Hiện nay, cho vay tiêu dùng là dịch vụ được các ngân hàng và tổ chức tín dụng áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, “mặt trái” của cho vay tiêu dùng là rủi ro lớn, nên theo lời khuyên của Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế của Hiệp hội Ngân hàng, chậm trả nợ ngày nào thì mức độ rủi ro sẽ càng lớn và gây bất lợi rất nhiều cho phía người đi vay.
Đặt bút ký vào hợp đồng, nghĩa là người tiêu dùng đã đồng ý với các điều khoản nêu trong hợp đồng vay tín dụng tiêu dùng, nhất là về mức thanh toán, thời gian trả nợ cũng như tỷ lệ bị phạt nếu vi phạm. Tuy nhiên, khi vi phạm và bị phạt, thì không ít người vẫn than phiền về dịch vụ này và cho rằng họ bị lừa. Ý kiến của ông ra sao về trường hợp này?
- Ở đây có hai mặt. Một là, mức lãi phạt tương đối cao. Tuy nhiên, bản thân người vay phải xác định rõ mục đích vay để làm gì? Liệu có khả năng trả nợ hay không?
Nếu tính toán được nguồn thu để trả nợ thì mới ký hợp đồng vay. Khi đã ký kết hợp đồng đúng trình tự pháp luật quy định, thì phải theo pháp luật mà thực hiện.
Nếu cứ nhắm mắt vay, không tính toán, người vay rất dễ rơi vào tình trạng vi phạm hợp đồng và bị phạt.
Các khoản phí phạt có thể làm gia tăng đáng kể chi phí của người đi vay. Mặc dù một số người tiêu dùng có thể gặp phải khó khăn dẫn đến các phản ứng thái quá đối với các trường hợp bị phạt như vậy, song họ cũng cần ý thức được trách nhiệm thực thi đúng hợp đồng mà họ đã ký kết.
Trên thị trường hiện nay vẫn còn có trường hợp khách hàng vay tiêu dùng phản ánh rằng: Họ bị phạt nặng khi trả gốc và lãi chậm? Theo luật sư, hành vi trên có vi phạm hợp đồng và vi phạm pháp luật?
- Đương nhiên theo thỏa thuận trong hợp đồng thì khách hàng đã vi phạm. Thỏa thuận nêu trong hợp đồng cũng như pháp luật quy định, khi chậm trả người vay sẽ bị phạt chậm thanh toán theo như quy định của Bộ luật Dân sự là không quá 9%; còn quy định của lĩnh vực ngân hàng là không quá 150% lãi suất trong hạn.
Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết các tổ chức tín dụng đều áp dụng mức 150% chứ không áp dụng mức thấp hơn, cho dù các mức trên đều đúng luật.
Cho nên, bao giờ trong hợp đồng, các công ty tài chính đều để mức thỏa thuận cao nhất nhằm mục đích buộc khách hàng có trách nhiệm đối với những việc mình đã làm.
Thưa luật sư, nếu vi phạm hợp đồng, theo quy định khách hàng sẽ bị xử lý ra sao?
- Đương nhiên bên vi phạm hợp đồng sẽ phải thực hiện các điều khoản phạt đã được quy định trong hợp đồng. Người vay cũng vậy, khi đã đặt bút ký, nghĩa là đã đồng ý với mọi điều khoản nêu trong hợp đồng và có trách nhiệm thực thi những điều khoản như quy định của hợp đồng đã ký.
Cho nên, người đi vay phải có trách nhiệm trả nợ đúng hạn và trong trường hợp không trả nợ đúng hạn thì sẽ được áp dụng các điều khoản phạt theo quy định của hợp đồng.
Nếu giữa người cho vay và người đi vay không thể đi đến thống nhất thì tranh chấp có thể được xử lý tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Để hài hòa cả hai, luật sư có lời khuyên nào dành cho các công ty tài chính và người vay tiêu dùng?
- Vấn đề quan trọng ở đây là, đi vay cũng đồng nghĩa với việc xác lập một nghĩa vụ tài chính trong tương lai… nếu người vay tiêu dùng mà không xác định được nguồn trả nợ, đương nhiên khó khăn và rủi ro sẽ chồng chất.
Chính vì vậy, người đi vay cần có sự tính toán và cẩn trọng hợp lý, tìm hiểu thật kỹ tất cả các thông tin liên quan cũng như có thể yêu cầu sự tư vấn từ phía công ty tài chính trước khi ký kết hợp đồng vay, đồng thời cần có ý thức tôn trọng và thực hiện những điều khoản của hợp đồng mà mình đã tham gia ký kết.
Xin cảm ơn ông!