Chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống tại các tổ chức tín dụng.

Người tiêu dùng cần thận trọng, tìm hiểu kỹ các điều khoản trước khi ký kết hợp đồng tín dụng. Ảnh minh họa
Người tiêu dùng cần thận trọng, tìm hiểu kỹ các điều khoản trước khi ký kết hợp đồng tín dụng. Ảnh minh họa

Để ngăn ngừa hành vi gian lận, vi phạm các quy định của pháp luật về cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng, bảo đảm an toàn trong hoạt động cho vay, phát hành sử dụng thẻ tín dụng của các tổ chức tín dụng.

Thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất, phí liên quan đến hoạt động cho vay theo quy định, nghiêm túc thực hiện các quy định về nguyên tắc, phương pháp tính lãi và phí, minh bạch lãi suất cấp tín dụng.

Thực hiện nghiêm các quy định về minh bạch hóa hoạt động cho vay như: Quy định về niêm yết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, cung cấp thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng.

Cung cấp đầy đủ cho khách hàng trước khi xác lập thỏa thuận cho vay các thông tin về lãi suất cho vay, nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất trong trường hợp áp dụng lãi suất có điều chỉnh, lãi suất quá hạn, loại phí và mức phí theo đúng quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN.

Riêng đối với các công ty tài chính tiêu dùng, phải ban hành đầy đủ quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng và báo cáo NHNN về khung lãi suất cho vay theo quy định tại Thông tư 43/2016/TT-NHNN.

Trước đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương đã đưa ra cảnh báo về các hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng, mắc bẫy các công ty tài chính.

Các công ty tài chính có thủ tục vay, bộ hồ sơ giấy tờ đơn giản, gọn nhẹ hơn nhưng đi kèm là mức lãi suất cao hơn so với mức của các ngân hàng. Với mức lãi suất mua hàng trả góp, các ngân hàng thương mại có mức lãi suất trung bình từ 10% - 25%/năm. Mức lãi suất của công ty tài chính phổ biến từ 55% đến cao nhất lên tới trên 84%/năm.

Báo cáo từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho thấy, theo khiếu nại của người tiêu dùng, nhân viên tư vấn thường cung cấp không đầy đủ thông tin hoặc thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Ví dụ, khi tư vấn, nhân viên cam kết mức lãi suất chỉ 1%-2%/tháng.

Thực tế, mức lãi suất thể hiện trên hợp đồng là 6%/tháng. Thậm chí, thời gian gần đây, có hiện tượng nhân viên tư vấn mạo danh tên của ngân hàng để giới thiệu dịch vụ cho vay. Thực tế, sau khi kiểm tra hợp đồng đã ký kết, người tiêu dùng mới nhận thấy khoản vay là do công ty tài chính cung cấp với mức lãi suất khá cao.

Nhiều khiếu nại của người tiêu dùng cho thấy, tại thời điểm ký kết hợp đồng, nhân viên thường hối thúc người tiêu dùng nhanh chóng ký mà không để người tiêu dùng đọc, nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng.

Sau khi ký kết hợp đồng cho vay tín dụng, nhân viên từ chối giao bản hợp đồng gốc để người tiêu dùng lưu giữ hoặc không cho phép người tiêu dùng sao chụp hợp đồng. Trong những trường hợp này, nhân viên tư vấn thường lấy lý do phải chuyển hợp đồng về công ty để lấy dấu, hẹn sẽ chuyển theo đường bưu điện cho người tiêu dùng sau.

Vì vậy, khi có tranh chấp phát sinh, người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn trong quá trình phản ánh và làm việc với đơn vị tài chính. Ví dụ, việc gọi điện tới tổng đài điện thoại của công ty thường tốn nhiều tiền cước, lời thoại hướng dẫn dài dòng, khó hiểu; nhân viên tổng đài không ghi nhận nội dung khiếu nại, dẫn tới, khi lần sau gọi lại, người tiêu dùng mất thêm thời gian để trình bày vụ việc…

Theo Thanhtra.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ