Đây là nhiệm vụ vừa đáp ứng yêu cầu hiện tại, vừa mang tính chiến lược lâu dài để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện trong bối cảnh đổi mới GD-ĐT.
Thực hiện có chủ đích
Để tạo ra các giá trị bền vững thì việc xây dựng văn hóa nhà trường cần phải được thực hiện một cách có chủ đích. Chủ đích ở đây cần phải xuất phát từ người đứng đầu nhà trường, ban giám hiệu và tiếp tục được phát triển, chia sẻ vai trò lãnh đạo tới tất cả thành viên chủ chốt. Một khi quy trình đó được thực hiện, mỗi người đều nỗ lực một cách có chủ đích để góp phần tạo ra một môi trường văn hóa tích cực, hành trình xây dựng văn hóa nhà trường mới thực sự được bắt đầu.
Vai trò của người lãnh đạo trường học có thể được xác định theo ba bước cơ bản.
Đầu tiên là phân tích và hiểu văn hóa hiện tại của nhà trường: Quan sát thái độ của giáo viên trong lớp học, trong các cuộc họp và hiểu được cảm giác chung của học sinh đối với nhà trường và giáo viên.
Tiếp đến, xác định yếu tố nào là tích cực, yếu tố nào chưa tích cực. Sau đó viết ra những yếu tố giúp cải thiện bầu không khí ở trường và yếu tố gây ra cảm giác tiêu cực trong giáo viên và học sinh.
Từ danh sách đó, rút ra các yếu tố tích cực của văn hóa trường học, bao gồm các giá trị, thái độ hoặc phẩm chất khác mà người quản lý muốn thấy ở trường học của mình. Sau đó, hãy hành động để củng cố những phẩm chất tích cực trên và tạo ra một văn hóa học đường tích cực.
Sau 25 năm làm quản lý nhà trường, tôi tự tìm được một số yếu tố có thể củng cố văn hóa học đường tích cực trong trường học, bao gồm: Thiết lập các chuẩn mực trường học qua việc xây dựng các giá trị; Đặt ra kỷ luật nhất quán; Khen ngợi thành tích cá nhân và hành vi tốt; Làm gương thực hiện những hành vi bạn muốn thấy ở trường; Tạo ra các nghi lễ, ngày hội và sự kiện truyền thống vui vẻ cho học sinh và giáo viên; Tạo sự tham gia có ý nghĩa của phụ huynh; Khuyến khích giáo viên không ngừng đổi mới; Thực hiện các điều chỉnh khi cần thiết để duy trì văn hóa học đường tích cực.
Thiết lập chuẩn mực trường học qua việc xây dựng các giá trị
Nội quy trường học, lớp học được xây dựng trên hệ thống giá trị của nhà trường. Mọi người đều hình dung ra chân dung con người của mình khi trở thành thành viên của nhà trường. Điều này giúp giáo viên, nhân viên, học sinh và lãnh đạo nhà trường luôn học hỏi những việc cần phải làm. Từ đó nhận thấy việc thực hiện, phát huy các giá trị nhà trường không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là niềm tự hào, là “thương hiệu cá nhân” của mỗi thành viên nhà trường.
Cụ thể 5 giá trị của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội bao gồm: Yêu thương, tôn trọng bản thân, mọi người và mọi vật; Đoàn kết và luôn chịu trách nhiệm cho mọi hành vi của mình; Luôn đúng giờ và kiên nhẫn chờ đến lượt; Trung thực làm đúng ngay cả khi không có ai chứng kiến; Sáng tạo không ngừng.
Đặt ra kỷ luật nhất quán
Việc đặt ra nội quy trường học không phải lúc nào cũng được 100% thành viên thực hiện và tuân thủ theo. Khi các quy tắc không được tuân theo, kỷ luật phải được thực hiện. Tuy nhiên, mở rộng phạm vi các phương pháp kỷ luật có thể giúp khuyến khích một nền văn hóa học đường tích cực. Thay vì liên tục “dập lửa”, hãy áp dụng cách tiếp cận kỷ luật chủ động, tích cực hơn. Việc phạt một học sinh sau khi có hành vi xấu chưa chắc đã tốt. Nhưng việc giao cho học sinh đó một nhiệm vụ giúp sửa chữa sai lầm sẽ dạy các em những gì nên làm thay cho hành động, hành vi sai trái đó.
Ví dụ, hãy tưởng tượng một học sinh làm tổn thương bạn học, hình thức kỷ luật có thể bao gồm việc phải viết một lá thư xin lỗi cho bạn đã bị tổn thương và sau đó được giao nhiệm vụ làm “giám sát hành lang” để cùng tìm những học sinh hay gây rắc rối như mình. Quá trình làm “giám sát hành lang” sẽ giúp các em nhận ra nhiều hành vi không tốt của người khác mà trước đây mình từng mắc phải và tự sửa chữa những sai lầm. Điều này khuyến khích các em chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Khen ngợi thành tích cá nhân và hành vi tốt
Bên cạnh đề ra kỷ luật nhất quán, lãnh đạo nhà trường cũng cần xây dựng một “điều khoản” khen thưởng kịp thời. Khen ngợi giúp các thành viên trong trường cảm thấy được quan tâm đến từng cá nhân. Mỗi giáo viên đều xây dựng một khung khen thưởng thường xuyên, đột xuất cho học sinh. Người quản lý khuyến khích giáo viên đưa ra những lời khen cụ thể nêu bật những gì cá nhân học sinh đã hoàn thành tốt công việc.
Ví dụ, ngoài công nhận học sinh có thành tích xuất sắc về học tập thì công nhận các em xuất sắc về “trách nhiệm, lãnh đạo, tôn trọng và trung thực”. Khen ngợi thành tích của học sinh có thể được thực hiện trên quy mô lớn cấp trường, nhưng cũng có thể tiến hành thường xuyên ở quy mô lớp học, hoặc trong một buổi sinh hoạt có sự tham gia của cha mẹ học sinh/các thành viên từ cộng đồng, thậm chí là khen thưởng trên mạng xã hội của nhà trường. Việc khen thưởng không chỉ dành cho học sinh, mà còn nên được áp dụng thường xuyên với tất cả giáo viên, nhân viên của nhà trường.
Làm gương
Vai trò làm gương của lãnh đạo có tính chất quyết định văn hóa học đường nơi người đó công tác. Người đứng đầu, đặc biệt là ở trường học, là người trực tiếp đưa ra những quyết định ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị. Qua hoạt động, hành động của mình, giáo viên, học sinh có thể thấy rõ nhất, nổi bật nhất mối liên hệ giữa lãnh đạo và văn hóa học đường.
Người quản lý có một danh sách các phẩm chất và giá trị muốn thấy ở giáo viên, học sinh của mình, nhưng làm thế nào để trình bày những khía cạnh tương tự của văn hóa trường học của bạn? Chỉ có 1 cách là thực hiện nó. Hơn ai hết, lãnh đạo phải là một chân dung rõ ràng nhất thể hiện các giá trị mình muốn xây dựng cho giáo viên, nhân viên và học sinh.
Tạo các nghi lễ, ngày hội, sự kiện truyền thống vui vẻ
Việc tạo ra những khoảng thời gian thích hợp, đầy ý nghĩa để giáo viên, học sinh cùng trải nghiệm. Qua đó, giúp thầy - trò có cơ hội thể hiện năng lực, năng khiếu, tăng cường giao tiếp, kết nối thư giãn. Điều này không chỉ giúp họ sảng khoái hơn khi quay lại với không gian học tập, mà còn tạo ra cả một khung trời kỷ niệm tươi đẹp và khó quên trong thế giới học đường.
Tại Trường Đoàn Thị Điểm - Hà Nội đó không chỉ là các chuyến tham quan dã ngoại ngoài nhà trường, mà còn là hội trại, đêm diễn văn nghệ, ngày hội văn hóa, thể thao hay hội chợ từ thiện. Điều đặc biệt là nó không chỉ diễn ra một lần, tự phát mà được tổ chức hàng năm, vào một thời điểm nhất định. Dù là các em đang học hay là cựu học sinh, cựu giáo viên, cứ đến một thời điểm nào đó trong năm học lại nhắc lại, nhớ đến hoặc được tham gia một sự kiện đặc biệt. Chúng tôi tự hào đã mang tới cho học sinh và cả giáo viên một không gian trải nghiệm ý nghĩa, thật nhiều cảm xúc.
Tạo sự tham gia có ý nghĩa của phụ huynh
Cha mẹ học sinh nên được hiểu là 1 yếu tố trong mối quan hệ trong nhà trường. Họ không chỉ là khách hàng nhận dịch vụ giáo dục từ nhà trường, mà còn đóng vai trò quan trọng trong giáo dục và xây dựng nền văn hóa học đường. Trao đổi thông tin cởi mở, rõ ràng với cha mẹ học sinh có thể giúp tránh hiểu lầm và xóa bỏ cảm giác không tin tưởng từ phía họ.
Để phụ huynh tham gia vào văn hóa trường học, hãy cung cấp cho họ một nền tảng để phản hồi về các hoạt động trong lớp học hoặc chương trình của trường. Các cuộc họp phụ huynh và buổi hội thảo chính là nơi giáo viên, cha mẹ học sinh có thể thảo luận trao đổi về việc phối hợp giáo dục, kỹ năng học tập và kinh nghiệm quản lý học trò.
Các buổi này cần được thực hiện với không khí vui vẻ, cởi mở trên nguyên tắc thông tin 2 chiều. Giáo viên hay người tổ chức nên kết hợp cho cha mẹ học sinh được trải nghiệm thực tế một vài hoạt động thú vị mà con cái họ thường được trải nghiệm ở trường, như các trò chơi đố vui học tập, bố mẹ hiểu con…
Nghiên cứu cho thấy, sự tương tác giữa phụ huynh/giáo viên càng cao, học sinh càng có thành tích tốt hơn. Tiếp cận với phụ huynh mang lại cho họ cơ hội tham gia vào quá trình giáo dục con cái và thông thường khi mối quan hệ với phụ huynh được thiết lập, phụ huynh sẽ trở thành một yếu tố quan trọng giúp các con thành công.
Khuyến khích giáo viên không ngừng đổi mới
Nghề giáo, từ xưa đến nay thường bị coi là “thợ giảng” với những bài dạy lặp đi lặp lại trong nhiều năm. Nếu không có đổi mới thì chỉ một thời gian, khi giáo viên đã quá quen với cách dạy học, quản lý (đặc biệt là trong bối cảnh xã hội tiến nhanh như hiện nay), nhà trường sẽ “giậm chân tại chỗ”, không theo kịp xu thế xã hội và cảm xúc của thầy - trò cũng nhạt dần.
Hơn bao giờ hết, sự đổi mới bắt đầu từ chính người lãnh đạo nhà trường. Hãy khuyến khích giáo viên thử các phương pháp giảng dạy mới, tổ chức cuộc thi, chuyên đề thường xuyên để thảo luận về nghiên cứu mới về phương pháp giảng dạy hoặc công nghệ giảng dạy mới.
Đừng lo giáo viên không đồng ý vì sợ họ mất thời gian. Suốt 25 năm qua, các cuộc thi chuyên môn của Trường Đoàn Thị Điểm - Hà Nội luôn thu hút hầu hết cán bộ giáo viên tham gia vì ai cũng muốn mình tiến bộ hơn mỗi ngày. Đó là cơ hội để phát triển nghề nghiệp cho giáo viên. Giúp giáo viên phát triển các kỹ năng sẽ khuyến khích một văn hóa học đường tích cực bằng cách cho họ thể hiện hết năng lực vốn có.
Điều chỉnh khi cần thiết để duy trì văn hóa học đường tích cực
Việc tạo ra một văn hóa học đường tích cực không chỉ làm đủ các tiêu chí, danh mục để kiểm tra. Lãnh đạo trường học cần biết chính xác những gì đang thực sự diễn ra trong trường học của mình, hiểu được thái độ và bầu không khí trên các hành lang, trong lớp học.
Như đã đề cập ở trên, bắt đầu quá trình cải thiện văn hóa trường học bao gồm việc phân tích tình hình hiện tại của trường bạn. Quá trình phân tích này nên trở thành một phần thường xuyên trong quá trình điều hành trường học. Vài tháng một lần, hãy dành thời gian để phân tích văn hóa trường học. Theo dõi các yếu tố xây dựng một văn hóa học đường tích cực và tiếp tục củng cố các yếu tố đó. Ngoài ra, hãy nhận biết bất kỳ yếu tố tiêu cực nào bắt đầu xâm nhập và thực hiện hành động quyết định để loại bỏ. Hãy dành thời gian lắng nghe phản hồi từ cả phía người dạy và người học để hiểu được trải nghiệm mà họ đang gặp phải ở trường.