Học sinh trở lại trường: Cần khoảng lặng... để thích ứng

GD&TĐ - Học trực tuyến quá lâu dẫn đến tình trạng không ít học sinh, sinh viên ngại tới trường, chưa thích ứng ngay với sự thay đổi cách học, quản lý của giáo viên cũng như thói quen sinh hoạt.

Trở lại trường lớp học trực tiếp để việc học hiệu quả. Ảnh: Đức Trí
Trở lại trường lớp học trực tiếp để việc học hiệu quả. Ảnh: Đức Trí

Điều này dẫn tới tâm lý, quá trình học tập kém hiệu quả.

Thói quen “hậu” chuyển đổi

Anh Nguyễn Quang Thành (Thanh Xuân, Hà Nội) có con học lớp 11 Trường Marie Curie chia sẻ: Nhà trường đã cho học sinh tiêm phòng dịch mũi 1 và chuẩn bị cho việc đi học trở lại nhưng con trai không hào hứng bởi cho rằng “Học ở nhà thoải mái hơn, thời gian học ít hơn, không chịu sự giám sát nhiều như ở trường, không phải dậy sớm để đi học. Mặt khác vì vẫn được trao đổi, nói chuyện với bạn bè, thầy cô qua Zalo, Facebook nên cũng không có cảm giác vắng vẻ, nhu cầu cần phải giao tiếp nhiều hơn…”.

Anh Thành cho biết thêm, đợt nghỉ 1 tháng ở nhà vì dịch trước đây, con trai luôn nôn nóng muốn đi học trở lại bởi muốn được gặp gỡ bạn bè, thầy cô. Thế nhưng hiện tại đã có sự thay đổi đáng kể trong tâm lý, nhận thức của con. Chính vì vậy, đây cũng là điều đáng lo ngại của gia đình và mong muốn khi trở lại trường con sẽ nhanh chóng thích ứng với thói quen, nền nếp, yêu cầu của trường lớp để việc học đạt hiệu quả tốt nhất.

Với Lê Hà Anh, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) việc học của sinh viên đòi hỏi sự tự giác, tự học, tự nghiên cứu nhiều hơn bậc THPT. Do đó, chuyển sang học trực tuyến, sinh viên cũng không chịu quá nhiều tác động. Thậm chí theo Hà Anh, nhiều bạn còn bày tỏ học online khá phù hợp, sinh viên có thêm thời gian học các môn học khác và học theo cách riêng của bản thân.

Cô Nguyễn Thị Thúy, Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, phần lớn học sinh vẫn khao khát quay trở lại học trực tiếp tại trường vì thời gian học trực tuyến quá dài khiến các em mệt mỏi, chán chường. Tuy nhiên, cũng không tránh được một bộ phận học sinh, thậm chí có cả giáo viên đã quen với nếp sinh hoạt, dạy học trực tuyến.

Ví như với lớp nhỏ (tiểu học) và học sinh có lực học trung bình khi học trực tuyến sẽ không có áp lực học tập như trực tiếp (giáo viên kiểm tra bài hàng ngày; kiểm tra online khó kiểm soát hơn). Như vậy, các em thậm chí thích học trực tuyến để thoải mái. Còn khi trở lại guồng quay của học trực tiếp sẽ cảm thấy áp lực nên không quá “mặn mà” với việc trở lại trường.

Trên thực tế, quá trình học trực tuyến kéo dài, có học sinh của cô Thúy rơi vào bất ổn sức khỏe tinh thần. Khi học trực tiếp em rất sôi nổi, tham gia hầu hết hoạt động trường lớp, nhưng quá trình học trực tuyến lại rơi vào trầm cảm, không tương tác; quá trình học trực tuyến hoàn toàn không phát biểu hoặc nói câu nào. Kể cả giáo viên gọi phát biểu cũng nói ít và không nói.

Cần chuẩn bị kĩ càng tâm lý cho học sinh khi chuyển từ học trực tuyến sang trực tiếp.
Cần chuẩn bị kĩ càng tâm lý cho học sinh khi chuyển từ học trực tuyến sang trực tiếp.

Giúp học sinh trở về quỹ đạo học tập

TS chuyên ngành tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh, Tổng Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội) cho rằng: Học trực tuyến kéo dài sẽ kéo theo những tổn thương, biến đổi về tâm lý, tạo nên thói quen sinh hoạt khác.

Thậm chí nhiều học sinh khi học online lâu cảm thấy học hiệu quả hơn tới trường bởi có thể tự tạo không gian học, vị trí, cách học phù hợp. Tuy nhiên những thói quen, suy nghĩ này cần thay đổi bởi con người cần có sự tương tác, thích nghi, giao tiếp.

Theo TS Vũ Việt Anh, muốn học sinh, sinh viên nhanh chóng thích ứng với nền nếp, thói quen học tập khi trở lại học trực tiếp, thầy cô không cần quá tập trung cho việc hoàn thiện kiến thức ngay mà hãy dành thời gian củng cố, tổ chức lại lớp học, xây dựng các mối quan hệ học sinh với học sinh; học sinh với giáo viên; Cần tổ chức các hoạt động để tạo ra không khí đoàn kết, gắn bó, tâm lý thoải mái… từ đó giúp học sinh có động lực tới trường lớp học tập.

Về phía cha mẹ, cần giám sát, nhắc nhở, động viên, giải thích cho học sinh hiểu việc tới trường quan trọng ra sao, đến trường không đơn giản là học kiến thức mà còn được phát triển toàn diện kĩ năng xã hội, làm việc nhóm… Và khi sống trong môi trường văn hóa đa dạng sẽ tạo ra tính thích nghi để các em có thể thích ứng với mọi môi trường làm việc sau này.

“Mọi chuyển đổi cần có thời gian để thích nghi sau đó mới tính đến đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu của môn học, kỉ luật trường học… như vậy học sinh mới thích ứng và phát triển kịp yêu cầu học tập, trường lớp…”, TS Vũ Việt Anh khẳng định.

Cô Nguyễn Thị Thúy lại có cách làm riêng để chống “sốc” cho học sinh khi thay đổi hình thức học tập, đó là tăng cường cho các em làm các bài kiểm tra (làm bài trên các phần mềm ứng dụng trắc nghiệm, chấm điểm ngay) để giúp các em thấy được kiến thức mình hổng tới đâu? Chỗ nào? Nhiều hay ít?. Từ đó dần “đánh thức” ý thức học tập, giúp các em biết lo lắng và học tập nghiêm túc hơn trước khi trở lại trường.

Mặt khác, cô Thúy cũng gọi điện trực tiếp tới phụ huynh có con học sút hơn để chú ý cách học, tạo tâm lý cho các em quan tâm tới học tập, không lơ là, ỷ lại học trực tuyến chỉ có được kết quả này… Như vậy, vô hình trung cả phụ huynh và học sinh dù chưa hào hứng với học trực tiếp vẫn phải quan tâm tới việc trở lại trường, xác định mục tiêu khi đến trường lớp…

Thậm chí, cô Thúy còn tạo sự hồi hộp, hào hứng trở lại trường bằng việc gợi ra một vấn đề “nóng” để thảo luận trong quá trình học trực tuyến, nhưng kết thúc và triển khai vấn đề lại để tới khi học sinh trở lại trường lớp… khiến các em chờ đợi, hồi hộp ở phía trước…

Trở lại học tập trong trạng thái bình thường mới cần có bước chuẩn bị kĩ càng để giúp HS nhận thức, tâm thức đúng, thích ứng và theo kịp với yêu cầu của học trực tiếp mà không cảm thấy áp lực, đột ngột… - cô Nguyễn Thị Thúy bày tỏ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ