Hành trình khó tin
Tốt nghiệp năm 2002, cô tình nguyện lên Sơn Giang, Sông Hinh công tác. Ít ai biết rằng với thành tích tốt nghiệp loại khá, Nhàn hoàn toàn có khả năng tìm được một chỗ dạy ở miền xuôi. Vậy nhưng, thay vì chọn một nơi “dễ thở” hơn, Nhàn lại lén mẹ đi nộp hồ sơ xin lên… miền núi! Hỏi, Nhàn bảo: Mình thích làm cô giáo vùng cao…
Được bổ nhiệm về dạy Văn Trường THCS Sơn Giang (hiện là Trường THCS&THPT Võ Văn Kiệt, Sông Hinh, Phú Yên). Trường nghèo, xa quê; hiện thực không đơn giản như trong hình dung ban đầu của cô sinh viên sư phạm. Nhiều lúc muốn xin chuyển công tác; nhưng rồi những cô cậu học trò giàu tình cảm đã níu chân cô giáo Bích Nhàn.
Mới về, ban đêm trường tham gia dạy phổ cập, Nguyễn Thị Bích Nhàn là cô giáo đầu tiên “có gan” đi dạy đêm ở Suối Biểu – thôn có đến 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, xa nhất Sơn Giang! Học sinh người dân tộc lớn xác nhưng lễ phép, hiền lành. Thương cô giáo lắm. Đêm nào đi học các em cũng đem đến cho cô – khi thì trái bắp, trái đu đủ, lúc bó rau, gói lạc…. Chỉ vậy thôi mà khiến cô giáo trẻ nhiều khi cảm động đến nghẹn lời…
Dạy Văn, cô Nhàn ý thức được tầm quan trọng của môn học này trong việc giáo dục nhân cách, thẩm mĩ cũng như kĩ năng nghe, đọc, viết cho học sinh. Đối mặt cùng thực trạng học sinh chán Văn, chán Sử, cô giáo trẻ nghĩ: Chỉ có giải pháp “thấm ướt”, “làm mềm” kiến thức mới mong cải thiện được tình thế! Vậy là, bằng kĩ năng sư phạm cộng với nhiệt tình và óc sáng tạo, cô Nhàn đã có cách thiết kế bài giảng riêng, chú trọng đến việc tạo hứng thú học tập, kích thích sự tự giác, chủ động sáng tạo cho học sinh.
Năm 2005, Nguyễn Thị Bích Nhàn đã vinh dự đạt “Tiết dạy tốt” trong đợt Hội thi giáo viên dạy giỏi chuyên đề thay sách giáo khoa 8 do Sở GD&ĐT Phú Yên tổ chức! Kết quả ấy khiến cô Nhàn được Ban giám hiệu tín nhiệm chuyên môn, phân làm Tổ trưởng tổ xã hội, thành viên Tổ chuyên viên Văn thuộc Phòng Giáo dục huyện Sông Hinh.
Lấy chồng, sinh con. Rồi tai nạn giao thông. Rồi hôn nhân đổ vỡ. Những bất hạnh đời tư đã không ngừng đổ xuống đầu cô giáo trẻ, để lại những tổn thương nghiêm trọng cả thể chất lẫn tinh thần tưởng như không thể nào vượt qua.
Vậy nhưng, khi đang đứng chênh vênh bên bờ vực thẳm, hình ảnh đứa con nhỏ dại đang cần mẹ, nội dung những tin nhắn của vô số học trò gần xa gửi về mong cô hết bệnh đến trường cùng sự động viên, nâng đỡ tinh thần của bạn bè, đồng nghiệp, viết văn là để giáo dục.
Trở về từ cõi chết, vượt qua nỗi đau thương tật, cô giáo Bích Nhàn bắt đầu cầm bút. Nhanh chóng được báo chí, truyền thông tiếp nhận, đăng tải từ Trung ương tới địa phương. Vậy nhưng, cô chưa bao giờ tự nhận mình là nhà văn.
Được hỏi vì sao viết văn, cô giáo trẻ trả lời giản đơn: Tôi viết văn, thứ nhất, để minh chứng với cộng đồng tôi đã thực sự đứng dậy được sau tai nạn; thứ hai, để giải tỏa, sẻ chia những nỗi niềm….
Vẻ như tâm huyết của một nhà giáo “nặng nợ” với nghề đã thấm sâu vào máu thịt và giờ biến thành văn. Liên tiếp những giải thưởng cho các cuộc thi viết về các đề tài liên quan đến giáo dục (giải ba cuộc thi viết Xây dựng trường học thân thiện và những tình huống ứng xử do báo Giáo dục & Thời đại tổ chức năm học 2012 - 2013; giải Nhì cuộc thi Nét bút tri ân lần 3 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức năm 2012.
Giải Nhì cuộc thi viết Internet đã thay đổi cuộc sống của bạn như thế nào do Công ty FPT Telecom và Hiệp hội Internet Việt Nam trao năm 2012. Giải D cuộc thi Viết thư gửi lại mai sau do báo Người cao tuổi phát động năm 2012. Hai lần giải 3 cuộc thi viết Nói lời tri ân do Diễn đàn Phật học Vườn Tâm phát động các năm 2013, 2014… của tác giả Nguyễn Thị Bích Nhàn chắc chắn không phải là điều ngẫu nhiên; bởi ngoài tài năng văn chương, nó còn phản ánh “cái Tâm” của một người cầm bút xuất thân từ ngành Giáo dục. Mà Tâm mới chính là phần quyết định!
Và thương học trò nghèo...
Dạy giỏi, tâm huyết với nghề; đó là những điều mà đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh nhìn nhận về cô giáo Bích Nhàn. Lên lớp, ngoài chuyện nắm trình độ, cô Nhàn còn biết rõ về hoàn cảnh, gia thế của nhiều học sinh; đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn. Quan tâm, và sau đó nỗ lực giúp đỡ.
Với lợi thế của một người vừa dạy học vừa cầm bút, cô Nhàn đã lặn lội điều tra thông tin, viết bài phản ánh lên báo chí, truyền thông để kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng. Bài viết "Cậu học trò nhỏ và tấm gương nghị lực lớn" và bài viết "Sao không là em" viết về em Trần Ngọc Trọng, học sinh lớp 9A Trường THCS&THPT Võ Văn Kiệt năm học 2013-2014- một học sinh nghèo, bị suy thận nhưng vẫn nỗ lực học giỏi - của tác giả Nguyễn Thị Bích Nhàn in lên báo Tuổi trẻ đã mang về cho Trọng và gia đình em suất học bổng “Bạn tôi, người vượt khó” cùng món quà 25 triệu đồng từ các nhà hảo tâm.
Chưa hết, ảnh hưởng tích cực của các bài báo còn mang đến cho Trọng một liệu trình thuốc chữa suy thận gia truyền mà kết quả đã giúp em gần như lành bệnh! Sau Trần Ngọc Trọng lại đến em Nguyễn Thị Thanh Trúc, học sinh lớp 10A - cũng là một học sinh nghèo, mồ côi, vượt khó học giỏi.
Nhờ nỗ lực của cô giáo Bích Nhàn mà gia đình Trúc đã nhận được học bổng “Thắp sáng ước mơ” (trị giá hơn 10 triệu đồng) do VTV Phú Yên trao tặng cùng tiền, quà từ các nhà hảo tâm - với tổng trị giá lên tới gần 50 triệu! Mới đây là trường hợp của em Hờ Nga lớp 7B, nhà nghèo bị rắn cắn chết, gia đình cũng đã nhận được khoản ủng hộ, sẻ chia từ các nhà hảo tâm tới 25 triệu. Không riêng đối tượng học sinh, bài viết Ai đưa em đến trường? in trên báo Tuổi trẻ của cô giáo Bích Nhàn - viết về em gái khuyết tật, mù chữ Nguyễn Thị Bé sống cùng người mẹ câm điếc - cũng đã mang về cho em suất quà hơn 4 triệu…
Kết quả những nỗ lực không ngừng nghỉ vì học sinh của cô giáo Nhàn mới đây lại lần nữa được ghi nhận khi cô được Sở GD&ĐT Phú Yên tuyên dương: “Giáo viên có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện cuộc vận động: Mỗi cán bộ, giáo viên nhận đỡ đầu một học sinh khó khăn, có nguy cơ bỏ học”. Món quà vật chất tuy nhỏ nhưng giá trị tinh thần lại rất lớn; nó đánh dấu sự ghi nhận và biết ơn của cộng đồng ngành đối với những nỗ lực đầy tính nhân văn của một người thầy…