Nhan nhản những “chuyện bịa như thật”
Hàng ngày, không ít những tin tức hoặc câu chuyện trên internet không đúng sự thật.
Có thể phân loại tin tức bịa đặt thành hai loại: Loại thứ nhất là những thông tin hoàn toàn không chính xác được cố tình đăng tải, lan truyền vì một mục đích nào đó. Loại thứ hai là những thông tin có thể có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do người viết chúng không kiểm chứng toàn bộ sự thật trước khi đăng tải chia sẻ hoặc có thể họ phóng đại một phần của câu chuyện đó.
Về khái niệm “clip bẩn” chưa có định nghĩa cụ thể cho nó nhưng có thể hiểu là những video có nội dung nhảm nhí, giật gân, đi lệch với thuần phong mỹ tục của dân tộc, nhằm mục đích lôi kéo càng nhiều lượt xem càng kiếm được nhiều tiền.
Đã có không ít trường hợp chủ nhân các “Clip bẩn” bị xử phạt. Liên quan đến chủ đề “hot” nhất gần đây là đại dịch Covid-19, đã có rất nhiều trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính khi đăng tin sai sự thật, bịa đặt để câu like câu view.
Ví dụ, Đ.T.T.S (trú tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh) là chủ tài khoản facebook có tên Mốt Ngọc Sen. Ngày 27/7, tài khoản facebook Mốt Ngọc Sen đã đăng tải bài viết giả mạo phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về tình hình dịch Covid-19, trong đó có những thông tin sai lệch về diễn biến và cách phòng chống dịch.
Sau khi điều tra và xác minh bà T.S đã thừa nhận hành vi của mình là không đúng sự thật và dễ gây hoang mang dư luận. Cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt số tiền 7,5 triệu đồng và yêu cầu T.S không được tái phạm.
Hay liên quan đến bệnh nhân số 17, Công an quận Hoàng Mai phát hiện tài khoản facebook của L.T.N đăng tin thất thiệt về bệnh nhân thứ 17 đã tham dự sự kiện khai trương của Uniqlo tại Vincom Phạm Ngọc Thạch và đến một quán bar ở Tạ Hiện trước khi đưa vào cơ sở y tế để cách ly bắt buộc do dương tính với dịch COVID-19.
Tại cơ quan Công an, L.T.N đã thừa nhận do thiếu hiểu biết nên đăng tải thông tin không chính xác trên mạng xã hội và phải nộp phạt 12,5 triệu đồng, cam kết không tái phạm…
Những ngày gần đây có rất nhiều vụ việc liên quan đến văn hóa trên YouTube điển hình như VTV24 lên án những phát ngôn không đúng mực của các streamer khi họ liên tục văng tục, chửi thề trước hàng trăm nghìn viewer.
Mới đây nhất (ngày 7/10), Thanh tra Sở TT&TT Bắc Giang lập biên bản xử lý Nguyễn Văn Hưng (sinh năm 1992, tên tài khoản Youtube là Hưng Vlog, con trai bà Tân Vlog), xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) về hành vi đăng tải video “Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi và cái kết” lên mạng xã hội vi phạm quy định của pháp luật.
Cùng thời gian, Thanh tra Sở TT&TT Bắc Giang cũng triệu tập Nguyễn Văn H. (sinh năm 1994, em trai của chủ tài khoản Hưng Vlog) nhắc nhở hành vi của anh này khi đăng tải video có tên “Trộm gà nhà em hàng xóm nướng siêu cay mời em hàng xóm mời team Vlog” vào tháng 8.2020. Hiện video đã được gỡ bỏ trên tài khoản.
Trước đó (ngày 10/9), Hưng Vlog đã xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi đăng tải clip naasi cháo gà nguyên lông phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Quyết liệt làm lành mạnh hoá mạng xã hội
Theo Luật Sư Nguyễn Huế - Công ty luật TNHH XTVN (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội): Sự nguy hiểm của việc thiếu kiểm chứng thông tin đưa lên mạng xã hội đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác an ninh mạng trong bảo vệ trật tự, an toàn xã hội.
Ngày 12/6/2018 Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua với sự nhất trí đã đặt nền móng cho sự quản lý các thông tin đưa lên mạng. Theo sau đó là hàng loạt Nghị định điển hình như nghị định 174/2013/NĐ-CP hay nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Về xử phạt hành chính: Theo điểm d, khoản 1, Điều 8 Luật An ninh mạng 2018 nghiêm cấm hành vi sử dụng không gian mạng để “thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.
Theo Khoản 1 điểm a điều 101 nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 02/03/2020 về vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi “ cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống;”
Lưu ý: Mức phạt nêu trên chỉ áp dụng với tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm tương tự, mức phạt tiền bằng ½ mức phạt đối với tổ chức
Theo Điểm a, Khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện: “Xử phạt từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng với hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.
Theo quy định tại Điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013: “Xử phạt từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng đối với hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.
Về xử phạt hình sự: Nghiêm trọng hơn, theo quy định tại Điều 155 về tội làm nhục người khác và Điều 156 về tội vu khống của Bộ luật Hình sự 2015, người có hành vi sử dụng facebook để vu khống, nói xấu, bôi nhọ danh dự, uy tín của người khác còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về một trong các tội: Tội làm nhục người khác với mức phạt tù cao nhất là 02 năm; Tội vu khống với mức phạt tù cao nhất lên đến 03 năm và phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Trước những vụ việc liên quan đến các thông tin bịa đặt, phản cảm, lệch lạc được đưa lên mạng xã hội FaceBook, YouTube, TikTok,... luật sư Nguyễn Huế cho rằng: Hành lang pháp lý quy định đối với việc xử lý các thông tin bịa đặt trên mạng đang dần được hoàn thiện.
Chúng ta có quyền yêu cầu gỡ bỏ hoặc trực tiếp ngăn chặn những thông tin xấu độc được quy định theo pháp luật. Với những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cung cấp thông tin công cộng qua biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Huế: “Bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý để quản lý các trang mạng xã hội để chủ động ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội, đòi hỏi trước hết mỗi người dân tham gia mạng xã hội, nhận biết tính hai mặt của internet và mạng xã hội; nhận diện các thủ đoạn, nội dung thông tin xấu độc, tính chất nguy hại của nó đối với cá nhân và xã hội".
“Để có thể lành mạnh hoá mạng xã hội, các cơ quan, ban ngành, đơn vị, địa phương cần tiếp tục chủ động, kịp thời cung cấp thông tin một cách đầy đủ, toàn diện cho người dân. Mỗi cá nhân cũng cần chủ động trang bị kiến thức cần thiết để có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời “miễn dịch” với những thông tin xấu độc làm nhiễu loạn môi trường xã hội”, Luật sư Nguyễn Huế nhấn mạnh.