Để có cách chấm mở với đề thi mở môn Ngữ văn tốt nghiệp

GD&TĐ - Đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2014 đã đánh dấu một bước tiến đáng kể trong công tác kiểm tra đánh giá.

Để có cách chấm mở với đề thi mở môn Ngữ văn tốt nghiệp

Thách thức với người chấm 

Đây là dạng đề thi có độ mở lớn, thể hiện bước đầu định hướng đổi mới của Bộ GD&ĐT về mục tiêu căn bản của môn Ngữ văn: Từ ưu tiên cung cấp cho học sinh kiến thức sang tập trung giúp học sinh phát triển năng lực, đặc biệt là năng lực ngữ văn (năng lực giao tiếp và cảm thụ văn học).

Nhờ đó, học sinh không phải nhắc lại những kiến thức đã học trong các kì thi mà có cơ hội thể hiện năng lực trong nhiều bối cảnh đa dạng, kể cả trong các kì thi.

Chúng ta có cơ sở để hi vọng với dạng đề thi này, công tác kiểm tra đánh giá sẽ tác động tích cực trở lại đối với việc dạy học Ngữ văn trong nhà trường phổ thông.

Tuy nhiên, đề thi mở đặt ra nhiều thách thức cho người xây dựng hướng dẫn chấm thi và các giám khảo, vì hai lẽ.

Thứ nhất: Bản thân dạng đề thi mở không có một đáp án duy nhất và đặt ra yêu cầu đánh giá năng lực của thí sinh trên nhiều phương diện, chứ không chỉ giới hạn chủ yếu ở đánh giá kiến thức văn học mà các em đã học trong chương trình và có xu hướng trình bày lại theo trí nhớ như trong các dạng đề thi đóng lâu nay. Ai cũng phải thừa nhận là đánh giá năng lực của thí sinh bao giờ cũng khó hơn là kiểm tra trí nhớ của họ.

Thứ hai: Ở Việt Nam, những người ra đề thi, làm đáp án và giám khảo quen thuộc với dạng đề đóng, tạm gọi là “truyền thống”, nhưng chưa thật sự có nhiều kinh nghiệm với các dạng đề thi mở và cách chấm mở.

Vì vậy, nếu có những lúng túng và bất đồng ban đầu giữa các giám khảo trong quá trình chấm thi cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, những khó khăn bước đầu này không làm giảm đi sự ủng hộ của các thầy cô đối với quyết tâm đổi mới của Bộ GD&ĐT.

Tránh đếm ý cho điểm

Điểm đổi mới nổi bật nhất là hướng dẫn chấm thi phần Làm văn, nói chính xác hơn là cách cho điểm đối với phần này thể hiện rõ nét quan niệm về cách chấm mở, thống nhất với tên gọi văn bản “hướng dẫn chấm thi”, chứ không phải là “đáp án” như trước đây.

Theo hướng dẫn này, giám khảo đánh giá dựa vào mức độ đáp ứng yêu cầu của bài viết không chỉ về nội dung (phân tích khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba và trình bày suy nghĩ của thí sinh) mà còn về bố cục, lập luận, diễn đạt, tính sáng tạo và cảm xúc.

Tùy vào đó mà bài viết có thể đạt điểm 6 - 7, 4 - 5, 2 - 3, 1 hay điểm 0. Cách cho điểm này đòi hỏi giám khảo phải đánh giá bài viết của thí sinh một cách toàn diện, dựa trên nhiều tiêu chuẩn, khắc phục được nhược điểm căn bản của các đáp án truyền thống: Chia điểm cho từng ý nhỏ, có ý chi tiết đến 0,25 điểm; chỉ có điểm cho phần kiến thức và nội dung; những lưu ý về bố cục, lập luận, diễn đạt, tính sáng tạo đều chỉ có tính chất chiếu lệ.

Mặc dù trong phần hướng dẫn chung của các đáp án những năm gần đây đều có lưu ý “tránh cách đếm ý cho điểm”, nhưng dường như đây là lần đầu tiên có hướng dẫn cách cho điểm như vậy. Đổi mới này rất đáng ghi nhận.

Điều quan trọng nữa là những chỉ dấu này sẽ có tác động tích cực ngược trở lại đối với việc dạy học, giúp cho giáo viên và học sinh có định hướng dạy học và ôn thi theo định hướng phát triển năng lực, vì các em biết được rõ một bài thi xuất sắc phải đáp ứng những tiêu chuẩn nào.

Theo các thang đo để đánh giá một bài luận trong các kì khảo sát năng lực học thuật của học sinh THPT tại Mỹ (SAT), một bài văn đạt điểm tối đa hay gần tối đa, tương đương với mức mà Hướng dẫn chấm thi gọi là “thuyết phục và sâu sắc” phải là bài văn cho thấy người viết có khả năng trình bày các ý tưởng một cách rõ ràng, nhất quán, hiệu quả và sâu sắc.

Đồng thời, thể hiện năng lực tư duy tốt, sử dụng các ví dụ, bằng chứng, lí lẽ hợp lí để hỗ trợ cho quan điểm của người viết; có bố cục chặt chẽ, tập trung vào vấn đề cần bàn; các ý tưởng được phát triển một cách mạch lạc, trôi chảy; thể hiện kĩ năng sử dụng ngôn ngữ thành thạo, sử dụng từ ngữ chính xác, đa dạng; cấu trúc câu phong phú; gần như không có lỗi ngữ pháp, dấu câu, chính tả.

Trong khi đó, một bài văn đạt điểm trung bình cho thấy học sinh có kĩ năng trình bày các ý tưởng, nhưng chưa thật hoàn thiện; bài văn còn mắc một hay vài nhược điểm trong số những nhược điểm sau:

Năng lực tư duy ở mức tương đối, nhưng các ý tưởng trình bày chưa thật nhất quán, các ví dụ, bằng chứng, lí lẽ chưa đầy đủ để hỗ trợ cho quan điểm của người viết; còn nhiều điểm hạn chế về bố cục, chưa thật sự tập trung vào vấn đề, thiếu mạch lạc trong việc phát triển các ý tưởng; sử dụng ngôn ngữ chưa thành thạo, vốn từ còn hạn chế, thỉnh thoảng dùng từ chưa thật phù hợp, cấu trúc câu chưa đa dạng; mắc một số lỗi về ngữ pháp, dấu câu và chính tả.

Có thể thấy, ngay cả những diễn giải vừa nêu cũng chỉ có tính chất định tính, không đo đếm chính xác được và đôi khi không thể tránh khỏi tính chất luẩn quẩn, theo kiểu “bài viết thuyết phục là bài viết sâu sắc”, và “bài viết sâu sắc phải là bài viết có tính thuyết phục”.

Tuy vậy, việc miêu tả chi tiết các chỉ dấu theo cách đó cho ta có cơ sở để đánh giá bài viết của học sinh được khách quan và chính xác hơn.

Có thể có những hướng dẫn cụ thể hơn bằng cách quy định trọng số điểm cho các phần kiến thức, ý tưởng (ví dụ 50%), so với phần năng lực tư duy, lập luận (ví dụ 20%) và cách thể hiện kiến thức và ý tưởng của người viết (ví dụ 30%).

Đổi mới đánh giá theo hướng dùng đề thi mở với cách chấm mở là con đường tất yếu để đánh giá đúng năng lực ngữ văn của học sinh, giúp tác động tích cực trở lại việc dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông. Nhưng để có cách chấm thực sự mở, cần phải có nhiều nghiên cứu và thảo luận hơn nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.