Vay tiêu dùng vào mùa cao điểm

GD&TĐ - Đã thành thông lệ, vào mỗi dịp cuối năm, các ngân hàng thương mại (NHTM) đều đưa ra các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng kèm theo những ưu đãi, cơ chế cho vay nhanh gọn hơn nhằm thu hút người vay, gia tăng hiệu quả sử dụng vốn và hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. 

Vay tiêu dùng vào mùa cao điểm

Đây cũng là thời điểm khách hàng có thêm nhiều lựa chọn vay vốn theo nhu cầu tiêu dùng của mình dịp cuối năm.

Các NH đua nhau ưu đãi, khuyến mãi

Tín dụng vào cuối năm luôn là mùa để các tổ chức tín dụng chạy đua với nhiều ưu đãi, khuyến mãi. Mới đây, ngân hàng (NH) TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã có gói tín dụng 1.000 tỷ đồng dành cho khách hàng là các cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu vay với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm đến hết ngày 31/12/2016.

Ngoài ra, nhiều NH khác cũng đưa ra các chương trình vay vốn ưu đãi, lãi suất thấp, vừa để kích cầu tín dụng, vừa để tận dụng đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm. Tuy vậy, các NH đang phải dè chừng trước sức mạnh từ các gói vay tiêu dùng của các công ty tài chính, thậm chí từ các tổ chức bên ngoài hệ thống tổ chức tín dụng.

Báo cáo mới đây của NH Nhà nước, hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam phát triển khá mạnh với tốc độ tăng trưởng trung bình 20%/năm, chủ yếu qua NHTM và công ty tài chính. Phân khúc khách hàng vay tiêu dùng của công ty tài chính chủ yếu là khách hàng có thu nhập trung bình hoặc thấp, không ổn định, hiểu biết về tài chính hạn chế, có nhu cầu các khoản vay giá trị nhỏ, thời gian ngắn, khó hoặc không tiếp cận được các khoản vay tiêu dùng của NHTM, mức độ rủi ro cao.

Các công ty tài chính đang có sự phát triển mạnh cả về quy mô và hình thức. Nếu như 30 NH tại Việt Nam có hơn 10.000 điểm giao dịch thì chỉ riêng Home Credit và HD Saigon, mỗi công ty đã có trên 5.000 điểm giao dịch, chưa kể dịch vụ trực tuyến, điện thoại...

Không những thế, đón đầu mùa mua sắm cuối năm, các công ty tài chính đã chủ động liên kết với nhà cung cấp sản phẩm để cho ra một hình thức khuyến mãi thông minh, mua hàng trả góp lãi suất 0% (các công ty tài chính sẽ hưởng hoa hồng từ nhà cung cấp). Bên cạnh đó, thủ tục vay vốn của các công ty tài chính rất nhanh gọn, hầu như không cần tài sản thế chấp, không phí dịch vụ, giải ngân nhanh... Vì thế, mặc dù lãi suất cao và thời hạn vay ngắn nhưng vẫn được người tiêu dùng lựa chọn.

Cần một cơ chế

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tài chính, hiện nguồn sống chủ yếu của các công ty tài chính là từ cho vay tiêu dùng nên thường hướng đến đối tượng khách hàng dưới “chuẩn” được vay tại NH. Do vậy, nguy cơ rủi ro với các công ty tài chính lớn hơn nhiều so với hệ thống NH, phải bù trừ rủi ro vào giá, nên đương nhiên lãi suất phải cao, thậm chí lên tới 20 - 30%. Mặt khác, với những mập mờ, gian lận và lãi suất “trên trời” của “tín dụng đen” thì vay tiêu dùng tại các công ty tài chính vẫn là lựa chọn hợp lý nhất cho người tiêu dùng khi cần vốn gấp vào dịp cuối năm.

Theo NH Nhà nước, thời gian qua, cho vay tiêu dùng của công ty tài chính phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, quy trình, thủ tục, hồ sơ, thẩm định cho vay tiêu dùng của một số công ty tài chính khá đơn giản, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Một số công ty tài chính áp dụng lãi suất cho vay cao, dẫn đến những bức xúc trong dư luận và người dân. Mặt khác, đại diện một công ty tài chính nước ngoài khá nổi tiếng hoạt động tại Việt Nam từng cho rằng, ở các thị trường có nền tài chính phát triển, Chính phủ sẽ ưu tiên lập ra các tổ chức bảo lãnh tín dụng nhỏ. Những tổ chức này sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ người dân, người kinh doanh nhỏ vay vốn với các điều kiện thuận lợi.

Nhưng tại Việt Nam, những tổ chức như trên chưa có nhiều điều kiện để phát triển mang tính chuyên nghiệp. Hiện NH Nhà nước đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, trong đó đã nêu rõ khái niệm, điều kiện cho vay và lãi suất... Điều này cho thấy, với sự “mập mờ” của “tín dụng đen”, một hành lang pháp lý quy định chặt chẽ, nhất quán, riêng biệt cho các công ty tài chính là điều cần thiết để tạo một thị trường tài chính lành mạnh hơn.

Thống kê của Công ty CP Truyền thông Tài chính StoxPlus, mặc dù tỷ lệ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính còn thấp và xuất hiện sau các NHTM, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Nếu năm 2012 chỉ tăng khoảng 0,4% thì đến năm 2015 là 126%. Nhờ món vay nhỏ, cấp vốn linh hoạt, các công ty tài chính đang chiếm 12% thị phần vay tiêu dùng. Đáng chú ý, nếu so với năm 2013, thị phần nhóm NH đã bị thu hẹp từ mức 92% về mức 87% vào năm 2015.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.