Thời đại 4.0, làm sao để phát huy hiệu quả, lợi thế của công nghệ thông tin (CNTT), hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ vẫn là câu hỏi không phải bố mẹ nào cũng có thể trả lời.
Mặt trái của công nghệ
Mới đây, một bé gái 5 tuổi đã dùng tấm voan treo cổ trong phòng ngủ chỉ vì học theo trò chơi trên YouTube. Cũng vì học theo YouTube, 4 em nhỏ bị ngộ độc bởi nướng cóc ăn; HS lớp 9 phải cắt tay vì học chế pháo… Và còn nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra khi trẻ xem và làm theo những nội dung “độc, lạ” từ mạng xã hội.
PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người cảnh báo: Thế giới hiện đại khuyến khích cho trẻ được sử dụng CNTT để tiếp thu những kiến thức, kĩ năng… hỗ trợ cho quá trình học tập và cải tiến kĩ năng sống. Tuy nhiên có một xu thế trẻ em khi sử dụng CNTT thường hay tò mò tìm hiểu và xem những nội dung độc, lạ, giật gân… rồi bắt chước. Điều đó dẫn tới những hậu quả khó kiểm soát.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, khi trẻ sử dụng CNTT quá nhiều, bị “nhồi sọ” những nội dung tiêu cực… sẽ ảnh hưởng đến não bộ, không tiếp cận được những thông tin, giá trị tích cực. Trẻ sử dụng CNTT quá ngưỡng sẽ khiến cuộc sống bị chi phối, thiếu sự kết nốitương tác trực tiếp với gia đình, bạn bè, xã hội.
Thực tế cũng cho thấy, trẻ tiếp xúc quá nhiều với những phim, kênh giải trí nước ngoài qua tivi, mạng Internet… có thể nói tiếng Anh trôi chảy. Tuy nhiên phần lớn đó là sự bắt chước, trẻ nói nhưng không hiểu ngữ nghĩa, cấu trúc ngữ pháp, thậm chí không biết cách phản ứng với tình huống cụ thể, mất khả năng tương tác với mọi người, lười giao tiếp với thế giới xung quanh.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều trẻ em “nghiện” mạng xã hội, xem YouTube, tivi, máy tính, tương tác một chiều thông qua CNTT đã và đang dẫn tới những hệ lụy lớn.
Cha mẹ hãy là “lá chắn”
PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh đưa ra lời khuyên: Cha mẹ cần phát huy giá trị của giáo dục sớm trong gia đình. Không ngăn cấm hoàn toàn việc trẻ sử dụng mạng tuy nhiên cần kiểm soát việc lên mạng của trẻ về thời gian, nội dung… Không để trẻ lên mạng tự do thiếu kiểm soát, coi mạng như một cách trông trẻ tại nhà để cha mẹ có thời gian làm việc riêng. Cần hướng dẫn cho trẻ kĩ năng lên mạng hiệu quả, phù hợp để trẻ không bị “lôi kéo” vào những nội dung “lệch lạc”, “độc, lạ”, không đúng mục đích tìm kiếm, sử dụng.
Để trẻ không “nghiện” và chìm đắm trong thế giới mạng, cha mẹ cần thường xuyên trao đổi, tương tác, giao tiếp với trẻ bằng lời nói, hành động. “Kéo” trẻ đến với giao lưu, tiếp xúc thế giới bên ngoài. Không nhốt trẻ ở nhà một mình quá nhiều. Điều đó sẽ làm ảnh hưởng tới tâm sinh lý, tình cảm, đạo đức và khiến trẻ chậm phát triển.
Dưới góc nhìn từ lĩnh vực CNTT về hậu quả, mặt trái khi trẻ “nghiện” mạng xã hội, tivi…, ông Kiều Công Thược, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tư vấn phát triển công nghiệp 4.0 Việt Nam (Hà Nội) trao đổi: Google.com là trang web để tìm kiếm mọi thứ mà mọi người muốn và trẻ nhỏ cũng không phải là ngoại lệ. Vì vậy, để công cụ tìm kiếm này trở nên an toàn hơn với trẻ,cha mẹ chỉ cần kích hoạt bộ lọc tìm kiếm an toàn của công cụ này.
Khi được bật, tính năng tìm kiếm an toàn sẽ giúp cha mẹ lọc nội dung không phù hợp trong các kết quả tìm kiếm của Google với tất cả nội dung tìm kiếm hình ảnh, video và trang web.
Mặc dù không chính xác 100% nhưng tính năng tìm kiếm an toàn có thể giúp bố mẹ chặn các kết quả không phù hợp (ví dụ như nội dung khiêu dâm) khỏi trang kết quả tìm kiếm trên Google. Tính năng tìm kiếm an toàn chỉ hoạt động trên các kết quả tìm kiếm của Google...
Ông Kiều Công Thược cũng tư vấn: Cha mẹ nên bật chế độ hạn chế bởi đây là cách đơn giản nhất, cũng như có thể làm ngay mà không cần phải cài thêm bất kỳứng dụng nào khác. Chế độ hạn chế sẽ kiểm soát nội dung hiển thị trên YouTube, thực hiện lọc bớt những nội dung bị cho là bạo lực, quá phản cảm hoặc không phù hợp với một số độ tuổi.
YouTube Kids là một ứng dụng xem video đặc biệt trên YouTube của Google. Nó được tạo ra để bảo đảm trẻ em chỉ được xem những nội dung an toàn. Ngoài ra, cha mẹ có thể hẹn giờ, đặt mật khẩu cho YouTube Kids để tiện hơn trong việc quản lý thời gian dùng ứng dụng của trẻ…