Một số trường mua sắm thiết bị hiện đại nhưng sử dụng kém hiệu quả. Ảnh minh họa |
(GD&TĐ) - Bộ GD&ĐT cho biết, thời gian qua, việc mua sắm thiết bị dạy học ở một số cơ sở giáo dục đào tạo và địa phương đã bộc lộ những hạn chế cần được chấn chỉnh và khắc phục.
Cụ thể, các trường hiện chú trọng mua sắm thiết bị mới mà không chú ý đến việc khai thác sử dụng hết công suất, khả năng của các thiết bị hiện có. Những thiết bị CNTT mua sắm không đồng bộ và thiếu các phần mềm ứng dụng phù hợp; mua sắm mới các thiết bị trong khi chưa có người đủ kiến thức, khả năng để vận hành và khai thác sử dụng. Đặc biệt, có trường hợp huy động sự đóng góp của cha mẹ học sinh để mua sắm thiết bị trái quy định.
Các hạn chế nêu trên dẫn đến việc khai thác sử dụng thiết bị kém hiệu quả, lãng phí trong đầu tư; gây bức xúc trong ngành và trong nhân dân.
Để chấn chỉnh và khắc phục tình trạng này, Bộ GD&ĐT yêu cầu các đơn vị kiểm tra, rà soát thực trạng thiết bị, học liệu hiện có để lập kế hoạch mua sắm bổ sung những thiết bị, học liệu cần thiết và đồng bộ. Việc mua sắm mới phải được đặt trên cơ sở khai thác sử dụng hết công suất của những thiết bị đã được trang bị, phù hợp với điều kiện kinh phí và chuẩn bị đủ người vận hành, khai thác sử dụng thiết bị.
Riêng đối với việc dạy và học ngoại ngữ, khi lập dự án mua sắm trang thiết bị cần căn cứ theo các mục tiêu, yêu cầu của “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”. Chỉ mua sắm thiết bị hiện đại khi hội đủ các điều kiện: đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để lắp đặt thiết bị; có giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn; thiết bị phải phù hợp và đồng bộ với với nội đung chương trình, khả năng sử dụng của giáo viên, kỹ thuật viên và phải được tập huấn, hướng dẫn sử dụng; phải có nguồn học liệu điện tử và các chương trình để giảng dạy trên thiết bị này; phù hợp điều kiện kinh phí hiện có và khả năng nhân rộng mô hình cho các cơ sở giáo dục khác.
Trong giai đoạn hiện nay, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương, đơn vị cần tập trung ưu tiên việc đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên về năng lực ngôn ngữ và phương pháp dạy học. Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình lập và phê duyệt dự án, tổ chức đấu thầu mua sắm thiết bị dạy học, học liệu theo đúng các quy định hiện hành.
Bộ GD&ĐT giao Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em và Ban Quản lý đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ kiểm tra, đôn đốc việc mua sắm trang thiết bị dạy học, học liệu ở các địa phương, đơn vị và báo cáo lãnh đạo Bộ.
Trong thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục đào tạo và Sở GD&ĐT đã tích cực, chủ động tham mưu cho các cấp lãnh đạo tăng cường đầu tư mua sắm thiết bị dạy học, học liệu và chú trọng khai thác sử dụng thiết bị dạy học, học liệu có hiệu quả, góp phần đổi mới phương pháp và từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, nghiên cứu khoa học cũng như công tác quản lý giáo dục.
Tuy nhiên, qua theo dõi của các cơ quan chức năng của Bộ và phản ánh từ các phương tiện thông tin đại chúng, việc mua sắm thiết bị dạy học ở một số cơ sở giáo dục đào tạo và địa phương đã bộc lộ những hạn chế cần được chấn chỉnh và khắc phục, cụ thể:
Hải Bình
TIN LIÊN QUAN |
---|