Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục: Cần sự vào cuộc mạnh mẽ

GD&TĐ - Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục nhưng cũng cần sự đồng bộ của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Sự đồng sức, đồng lòng sẽ sớm đạt được mục tiêu phát triển Văn hóa, vững bền Giáo dục.

 Chấn hưng Văn hóa bắt đầu từ Giáo dục là điều rất đúng, cần sự đồng bộ cùng các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Chấn hưng Văn hóa bắt đầu từ Giáo dục là điều rất đúng, cần sự đồng bộ cùng các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Theo nhà giáo Lê Xuân Bột, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên giáo viên Ngữ văn Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ): Trước hết cần hiểu rõ khái niệm về Văn hóa: “Văn hoá là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử” (Viện Ngôn ngữ học Việt Nam).

Còn UNESCO đưa ra định nghĩa: “Văn hoá nên được đề cập đến như một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin”.

Theo căn cứ đó thì việc chấn hưng Văn hóa bắt đầu từ Giáo dục là điều rất đúng và cần làm đồng bộ cùng các ngành khác; từ sự chỉ đạo chung của Trung ương, và phải được quán triệt trong các chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.

Giáo dục từ lâu đã được coi là “Quốc sách hàng đầu” cùng với khoa học và công nghệ. Nhưng lâu nay chúng ta chưa thực sự đổi mới để cụ thể hóa trong chương trình và sách giáo khoa để góp phần giáo dục học sinh phát huy những “giá trị vật chất và tinh thần” tốt đẹp mà cha ông để lại.

Đặc biệt là trong 3 môn: Ngữ văn, Lịch sử, và Giáo dục công dân. Các loại sách giáo khao từ Mẫu giáo cho tới Đại học lâu nay còn nặng truyền thụ kiến thức thuần túy, ít lồng vào đó những giá trị văn hóa mang tính truyền thống và hiện đại của dân tộc.

Điều rất vui mừng là chúng ta đã có Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Đây là chương trình hiện đại áp dụng trong bối cảnh Việt Nam để soạn bộ chương trình cải tiến Giáo dục phổ thông (GDPT) từ nhà trẻ - mẫu giáo đến lớp 12.

Đây chính là nền giáo dục căn bản của mọi công dân Việt Nam cần phải đạt. Khi tốt nghiệp trình độ này người công dân có thể tham gia lao động trong xã hội với tri thức và kỹ năng cơ bản về cách sống văn minh bằng ngôn ngữ Việt và một ngoại ngữ phổ biến.

“Được trang bị nền GDPT này công dân Việt Nam sẽ ngang hàng với công dân các nước tiên tiến. Với kỳ vọng này, tôi tin rằng Chương trình GDPT của chúng ta sẽ đạt mục tiêu đề ra”, nhà giáo Lê Xuân Bột nhấn mạnh.

Theo nhà giáo Lê Xuân Bột, khi chúng ta mở cửa hội nhập toàn cầu trong thời đại 4.0 thì trên không gian mạng và trên thực tế nhiều cái tốt đẹp của nhân loại về văn hóa ta đã tiếp thu có chọn lọc. Nhưng không ít “rác”, “ruồi nhặng” xâm lấn vào làm một bộ phận thanh thiếu niên, học sinh tiêm nhiễm, xuống cấp về tư cách và đạo đức… thậm chí một số ít thầy cô giáo cũng mắc phải.

Do đó, việc kết hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội (chủ yếu là Đoàn, Đội) lâu nay bị xem nhẹ mà chỉ “khoán trắng” cho nhà trường. Giờ đây trong đại dịch Covid-19 đa số các em học online ở nhà thì vai trò của gia đình là rất quan trọng…

Thầy cô, cha mẹ luôn phải là tấm gương sáng về giáo dục và văn hóa cho các em noi theo. Cần đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới thi cử, biên soạn sách giáo khoa các môn: Văn, Sử, Giáo dục công dân làm tăng nội dung và hình thức mang nội hàm tính văn hóa để bồi dưỡng tâm hồn và trí tuệ cho các em.

Cần tránh xa bệnh thành tích trong giáo dục, chống gian lận trong thi cử, tránh áp lực của gia đình lên các em để các em từng bước thấy được thực lực của mình; và được bày tỏ những chính kiến, những ước mơ đôi khi là sự “phản biện” trái chiều mà người lớn cần lắng nghe.

Giáo dục là nền tảng quan trọng

Theo nhà giáo Lê Xuân Bột: Văn hóa là con người, muốn chấn hưng văn hóa thì phải bắt đầu từ chấn hưng con người và muốn chấn hưng con người thì đầu tiên con người ấy phải được giáo dục. Trong đó, yếu tố giáo dục phải đảm bảo từ nhiều phía như: gia đình, nhà trường, xã hội...

Nhà giáo Lê Xuân Bột.
Nhà giáo Lê Xuân Bột.

Trong đó, gia đình cần đề cao giá trị nhân văn trong ứng xử, hành xử với nhau, luôn tôn trọng, chia sẻ cùng nhau; thật sự yêu thương nhau, trân quý nhau, thường xuyên giáo dục cái tốt đẹp, cái thiện mỹ của cuộc sống đối với thành viên của mỗi gia đình.

Bên cạnh đó, gia đình cần kết hợp với nhà trường và xã hội trong việc giáo dục giá trị đạo đức, nhân cách cho con em mình, tạo ra văn hóa nền tảng cho sự phát triển xã hội.

Kế đến là môi trường giáo dục tốt, đội ngũ nhà giáo phải có tinh thần thân thiện, ân cần, chu đáo, chăm sóc… đối với người học; biết tạo điều kiện cho các em sửa sai, được nói ra cảm xúc của mình; luôn mở rộng nội dung bài giảng để phát triển kỹ năng xã hội, tình cảm, thể chất, sáng tạo, nghệ thuật đối với sinh viên; tạo bầu không khí gần gũi, tổ chức lớp học phù hợp, đáp ứng tốt nguyện vọng của người học.

Đối với cộng đồng, các tổ chức, ban ngành cũng có vai trò quan trọng trong giáo dục thế hệ trẻ, đó là tạo ra trường học xã hội chủ nghĩa để họ luôn được dung dưỡng, bảo bọc, được sống trong vòng tay yêu thương, trìu mến, được học hỏi tấm gương của người đi trước để họ được ươm mầm cho những khát vọng của tương lai, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...