Chăm sóc trẻ đúng cách

GD&TĐ - Trẻ bị thuỷ đậu nên dùng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng như khăn mặt, cốc, chén, bát, đũa.

Cha mẹ nên cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C.
Cha mẹ nên cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C.

Trong trường hợp trẻ sốt cao, cha mẹ có thể cho con dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường theo hướng dẫn. Trẻ cũng có thể dùng kháng sinh trong trường hợp nốt phỏng nước bị nhiễm trùng, có mủ, vùng da xung quanh tấy đỏ.

Cách ly đúng quy định

Bác sĩ Nguyễn Hải Hà - Trưởng Đơn nguyên vắc-xin, Khoa Ngoại trú Nhi - Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, cho biết: “Vì là bệnh có thể lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với dịch nốt phỏng nên khi trẻ bị thủy đậu, việc đầu tiên là gia đình nên cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn. Trẻ cần nằm trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời. Thời gian cách ly là khoảng 7 - 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh (phát ban) cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn”.

Theo bác sĩ Hà, cần giữ bàn tay trẻ thật sạch. Đối với trẻ nhỏ, nên cắt móng tay, giữ móng tay sạch hoặc có thể dùng bao tay vải để bọc tay. Qua đó, tránh biến chứng nhiễm trùng da thứ phát do trẻ gãi, gây trầy xước các nốt phỏng nước. Trẻ cần mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng, vải mềm, thấm hút mồ hôi. Đặc biệt, cha mẹ cần chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng.

Ngoài ra, trẻ nên dùng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng như khăn mặt, cốc, chén, bát, đũa. Trong trường hợp trẻ sốt cao, cha mẹ có thể cho con dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường theo hướng dẫn, ví dụ paracetamol liều 10 - 15 mg/kg/lần, 4 - 6 giờ/lần nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên. Trẻ cũng có thể dùng kháng sinh trong trường hợp nốt phỏng nước bị nhiễm trùng, có mủ, vùng da xung quanh tấy đỏ.

Nếu trẻ cảm thấy khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt phỏng nước, cha mẹ nên đưa bé đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị. Bác sĩ Hà cho biết, sau mắc thủy đậu, sức đề kháng của trẻ thường giảm. Do đó, cha mẹ cần chăm sóc tốt cho con về dinh dưỡng, vệ sinh mũi họng để tránh mắc bệnh.

Theo các chuyên gia, để điều trị bệnh thủy đậu bằng thuốc, cần phải có sự chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc bôi chống bội nhiễm của bệnh thủy đậu có thể kể đến như: Mỡ kháng sinh (trong đó có mỡ Bactroban, Fucidin), thuốc bôi chống virus acyclovir.

Bên cạnh thuốc bôi ngoài da, còn có thuốc uống Acyclovir giúp làm giảm mức độ nặng của bệnh và các ca nhiễm thứ phát. Để điều trị triệu chứng ngứa, các bác sĩ có thể cho người bệnh uống kháng Histamin tổng hợp, kháng sinh chống bội nhiễm vi khuẩn Erythromycin, Cephalexin… Điều trị hạ nhiệt bằng paracetamol. Tuy nhiên, người bệnh cần tránh dùng aspirin vì loại thuốc này có thể gây ra hội chứng Reye.

Trong các trường hợp nặng, người bệnh cần chú ý cân bằng nước và chất điện giải, tuyệt đối tránh sử dụng Corticoid. Ngoài ra, để điều trị các nốt thủy đậu lan tràn ở các ca nặng, viêm phổi thủy đậu, viêm não thủy đậu và thủy đậu ở người thiếu hụt miễn dịch, các bác sĩ có thể dùng Acyclovir đường tĩnh mạch hoặc Vidarabine.

Sau một thời gian bị thủy đậu, các nốt thủy đậu sẽ vỡ ra, khô lại rồi đóng vảy. Chu kỳ này sẽ lặp đi lặp lại ở người bệnh trong khoảng thời gian 5 - 7 ngày thì ngừng hẳn, không xuất hiện thêm các nốt thủy đậu mới.

Dấu hiệu khỏi bệnh thủy đậu rõ ràng nhất là các mụn mủ se lại thành những nốt đen, khô đặc. Trong quá trình da hồi phục và tái tạo để hình thành da non, người bệnh thường sẽ có cảm giác ngứa. Người bị thủy đậu dần hồi phục sẽ không còn đau rát, phát sốt hay nóng lạnh thất thường.

Bệnh thủy đậu gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa

Bệnh thủy đậu gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa

Chế độ dinh dưỡng

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêm vắc-xin là cách phòng bệnh hiệu quả. Có khoảng 88 - 98% người đã tiêm phòng vắc-xin thủy đậu tránh được căn bệnh này.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM cho biết, việc chủng ngừa vắc-xin phòng bệnh thủy đậu trước hoặc sau mùa dịch đóng vai trò quan trọng, giúp mọi người có kháng thể thích nghi trong cơ thể. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng cho đợt dịch thủy đậu có thể xảy đến. Vì vậy, người dân cần tiêm phòng thủy đậu trước mùa dịch ít nhất 1 tháng. Đó cũng là cách bảo vệ những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhưng không thể tiêm chủng như: Trẻ sơ sinh không có miễn dịch, người suy giảm miễn dịch tránh bị phơi nhiễm. Tại Việt Nam, mùa bệnh thủy đậu thường xuất hiện vào tháng 2 - 6 hằng năm.

Bác sĩ chuyên khoa I Dương Ngọc Vân – Bệnh viện Đa khoa Medlatec lưu ý, trong quá trình trẻ mắc thuỷ đậu, phụ huynh nên cho con uống đủ nước. Lý do là vì cơ thể dễ bị mất nước do sốt cao. Trẻ bị nổi mụn nước trong miệng sẽ cảm thấy đau và không muốn ăn. Do đó, cha mẹ chỉ nên cho con ăn các món thanh đạm, dạng lỏng đã nấu nhừ như: Cháo, súp, canh... Những món ăn này giúp trẻ dễ nuốt và tiêu hóa.

“Không chỉ vậy, bố mẹ cũng nên bổ sung vào chế độ ăn uống của trẻ các thực phẩm giàu vitamin C như: Cam, bưởi, dưa hấu, kiwi… Những thực phẩm này sẽ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa nhiễm trùng. Đồng thời, tăng khả năng tái tạo da”, bác sĩ Vân chia sẻ.

Theo bác sĩ Vân, thủy đậu dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Do đó, trẻ nên kiêng và tránh các món ăn cay nóng gây viêm loét, đồ ăn nhanh dầu mỡ, trái cây có tính nóng như: Vải, mận, mít, xoài. Trẻ mắc thuỷ đậu cũng không nên ăn thịt dê, thịt gà, các loại hải sản gây dị ứng.

Trong khi đó, các sản phẩm chế biến từ bơ sữa như phô mai có thể làm tăng tiết dầu nhờn, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi phát triển. Vì vậy, đây cũng là thực phẩm trẻ cần tránh khi mắc thuỷ đậu.

Khi tắm cho trẻ mắc thủy đậu, cha mẹ cần tránh kỳ cọ quá mạnh, làm vỡ mụn nước gây nhiễm trùng. Đặc biệt, có thể kết hợp với các loại lá thảo dược lành tính, dễ kiếm trong vườn nhà như: Lá trầu, lá khế, lá mướp đắng, lá chè xanh…

Những loại lá này sẽ giúp trẻ nhanh chóng phục hồi và cải thiện vùng da tổn thương. Bác sĩ Vân cho biết, phụ huynh cần chuẩn bị một nắm lá, rửa sạch. Sau đó, bỏ vào nồi nước đun sôi khoảng 10 phút. Tiếp tục pha loãng với nước để tắm bình thường cho trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ