Chấm thi môn Ngữ văn, khó nhất trong các môn thi tốt nghiệp

GD&TĐ - Ngữ văn là môn tự luận duy nhất trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Chấm bài thi như thế nào vừa có thể bảo đảm tính khách quan, vừa đánh giá đúng chất lượng của học sinh là điều không dễ thực hiện với thầy, cô giáo được giao trọng trách này.

Khâu chấm thi và công tác vào điểm được các địa phương triển khai đồng bộ và nghiêm túc tuyệt đối. Ảnh minh họa
Khâu chấm thi và công tác vào điểm được các địa phương triển khai đồng bộ và nghiêm túc tuyệt đối. Ảnh minh họa

Cần cái đầu lạnh và trái tim ấm

Văn chương vốn đa nghĩa. Đáp án mà Bộ GD&ĐT đưa ra là một phương án, thực tế bài làm của học sinh luôn có nhiều cách thể hiện khác nhau. Vì vậy, việc chấm bài thi môn Ngữ văn rất cần giáo viên có tâm và có tinh thần trách nhiệm cao. Cô Nguyễn Thị Hương - giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ) - cho biết: Trước khi chấm, sở GD&ĐT sẽ tổ chức một buổi để toàn hội đồng chấm thi được nghe quy chế, thảo luận, thống nhất đáp án.

Đây là bước đầu tiên vô cùng quan trọng. Do đó, mỗi giáo viên cần quán triệt thật tốt, vì khi nắm vững quy chế, thầy cô mới có thể bảo đảm sự công bằng, khách quan. Bên cạnh đó, trong quá trình thảo luận, chấm chung một số bài sẽ thấy những cách trình bày khác nhau của học sinh. Nên việc nghe kỹ, hiểu rõ và nắm vững phần thảo luận, thống nhất đáp án sẽ giúp giám khảo chấm đều tay giữa bài làm của các học sinh khác nhau.

Điều thứ hai được cô Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh là người chấm phải tuân thủ biên bản thống nhất đáp án sau khi đã thảo luận, chấm chung. Như thế mới có thể đảm bảo chấm đồng bộ, đều tay tránh độ lệch lớn giữa các giám khảo và chấm đúng với thực tế bài làm của thí sinh. Thứ ba là đánh giá bài làm của học sinh trên cơ sở ghi nhận những suy nghĩ có thể còn non nớt của lứa tuổi các em.

“Chúng ta không nên cảm nhận bài làm ấy bằng cảm xúc của một người từng trải, và cũng không nên quá dễ dãi với những cảm xúc lan man của học trò. Bám sát đáp án nhưng không máy móc mà cần ghi nhận những ý thể hiện khả năng sáng tạo, biết vận dụng kiến thức đã học vào bài làm của trò. Cần đánh giá cao bài làm mà học sinh có những lập luận, lý giải vấn đề thể hiện lập trường, quan điểm rõ ràng dù dữ liệu có thể không nằm trong đáp án đã cho” - cô Nguyễn Thị Hương chia sẻ kinh nghiệm.

Để viết được một đoạn văn, bài văn nghị luận tốt đòi hỏi người viết phải có kỹ năng diễn đạt và khả năng cảm thụ vấn đề sâu sắc. Khả năng này không phải học sinh nào cũng giống nhau, nhưng tất cả đã nỗ lực hết mình trong quá trình học tập. Vì vậy, điều lưu ý thứ tư được cô Nguyễn Thị Hương chia sẻ từ kinh nghiệm của mình là giáo viên cần phải đọc kỹ, đọc sâu, phát hiện ý để cho điểm trong trường hợp thí sinh diễn đạt còn tối nghĩa, mơ hồ, lan man. Cùng với đó, khi chấm phải luôn đặt mình vào vị trí của học sinh để có thể hiểu được cách diễn đạt; cảm nhận được những gì các em muốn thể hiện trong bài làm chứ không máy móc dựa vào từng câu, chữ trong đáp án.

“Cuối cùng, khách quan, công bằng, trách nhiệm cao là điều không thể thiếu đối với một giám khảo khi chấm thi. Đặc biệt là môn học đặc thù như Ngữ văn. Nếu làm được những điều này chúng ta có thể đáp ứng được yêu cầu của đáp án, đồng thời thể hiện được sự trân trọng đối với thành quả học tập của các em. Chấm bài thi môn Ngữ văn có thể ví như công cuộc “đãi cát tìm vàng”. Vì vậy, người chấm phải có “cái đầu lạnh” và “trái tim ấm” để đãi được “những hạt cát vàng”” - cô Nguyễn Thị Hương bày tỏ.

Công tác chấm thi được triển khai khẩn trương, nghiêm túc trên cả nước. Ảnh minh họa

Công tác chấm thi được triển khai khẩn trương, nghiêm túc trên cả nước. Ảnh minh họa

Bám sát đáp án, nhưng cần sự linh hoạt phù hợp

Kinh nghiệm từ thực tế chấm thi Ngữ văn, Kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô Nguyễn Thị Nhuận, giáo viên Trường THPT Minh Châu (Yên Mỹ, Hưng Yên), nhấn mạnh điều đầu tiên là cán bộ chấm thi phải nắm vững đáp án, hướng dẫn chấm. Với phần Đọc hiểu, có nhiều học sinh không làm liên tục mà đôi khi cách nhau; do đó người chấm cần lưu ý không bỏ sót câu, ý của học sinh. Cố gắng hiểu cách diễn đạt của trò xem có trả lời đúng ý mà đề yêu cầu không. Với phần Nghị luận văn học, lưu ý sự sáng tạo của học sinh, bám sát đáp án nhưng cũng linh hoạt, phù hợp không gây thiệt thòi cho các em.

Còn với cô Nguyễn Thị Thu Hà, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Văn - Ngoại ngữ của Trường THPT Tử Đà (Phù Ninh, Phú Thọ), trước hết, giáo viên chấm phải có đủ năng lực để thẩm định, đánh giá bài làm của học sinh. Thầy cô chấm bài bằng cả tấm lòng và đạo đức nghề nghiệp, trân trọng bài làm của các em để đọc kỹ từng câu, từng chữ. Cán bộ chấm đồng thời vận dụng chính xác hướng dẫn để bảo đảm sự công bằng trong đánh giá kiến thức, kỹ năng và cho điểm từng phần, từng ý. Tuy nhiên, cũng không nên vận dụng máy móc.

Nhận định về hướng dẫn chấm của Bộ GD&ĐT, theo cô Nguyễn Thị Thu Hà, đáp án cơ bản rõ ràng, phân phối điểm hợp lý, thể hiện rõ tính chất phân hóa học sinh; tuy vậy cũng không cứng nhắc mà vẫn dành chỗ cho việc đánh giá, cho điểm sự sáng tạo và quan điểm cá nhân của học sinh.

Từng nhiều năm làm công tác chấm thi, cô Nguyễn Thị Mỹ Dung, nguyên giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Hai (Càng Long, Trà Vinh), cũng có ý kiến tương tự khi cho rằng, điều quan trọng là cán bộ chấm thi cần bám sát hướng dẫn chấm, đọc kỹ bài làm thí sinh, không bỏ sót, “nâng niu” từng ý các em thể hiện được.

“Tôi đã nghiên cứu hướng dẫn chấm Bộ GD&ĐT công bố và thấy đáp án đưa ra rất cụ thể, rõ ràng, thuận lợi cho cán bộ chấm thi đánh giá đúng được trình độ của học sinh qua bài làm; đồng thời bảo đảm được tính “mở” khi chấm thi, ghi nhận sự sáng tạo của học sinh (nếu có) trong bài” - cô Nguyễn Thị Mỹ Dung cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ