"Chạm" yêu thương với những người tự kỷ

GD&TĐ - Một triển lãm đặc biệt mang tên “Chạm” trưng bày các sản phẩm nghệ thuật của người tự kỷ đang được giới thiệu rộng rãi với công chúng tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

"Chạm" yêu thương với những người tự kỷ

Đây là triển lãm các sản phẩm nghệ thuật của 6 người tự kỷ: Ujita Masato đến từ Nhật Bản, Trung Hiếu, Hoàng Minh, Bình Minh, Gia Bảo (Danh Lâm) và Nem (Đình Chí). Điều đáng nói, đằng sau cuộc triển lãm có thể còn nhỏ bé này, là sự cố gắng nỗ lực của các gia đình có người tự kỷ.

Nỗi lòng người mẹ có con tự kỷ

“Chạm” do Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số tổ chức, với sự hỗ trợ tài chính của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, nhóm Phụ nữ châu Á và những người bạn tại Hà Nội, Quỹ Tự kỷ và Nghệ thuật (Quỹ do cha mẹ của trẻ tự kỷ đóng góp).

Chủ đề “chạm” được chia thành 6 góc nhỏ, mỗi góc là một câu chuyện khác nhau bao gồm: Nguệch ngoạc, Loằng ngoằng, Vẽ, Bôi màu, Xé giấy và Vò nặn…

Tất cả đều là những sản phẩm mang tính bản năng, là nhu cầu giải tỏa cảm xúc, nhận thức vô cùng khó khăn và kỳ lạ… của những người không may mắc phải căn bệnh này.

Chị Nguyễn Mai Anh (mẹ của Trung Hiếu) nghẹn giọng kể: Trung Hiếu sinh năm 1999, đến đầu năm 2002, Hiếu có những biểu hiện khác thường, không phát triển ngôn ngữ, không nhận biết được người thân, bị rối loạn giấc ngủ và bài tiết. Chúng tôi biết con mình mắc chứng tự kỷ.

Khi lên 5 tuổi, Hiếu bắt đầu biểu lộ niềm yêu thích với âm nhạc và hội họa, cả ngày nghịch đàn và vẽ nguệch ngoạc lên tường hoặc bất cứ thứ gì trước mặt.

Từ đây, thế giới của Hiếu dần mở rộng hơn với những niềm vui mới: Hiếu yêu thích các con vật (đặc biệt là mèo), thích đi chơi nhà bạn bè, người thân… Dần dần, những bức tranh của Hiếu ngày càng sinh động khi có thêm cảnh vật, cây cối, con người, xe cộ…

“Qua những bức tranh Hiếu vẽ, tôi hiểu được con mình vui hay buồn. Bởi lẽ, cũng giống như những bạn trẻ tự kỷ khác, Hiếu không truyền tải được suy nghĩ của bản thân qua lời nói hay biểu hiện cảm xúc. Vẽ tranh hay chơi nhạc cụ là cách để Hiếu thể hiện suy nghĩ của mình với những người xung quanh” - Chị Mai Anh chia sẻ.

“Chạm” – chắp cánh ước mơ

“Chạm” không chỉ cho chúng ta hiểu thế giới nội tâm của người tự kỷ, “Chạm” đã mở ra tương lai và định hướng nghề nghiệp cho người tự kỷ.

Những tác phẩm do chính người tự kỷ sáng tạo đã được công chúng đón nhận với rất nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển, không chỉ ở trong nước mà thậm chí là còn quốc tế.

Sự yêu thương và hỗ trợ, giúp đỡ đúng thời điểm của gia đình, bạn bè và sự chung tay của cộng đồng xã hội sẽ chắp cánh cho những giấc mơ trong thế giới tưởng tượng của người tự kỷ thành hiện thực.

Phạm Bình Minh được chẩn đoán tự kỷ khi 2 tuổi. Khác với nhiều trẻ tự kỷ khác, Minh không có khả năng giao tiếp với những người xung quanh, không biết chơi đồ chơi, không thể tập trung và không thể hòa nhập với các bạn…

Từ nhỏ, Minh có hứng thú đặc biệt với những con vật. Với chồng báo cũ trong tay, Minh có thể ngồi hàng giờ để xé, dán thành những bức tranh hoặc tạo thành những bức tượng về những con vật độc đáo, mà ở đó, người xem có thể “chạm” được vào con người thực của Minh.

Còn với Hà Đình Chí (Nem), năm nay 12 tuổi, em cũng là người tự kỷ đầu tiên ở Việt Nam có triển lãm cá nhân mang tên “Câu chuyện của Nem”. Đến với “Chạm”, một lần nữa, Nem đã kể cho mọi người nghe một thế giới nội tâm đầy tính nghệ thuật của mình.

Họa sỹ Lê Thiết Cương cho biết: “Khi được mời làm cố vấn, tham gia tuyển chọn những bức tranh để giới thiệu tại triển lãm lần này, tôi cảm thấy thực sự khó khăn.

Bởi lẽ, bức nào cũng rất đẹp với những bảng màu, sự hòa sắc rực rỡ. Đặc biệt, bức tranh nào cũng thể hiện sự thích thú với hội họa và sự vui tươi, yêu đời một cách rất trong sáng - điều mà không phải họa sỹ người lớn bình thường nào cũng làm được”. Có thể nói, “Chạm” để cảm nhận, hiểu, yêu thương và chia sẻ; để từ đó lan tỏa và đồng hành cùng người tự kỷ.

Bà Tuyết Hạnh - Đại diện Câu lạc bộ Gia đình Trẻ tự kỷ Hà Nội - chia sẻ: “Cũng như tất cả chúng ta, người tự kỷ có cảm xúc, sở trường riêng và một số người có tài năng đặc biệt.                                                                                                                                                    Thế nhưng, để chạm tới thành công, họ gặp khó khăn hơn người bình thường rất nhiều bởi chứng tự kỷ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng giao tiếp và học hỏi của họ.                                                                                                                                                             Khi được yêu thương, chia sẻ và hỗ trợ đúng cách, họ hoàn toàn có thể có được cuộc sống hạnh phúc với những đóng góp tích cực cho cộng đồng".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cái kết không có hậu

GD&TĐ - Thời kỳ gần 10 năm cầm quyền của Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã chấm dứt với một kết cục đáng buồn.