Chần chừ mở cửa, trẻ thêm thiệt thòi

GD&TĐ - Vai trò, ý nghĩa của việc tổ chức dạy học trực tuyến trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 là không thể phủ nhận.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cùng với sự cộng đồng trách nhiệm của phụ huynh, mô hình học tập này đã giúp trẻ không gián đoạn quá trình tiếp nhận kiến thức, đảm bảo kế hoạch năm học.

Thế nhưng cũng không thể phủ nhận, tổ chức học trực tuyến kéo dài, nhất là ở cấp lớp tiểu học cũng mang đến nhiều hệ lụy. Không những chất lượng dạy học hạn chế, học trực tuyến kéo dài còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất (các bệnh liên quan đến sử dụng màn hình máy tính, ít vận động…), sức khỏe tâm thần của trẻ (stress, thậm chí trầm cảm…).

Việc hạn chế các kỹ năng xã hội do thiếu tương tác cũng sẽ khiến trẻ khó hòa nhập về sau. Đặc biệt, không phải phụ huynh nào cũng có phương pháp phù hợp khi hỗ trợ con em học tập tại nhà, nên thực tế đã diễn ra việc bạo hành trẻ khi phụ huynh nóng giận, thiếu kiểm soát.

Để khắc phục mặt trái của dạy học trực tuyến, Bộ GD&ĐT đã đề nghị các tỉnh, thành tranh thủ tối đa “thời gian vàng” khi dịch bệnh kiểm soát được, đảm bảo an toàn để học sinh trở lại trường. Cho đến nay, nhiều tỉnh, thành đã dần mở cửa trường theo lộ trình, đặc biệt tập trung vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, đa phần việc khởi động học trực tiếp đang mạnh dạn thực hiện ở cấp trung học, còn ở tiểu học vẫn còn nhiều rụt rè.

Tại khu vực phía Nam, số địa phương cho học sinh tiểu học đi học lại từ 3/1 tới đây như Long An còn hiếm hoi. Khảo sát ý kiến phụ huynh một số trường tiểu học ở các quận trung tâm TPHCM cho thấy tỷ lệ đồng thuận cho con đi học lại vẫn không cao.

Thực tế mở cửa trường thời gian qua cho thấy, học sinh đi học rất thoải mái, vui vẻ, tiếp thu bài tốt hơn so với học trực tuyến. Nhiều nơi ở TPHCM lúc đầu khảo sát ý kiến phụ huynh đồng thuận chưa cao, chỉ 50 - 70%, nhưng đến nay, tỷ lệ học sinh đến trường đã đạt hơn 95%, nhiều trường đạt 100%. Một số trường có phát hiện F0 nhưng đã được xử lý theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế, không gây hoang mang, mất ổn định.

Đành rằng ý kiến phụ huynh là một kênh tham khảo quan trọng, nhưng quan trọng nhất trong việc quyết định mở cửa trường là hai yếu tố: An toàn trong phòng chống dịch ở các địa phương và quyền lợi đi học của học sinh.

Với trên 80% dân số trên 18 tuổi tiêm xong mũi hai vắc-xin ngừa Covid-19, Việt Nam cơ bản đã đạt miễn dịch cộng đồng. “Thời điểm này mà không cho trẻ đến trường rất thiệt thòi cho trẻ. Bởi các em cần được giao tiếp với bạn bè, thầy cô để phát triển cảm xúc, rèn luyện nhân cách… chứ không chỉ học kiến thức. Cho trẻ đi học và sinh hoạt theo những nhóm nhỏ sẽ an toàn hơn khi để trẻ ở nhà. Vì thỉnh thoảng phụ huynh vẫn phải dẫn trẻ đi công viên, ăn uống, cho trẻ ra ngoài chơi với các bạn cùng xóm... Mà những môi trường ấy làm sao an toàn bằng môi trường học đường vốn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch một cách chặt chẽ?”, bác sĩ Trương Hữu Khanh (nguyên Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM) nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.