Chấm thi trắc nghiệm nhanh, gọn hơn với ứng dụng ZipGrade

GD&TĐ - Nhận thấy việc chấm thi trắc nghiệm bằng phương pháp thủ công mất khá nhiều thời gian, công sức, đồng thời độ chính xác không cao. 

Thầy Nguyễn Văn Thỏa cùng đồng nghiệp chấm thi bằng smartphone
Thầy Nguyễn Văn Thỏa cùng đồng nghiệp chấm thi bằng smartphone

Thầy Nguyễn Văn Thỏa, giáo viên dạy Toán (Trường THPT Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) đã mày mò nghiên cứu, thực hiện thành công bộ công cụ chấm thi trắc nghiệm bằng smartphone.

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo ở Hà Tĩnh, thấu hiểu những khó khăn và thiếu thốn của thầy và trò nơi đây. Với sức trẻ, muốn cống hiến cho quê hương, năm 2000, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh, thầy Thỏa nhận công tác tại Trường THPT Hà Huy Tập (Cẩm Xuyên).

Sau một thời gian, anh chuyển vào Kỳ Anh công tác 5 năm. Hiện nay, sau gần 12 năm anh đã gắn bó với mái trường THPT Cẩm Bình.

Bên cạnh những khó khăn về trang thiết bị, thì việc đổi mới phương pháp dạy và học cũng là một trong những vấn đề luôn được các giáo viên đặt lên hàng đầu. Hiên nay, hầu hết các môn học với kiến thức tổng hợp, đều chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm.

Từ chính thực tiễn đó, cần có sự đổi mới, là nguyên nhân khiến anh tìm tòi các ứng dụng. Anh chia sẻ: “Việc chấm bài và đánh dấu các đáp án đúng ở những câu học sinh làm sai để sửa lại, mất rất nhiều thời gian, công sức… nhất là các dịp thi học kì, cuối cấp. Từ đó, tôi nghĩ đến việc phải có một ứng dụng hỗ trợ cho việc chấm thi trắc nghiệm với độ chính xác cao”.

“Để thực hiện dự định của mình, tôi tìm kiếm, cập nhật thông tin trên Internet, thông qua một số trang mạng nước ngoài và phát hiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm trên máy tính”.

Một buổi học của lớp 10A Trường THPT Cẩm Bình
Một buổi học của lớp 10A Trường THPT Cẩm Bình

Tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm từ các nguồn khác nhau và biết được trên điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android có ứng dụng ZipGrade, phục vụ việc chấm bài thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, ứng dụng này chủ yếu chấm bài thi tiếng Anh, lại có 5 đáp án, còn đề thi dành cho các em học sinh ở Việt Nam chỉ có 4 đáp án.

Vì vốn kiến thức tiếng Anh hạn chế, nên khi nghiên cứu phần mềm gặp rất nhiều khó khăn. Có những hôm gần như thức “trắng đêm”, nhưng sau gần 1 tháng nỗ lực, anh gần như “thở phào” nhẹ nhõm vì đã lập trình thành công phần mềm chấm thi trắc nghiệm 4 đáp án, đặc biệt là phiên bản bằng tiếng Việt.

“Trước đó, cũng có một số giáo viên ở các tỉnh khác có sử dụng ứng dụng này. Tuy nhiên, phần giá đỡ được làm bằng thùng giấy A4 rất cồng kềnh, khó di chuyển”, thầy Thỏa cho biết thêm.

Thay bằng dùng thùng giấy A4, anh đã sử dụng chiếc gậy chụp ảnh để làm giá đỡ cho điện thoại. Tiếp theo, khởi động phần mềm và đưa bài thi vào phía dưới camera của điện thoại. Cuối cùng ấn nút “bắt đầu” trên phần mềm, và chờ khoảng 2 giây thì cho ra kết quả.

Sau khi cho ra kết quả, hình ảnh các bài thi đã chấm được lưu lại trên phần mềm, và được trình chiếu cho học sinh xem. Nếu sai sót thì sẽ sửa chữa ngay để đảm bảo tính khách quan, trung thực.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Văn Quang - Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Bình chia sẻ: “Sau quá trình thử nghiệm, độ chính xác gần như tuyệt đối. Trừ những đáp án các em khoanh mờ thì không thể nhận diện.

Vừa qua, Trường THPT Cẩm Bình đã sử dụng phương pháp này chấm thi cho gần 1.600 em, đối với tất cả các môn trắc nghiệm. Hiện tại, ở Hà Tĩnh chưa có trường nào áp dụng phương pháp này. Nên tôi mong thời gian tới ứng dụng sẽ được phổ biến rộng rãi hơn góp phần rút ngắn thời gian, công sức cho giáo viên và học sinh”.

Được biết, thầy Nguyễn Văn Thỏa là một giáo viên giỏi mấy năm liền, giáo viên giỏi cấp tỉnh, giáo viên thi đua xuất sắc cấp cơ sở. Ngoài ra, thầy còn có một số công trình nghiên cứu khoa học, lĩnh vực chuyên môn, sáng kiến kinh nghiệm bậc 3 và bậc 4 qua nhiều năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ