Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục: Xã hội cần thang giá trị chung

GD&TĐ - Chuyên gia giáo dục, TS Giáp Văn Dương bày tỏ tin tưởng với văn hóa của học sinh, sinh viên hiện nay; Đồng thời tìm lời giải cho câu hỏi: “Chấn hưng giáo dục bắt đầu từ đâu?”.

Cô và trò trường phổ thông dân tộc nội trú vùng cao Việt Bắc. Ảnh: Thế Đại
Cô và trò trường phổ thông dân tộc nội trú vùng cao Việt Bắc. Ảnh: Thế Đại

Băn khoăn về khả năng tư duy của giới trẻ

- Văn hóa luôn gắn liền với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Ông đánh giá thế nào về “phông” văn hóa của học sinh, sinh viên Việt Nam hiện nay?

- Trái với dư luận chung, tôi không cảm thấy lo ngại với văn hóa của học sinh, sinh viên hiện nay. Điều kiện sống và học tập của các em nói chung tốt hơn thế hệ chúng tôi. Thông tin và kết nối với thế giới cũng nhiều hơn. Vì thế, văn hóa của các em nói chung là đa đạng, phong phú và sôi động hơn thời của chúng tôi.

Đơn cử, nhiều em quan tâm đến việc bảo vệ rừng, môi trường. Hay trong đợt dịch vừa rồi, các hoạt động vì cộng đồng của các em cũng rất nhiều.

Tuy nhiên, có một điều mà tôi còn băn khoăn là khả năng tư duy hệ thống của đa số học sinh, sinh viên hiện nay khá yếu. Cách thi trắc nghiệm trong những năm gần đây, và tiện dụng của Google, làm cho giới trẻ thích tư duy kiểu “mì ăn liền” hơn là suy nghĩ bài bản, có hệ thống. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nguồn nhân lực và rộng hơn là sự phát triển của xã hội sau này.

- Với quan điểm “Chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ giáo dục” của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, theo ông, nên tập trung vào những vấn đề cụ thể nào?

- Về nguyên tắc, chấn hưng văn hóa đúng là cần bắt đầu từ giáo dục. Nhưng câu hỏi đặt ra, chấn hưng giáo dục bắt đầu từ đâu?

Giáo dục, rõ ràng chỉ là một tập con, tức một phần của xã hội. Hoạt động của giáo dục chịu sự chi phối ngầm của các thang giá trị trong xã hội, và phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

Vì lẽ đó, để chấn hưng văn hóa, điều quan trọng là phải định ra được một thang giá trị cho xã hội, trên cơ sở dân chủ và đồng thuận, thúc đẩy tinh thần thượng tôn pháp luật của xã hội.

Trong hai nội dung trên, tôi cho rằng xây dựng được một thang giá trị chung cho xã hội là điều quan trọng hơn cả, vì chính thang giá trị chung này sẽ trở thành nội dung của chấn hưng giáo dục và chấn hưng văn hóa.

Bộ giá trị đó tốt nhất là các giá trị phổ quát, đã được kiểm chứng bởi thời gian và địa lý, và phù hợp với trào lưu chung của thời đại.

Với các trường học, nơi thực hành giáo dục, tôi đề xuất sử dụng bộ giá trị “Chân - Thiện - Mỹ - Hòa” làm bộ giá trị cốt lõi.

Chỉ sau khi định ra được một bộ giá trị như thế, mới có thể đưa vào giáo dục và sau đó mới chấn hưng văn hóa được. Còn nếu không, việc chấn hưng văn hóa từ giáo dục sẽ rơi vào bế tắc và luẩn quẩn.

TS Giáp Văn Dương.
TS Giáp Văn Dương.

Hiệu quả nếu đủ muốn và đủ nghiêm túc

- Theo ông, giáo dục hiện nay trong công cuộc “chấn hưng văn hóa” có những rào cản và thuận lợi nào? Cần có lộ trình cụ thể ra sao để có thể thành công?

- Rào cản lớn nhất nằm ở việc xã hội đang thiếu những thang giá trị chuẩn mực, được cả xã hội đồng thuận và phù hợp với trào lưu chung của thời đại, để đưa vào giáo dục, từ đó thực hiện việc chấn hưng văn hóa. Không có các thang giá trị này thì việc giáo dục văn hóa sẽ không có nội dung, do đó không có kết quả.

Rào cản lớn thứ hai là khả năng tư duy độc lập của mỗi người, thể hiện rõ nhất qua tư duy thẩm soát, để phân biệt được phải - trái, đúng - sai, tốt - xấu… đang suy giảm ở mức độ đáng lo ngại. Đây là hệ quả của giáo dục và thi cử theo lối học để thi, văn mẫu - toán dạng, thi trắc nghiệm tràn lan trong giáo dục.

Rào cản lớn thứ ba là giáo dục, trên thực tế chỉ là một bộ phận của cấu trúc xã hội nói chung, mang đúng các đặc tính và phải tuân thủ các quy định chung của pháp luật. Khi các quy định đó còn lạc hậu, còn phải được thay đổi và chấn hưng, thì giáo dục khó có thể tự mình chấn hưng được.

Đó là những khó khăn chính. Còn thuận lợi? Tôi nghĩ thuận lợi không nhiều lắm, ngoại trừ ngày nay thông tin trở nên phong phú hơn, dễ tiếp cận hơn trước.

Ngoài ra, việc hội nhập với thế giới qua Internet, lao động và du lịch cũng tốt hơn. Điều đó làm cho việc thay đổi văn hóa diễn ra nhanh hơn.

Về lộ trình thực hiện việc chấn hưng này, tôi cho rằng có thể làm rất nhanh nếu đủ muốn và đủ nghiêm túc. Đó là hãy tạo điều kiện để cho đại chúng được tham gia và phát huy trí tuệ của mình. Rất may, ở thời nào và ở đâu cũng vậy, đại chúng luôn sẵn sàng tham gia. Chỉ cần một chút khuyến khích, hoặc đơn giản hơn là giảm bớt kiểm soát họ sẽ tham gia, đầy hào hứng và nhiệt tình.

Chính đại chúng, đặc biệt là những người đang ở tuyến đầu trong các lĩnh vực khác nhau của xã hội, sẽ dẫn dắt việc thảo luận và hình thành nên các thang giá trị của xã hội. Từ đó, đời sống văn hóa sẽ sinh động lên và lan tỏa vào mọi ngõ ngách. Văn hóa sẽ được chấn hưng một cách tự nhiên, vì làm cho văn hóa sống động hơn, đẹp đẽ hơn, rực rỡ hơn, chính là nhu cầu tự nhiên của mọi người.

- Cá nhân ông mong muốn, đóng góp gì cho công cuộc “chấn hưng văn hóa” trong điều kiện hiện nay?

- Tuy không phải là người hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, nhưng tôi có thể đóng góp vào việc chấn hưng văn hóa thông qua việc thảo luận về chính chủ đề này. Nếu càng nhiều người tham gia thảo luận, các nội dung sẽ ngày càng sáng tỏ, trực tiếp nâng cao trình độ tư duy và văn hóa thảo luận của xã hội. Đó chính là chấn hưng văn hóa ở cấp độ cơ bản nhất.

Trong gia đình, tôi chủ trương xây dựng một gia đình thực hành các giá trị văn hóa mà tôi gây dựng, đó là ý thức về con người tự chủ và bốn giá trị phổ quát “Chân - Thiện - Mỹ - Hòa”. Những giá trị này không chỉ giới hạn trong gia đình, mà còn từng bước lan tỏa vào môi trường nơi tôi có cơ hội tư vấn hoặc làm việc.

Ngoài ra, tôi cũng có một nhu cầu tự thân trong việc đưa các giá trị văn hóa - xã hội vào trong công việc, đặc biệt trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo và quản trị doanh nghiệp. Những điều này làm cho tôi giữ được sự kết nối với văn hóa, và cảm nhận được sức sống của văn hóa đến mọi mặt của đời sống.

Tôi tin rằng, nếu nhiều người cùng làm như thế, theo cách của chính họ, dần dần, văn hóa được cải thiện và một ngày nào đó sẽ được chấn hưng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

TS Giáp Văn Dương là cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa, lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Vienna (Áo) ngành Vật lý Kỹ thuật (2006). Từ 2013 đến nay, ông trở lại Việt Nam, tập trung toàn thời gian hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bao gồm tư vấn đầu tư, phát triển chương trình, đào tạo giáo viên, quản trị trường học... Năm 2015, ông được Asia Society chọn là Asia 21 Young Leaders (Lãnh đạo trẻ châu Á thế kỷ 21).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ