học sinh. Trong CLB này, các em được giao lưu, chia sẻ, góp phần bồi đắp và giữ gìn từ tiếng, trang phục truyền thống, phong tục tập quán, điệu hát...

Trong hoạt động của trường, đều tạo cơ hội để học sinh thể hiện đặc trưng dân tộc của các em như: Sân khấu hóa các lễ hội, phong tục, tập quán, trình diễn trang phục truyền thống... Đồng thời giáo dục, tuyên truyền cho học sinh từ bỏ tập tục lạc hậu, vi phạm pháp luật như tảo hôn, hôn nhân cận huyết.

Các trường học hiện nay, cũng đã xây dựng môi trường giáo dục, văn hóa cao hơn, đổi mới hơn. Trong đó, chú trọng dạy chữ để làm người, giáo dục nhân cách, phẩm chất, năng lực với hệ thống nội dung, hàm lượng, phương pháp phù hợp cho từng môn học, lớp học, cấp học.

Cô Nguyễn Thị Thanh Nga – Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Dũng (TP Vinh, Nghệ An) - cho hay, học sinh của trường được sinh ra, lớn lên ở “Làng Đỏ” có truyền thống cách mạng. Trong tiềm thức và đặc trưng của học sinh, đã có tinh thần hiếu học, chăm chỉ, ý chí vượt khó khăn. Đây là lợi thế của nhà trường để phát huy những giá trị truyền thống đó, giúp học sinh có sự nỗ lực bứt phá trong học tập. Qua đó, trang bị nền tảng kiến thức cho các em trong giai đoạn giáo dục căn bản, chuẩn bị chuyển sang giáo dục hướng nghiệp.

Cùng với dạy kiến thức, trao phương pháp học tập, nhà trường còn chú trọng giáo dục kĩ năng sống khác như: Tổ chức các CLB văn hóa, thể thao; hoạt động trải nghiệm; giáo dục truyền thống... Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Dũng cho rằng, nhà trường đóng vai trò định hướng, uốn nắn, hình thành phẩm chất, giá trị cho học sinh. Tiếp tục và song hành cùng giáo dục gia đình và kết nối với các đơn vị, ban ngành, tổ chức xã hội. Để những phẩm chất mà học sinh đạt được không chỉ tạo nên giá trị riêng cho từng em, mà còn phù hợp với chuẩn mực và giá trị văn hóa chung của xã hội. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ