Chậm tuyên truyền số hoá truyền hình nên dân chịu thiệt

Tại nhiều tỉnh đã có thể thu được hàng chục kênh truyền hình số, nhưng chính quyền địa phương lại thờ ơ, chưa tuyên truyền về số hóa truyền hình nên người dân tại tỉnh đó không biết để thu xem sóng truyền hình số.

Chậm tuyên truyền số hoá truyền hình nên dân chịu thiệt

Theo tính toán của Cục Tần số Vô tuyến điện, với phạm vi phủ sóng các kênh truyền hình analog hiện tại, khi thực hiện tắt sóng truyền hình analog ở 4 thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và Cần Thơ sẽ có 19 tỉnh bị ảnh hưởng đến việc thu xem truyền hình, trong đó có tỉnh bị ảnh hưởng toàn bộ, có tỉnh bị ảnh hưởng một phần, do người dân tại các tỉnh lân cận đang thu xem nhiều kênh truyền hình được phát sóng từ 4 thành phố này.

Đó là các tỉnh: Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Vĩnh Long, Hậu Giang Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Nai và Long An. Các tỉnh này theo lộ trình thuộc nhóm sẽ số hóa truyền hình vào giai đoạn 2 hoặc giai đoạn 3, tức là sẽ tắt sóng truyền hình vào năm 2017 hoặc 2018.

Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số, việc phát sóng truyền hình số tại 23 tỉnh, thành kể trên không có vấn đề gì khó khăn bởi hiện tại VTV và hai doanh nghiệp là Công ty TNHH Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV) và Công ty CP truyền dẫn phát sóng truyền hình đồng bằng sông Hồng (RTB) đã phủ sóng truyền hình số toàn bộ khu vực này, đảm bảo cho người dân thu xem được truyền hình số.

Vào ngày 8/10/2015, Bộ TT&TT đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố Trung ương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về số hóa truyền hình tại địa bàn từ nguồn ngân sách địa phương, thông báo thời điểm ngừng phát sóng các kênh truyền hình tương tự mặt đất tại 4 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Hồ Chí Minh và thông báo cụ thể các địa bàn bị ảnh hưởng khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 4 thành phố nêu trên.

Tuy nhiên, ông Đoàn Quang Hoan cho hay, qua công tác giao ban của Cục Tần số vô tuyến điện với các Sở TT&TT mới đây, Cục Tần số vô tuyến điện nhận thấy: Nhiều lãnh đạo Sở TT&TT chưa nắm rõ được thông tin về việc địa phương sẽ bị ảnh hưởng khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 4 thành phố Trung ương.

Trong tháng 11/2015, ICTnews đã có đợt khảo sát tại một số tỉnh và nhận thấy, khá nhiều nơi chính quyền địa phương chưa triển khai hoạt động tuyên truyền về số hóa truyền hình nên người dân tại tỉnh đó không biết để thu xem sóng truyền hình số.

Ví dụ, tại Hậu Giang, hiện nay đã có thể thu xem được gần 40 kênh truyền hình số nhưng số lượng người dân biết để xem rất ít. Thậm chí lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang khi được hỏi cũng không biết tại tỉnh này có bao nhiêu kênh truyền hình số được phủ sóng. Lãnh đạo Sở TT&TT Hậu Giang cho hay, tỉnh Hậu Giang mới phê duyệt kế hoạch tuyên truyền về số hóa truyền hình và sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2016.

Còn tại Sóc Trăng chưa triển khai bất cứ hoạt động nào liên quan đến số hóa truyền hình bởi theo lộ trình Sóc Trăng sẽ triển khai số hóa truyền hình vào năm 2018. Trong khi đó, Hậu Giang là tỉnh sẽ bị ảnh hưởng toàn bộ, còn  Sóc Trăng có 9 huyện, thành phố bị  ảnh hưởng khi Cần Thơ ngắt sóng truyền hình analog từ năm 2016.

Các tỉnh, thành chưa vào cuộc, thờ ơ với công tác tuyên truyền về số hóa dẫn đến việc người dân chưa biết để mua đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2, nên thực tế dù đã có hàng chục kênh truyền hình số được phủ sóng nhưng người dân không biết để thu xem.

Ông Đoàn Quang Hoan cho rằng, hiện giờ các địa phương không phải tuyên truyền về lợi ích của số hóa truyền hình nữa, mà quan trọng là phải tuyên truyền để người dân biết đến thời điểm nào thì các chương trình đang xem này không xem được nữa. Và người dân muốn xem được truyền hình thì phải mua đầu thu số để thu sóng truyền hình

“Nếu không làm tốt khâu tuyên truyền sẽ xảy ra tình trạng giống Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam, người dân sẽ không tìm được đầu thu để mua khi ngắt sóng truyền hình analog và phải chấp nhận mua với giá cao hơn bình thường, thậm chí giá đắt cũng không có mà mua”, ông Hoan cảnh báo.

Mới đây, Cục Tần số Vô tuyến điện đề xuất, Bộ TT&TT cần có văn bản yêu cầu các tỉnh chịu ảnh hưởng khi 4 thành phố tắt sóng truyền hình analog phải đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về số hóa truyền hình mặt đất để người dân biết về kế hoạch tắt sóng các kênh truyền hình tương tự trên địa bàn.

Đồng thời, phải cung cấp thông tin hướng dẫn người dân tự trang bị thiết bị thu truyền hình số mặt đất, cách thức lắp đặt, điều chỉnh thiết bị thu xem truyền hình số. Đồng thời, các tỉnh phải tổng hợp số liệu và phối hợp cơ quan chức năng thực hiện hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số cho hộ nghèo, cận nghèo.

Theo ITC News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ