Làm gì để ngăn chặn con xem nội dung xấu trên youtube, mạng xã hội?

GD&TĐ - Phải khẳng định rằng, việc ngăn chặn triệt để những nội dung xấu trên Youtube là rất khó. Do đó, bố mẹ cần nâng cao ý thức chủ động ngăn chặn con tiếp xúc với những nội dung độc hại. 

Một kênh Youtube chứa hàng loạt video có nội dung lệch lạc ảnh hưởng đến tâm lý trẻ thơ. Ảnh: Internet.
Một kênh Youtube chứa hàng loạt video có nội dung lệch lạc ảnh hưởng đến tâm lý trẻ thơ. Ảnh: Internet.

Mới đây, một vụ việc xảy ra ngày 12/10 ở TP.HCM đã khiến các bậc phụ huynh không khỏi bàng hoàng, sợ hãi. Theo đó, bé gái tên D., (5 tuổi) đã tử vong vì học theo trò treo cổ khi xem Youtube. 

Bộ phim hoạt hình mà cháu D thường xem là heo Peppa Pig được làm nhái dựa theo bộ phim hoạt hình chính thống Peppa Pig (Heo Peppa) là loạt phim hoạt hình dành cho lứa tuổi mầm non của Anh xây dựng lên nhân vật heo peppa rất dễ thương. 

Loạt phim hoạt hình nhái trên youtube này không chỉ chứa những hình ảnh bạo lực, máu me mà còn những hình ảnh reo rắc tự tử cho trẻ.

Giống như heo Peppa Pig, trước đây cũng có nhiều bộ phim hoạt hình nổi tiếng khác như "Spiderman & Elsa" cũng bị làm nhái thành những clip với nội dung phản cảm, đầy bạo lực, thậm chí là khiêu dâm khiến nhiều người cũng đã phải giật mình. Những nội dung này đăng tải công khai trên Youtube khiến nhiều trẻ nhỏ vô tình xem được, đầu độc tuổi thơ con em chúng ta.

Những nội dung độc hại này đều chọn chung một mô tuýp lựa chọn các nhân vật hoạt hình là hình tượng nổi tiếng trong sang, được nhiều em nhỏ yêu mến, bắt chước theo như Peppa Pig, Elsa, Spider-Man, Paw Patrol, Micky Mouse,…

Nên nếu để lướt qua, nhiều bậc phụ huynh còn dễ bị lầm tưởng huống chi trẻ con. Khi chúng kích chuột vào xem, Youtube lại có tính năng tự động chuyển sang video khác khi phát hết video này. Do đó,  nếu không có sự kiểm soát của người lớn thì trẻ nhỏ rất dễ xem phải những video có nội dung độc hại.

Trong trường hợp, nếu bắt buộc phải “dí” cho những đứa trẻ chiếc điện thoại thì các bậc phụ huynh phải chắc chắn rằng mình sẽ thực hiện được những chú ý dưới đây.

Với trẻ 12 tuổi, các bậc phụ huynh có thể ngăn chặn bằng cách thiết lập một tài khoản gia đình, tạo tài khoản Gmail và lập kênh Youtube đi kèm. 

Tài khoản gia đình sẽ cho phép bố mẹ tạo danh sách phát các video được phê duyệt và đăng ký các kênh thân thiện với gia đình. Nếu con bạn xem video trên tài khoản này, chúng sẽ hiển thị trong danh sách lịch sử bên trái để bạn có thể theo dõi. Để giữ tài khoản gia đình an toàn, bố mẹ có thể thiết lập một số lớp bảo mật như: 

- Tắt tùy chọn tìm kiếm và tạm dừng lịch sử xem.

- Bật chế độ an toàn/chế độ hạn chế.

- Khóa chế độ an toàn bằng cách sử dụng các thông tin đăng nhập.

- Gắn cờ các video có nội dung không phù hợp.

- Tắt chế độ tự động phát trên Youtube.

Ngoài ra bố mẹ có thể cho con sử dụng app Youtube Kids. Giao diện ứng dụng này khá thân thiện, dễ sử dụng và không có quảng cáo trong quá trình xem. Không chỉ vậy, bố mẹ có thể quản lý ứng dụng bằng mật khẩu và quản lý thời gian xem kênh Youtube của con bằng chế độ hẹn giờ.

Quan trọng nhất vẫn là bố mẹ cần thường xuyên: Kiểm tra máy tính, điện thoại của con một cách ngẫu nhiên; đảm bảo bật chế độ hạn chế trên mọi ứng dụng và trình duyệt mà con bạn sử dụng.

Khi bắt gặp con đang xem nội dung xấu cần hướng dẫn con cách xử lý khi gặp nội dung xấu, đồng thời đưa ra hậu quả, hình phạt nếu con cố xem. Ngoài ra bố mẹ cần biết tên và mật khẩu tài khoản Youtube của con.

Nhiều gia đình coi việc trẻ có tài khoản mạng xã hội (Zingme, Facebook…) từ sớm là cơ hội cho con mình tiếp xúc sớm với cộng đồng mạng, điều này không hẳn đã đúng. Nhà cung cấp dịch vụ quy định độ tuổi được phép tham gia mạng xã hội vì họ lo ngại khi chưa đủ tuổi, trẻ chưa đủ nhận thức để phân biệt được đúng sai, thật giả trên mạng ảo và có thể gặp những hậu quả không lường được từ việc tham gia cộng đồng mạng, cần nghiêm khắc cho con biết chỉ được phép tạo tài khoản khi trẻ tròn 14 tuổi theo đúng quy định của Facebook. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ