Chăm sóc tại nhà đúng cách

GD&TĐ - PGS.TS Lê Xuân Cung - Trưởng khoa Giác mạc - Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, bệnh viêm kết mạc cấp là tình trạng viêm cấp tính của kết mạc mắt.

Việc dùng nước mắt nhân tạo không kê đơn hoặc thuốc nhỏ nước muối có thể làm dịu triệu chứng đau mắt đỏ. Ảnh minh họa
Việc dùng nước mắt nhân tạo không kê đơn hoặc thuốc nhỏ nước muối có thể làm dịu triệu chứng đau mắt đỏ. Ảnh minh họa

Bên cạnh việc sử dụng thuốc theo chỉ định từ bác sĩ, người bệnh cũng có thể thực hiện một số biện pháp để giảm tình trạng đau mắt đỏ như: Chườm ấm, chườm lạnh…

Nhóm có nguy cơ biến chứng

PGS.TS Lê Xuân Cung - Trưởng khoa Giác mạc - Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, bệnh viêm kết mạc cấp là tình trạng viêm cấp tính của kết mạc mắt. Nguyên nhân thường gặp nhất là do Adenovirus, bệnh có thể lây lan thành dịch.

Hằng năm, ở những nơi đông dân cư (thành phố, đô thị) lại xuất hiện những đợt dịch viêm kết mạc cấp do Adenovirus, thường gọi là dịch đau mắt đỏ. Hiện nay, tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận đang có dịch viêm kết mạc cấp với khá nhiều người bị nhiễm. Do đó, người dân cần cẩn thận phòng tránh lây nhiễm.

Viêm kết mạc cấp nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ khỏi và không để lại di chứng gì. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, mặc dù được phát hiện và điều trị kịp thời, nhưng bệnh vẫn gây biến chứng viêm giác mạc.

Thậm chí, bệnh có thể gây viêm loét giác mạc (phần lòng đen của nhãn cầu). Đây là biến chứng nặng và thường xảy ra ở những trường hợp: Người có sức đề kháng yếu (người già, trẻ nhỏ), những người không tuân thủ tốt điều trị, những trường hợp Viêm kết mạc cấp nặng (mi sưng phù nhiều, có giả mạc).

“Viêm kết mạc cấp khi phản ứng viêm mạnh thì mi sẽ sưng nề nhiều và xuất tiết viêm trên bề mặt kết mạc tạo thành giả mạc (là một màng trắng bám vào kết mạc). Giả mạc sẽ làm phản ứng viêm nặng hơn và ngăn thuốc không thấm vào kết mạc được. Vì vậy, khi xuất hiện giả mạc thì cần phải bóc đi. Sau khi bóc giả mạc có thể tái phát lại. Do đó, cần phải bóc nhiều lần cho đến khi hết hẳn”, PGS.TS Lê Xuân Cung.

Hiện nay, chưa có thuốc kháng Adenovirus đặc hiệu. Vì vậy, ngoài việc bóc giả mạc, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh tra tại mắt để dự phòng bội nhiễm vi khuẩn và thuốc chống viêm tra tại mắt để giảm phản ứng viêm. Thông thường, không cần thuốc kháng sinh, chống viêm đường toàn thân (tiêm, uống).

Nói về biến chứng của bệnh, PGS.TS Lê Xuân Cung cho biết, viêm kết mạc cấp làm cho kết mạc bị tổn thương và dễ bị bội nhiễm các yếu tố vi sinh khác tại mắt cũng như từ môi trường bên ngoài, thường gặp nhất là bội nhiễm vi khuẩn. Với những người có sức đề kháng kém như người cao tuổi, trẻ nhỏ thì càng dễ bội nhiễm hơn và bệnh thường nặng, có thể gây viêm loét giác mạc.

Hơn nữa, trẻ em không có ý thức giữ gìn vệ sinh nên tay dễ bị nhiễm bẩn. Khi đưa tay lên dụi mắt, các vi sinh bám ở tay có thể nhiễm vào mắt gây bội nhiễm. Trong khi đó, với trẻ em, nhiều bé không hợp tác nên rất khó điều trị, khó tra nhỏ thuốc vào mắt. Thậm chí, trẻ có thể khóc và khiến nước mắt rửa trôi hết thuốc.

“Khi điều trị bệnh viêm kết mạc cấp cho trẻ nhỏ, đặc biệt là những trường hợp nặng thì vai trò của bố mẹ và người thân vô cùng quan trọng vì đứa trẻ không tự dùng thuốc được. Với trẻ nhỏ bị viêm kết mạc cấp đặc biệt là trường hợp bệnh nặng, người chăm sóc cần ngăn không cho trẻ dụi tay vào mắt”, chuyên gia khuyến cáo.

Ngoài ra, phụ huynh cần cố gắng tra thuốc vào mắt cho trẻ và dỗ bé không khóc để tránh rửa trôi thuốc ra ngoài. Phụ huynh cũng cần tuân thủ đúng những khuyến cáo của bác sĩ về điều trị. Đưa trẻ đến khám bác sĩ đúng theo hẹn hoặc ngay khi có diễn biến bất thường.

Viêm kết mạc cấp nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ khỏi và không để lại di chứng. Ảnh minh họa

Viêm kết mạc cấp nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ khỏi và không để lại di chứng. Ảnh minh họa

Thời gian khỏi bệnh thông thường

Nhiều trường hợp đau mắt đỏ thường được điều trị tại nhà. Bên cạnh việc sử dụng thuốc theo chỉ định từ bác sĩ, người bệnh cũng có thể thực hiện một số biện pháp để giảm tình trạng đau mắt đỏ.

Chia sẻ về vấn đề này, ThS.BS Phạm Huy Vũ Tùng - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, việc dùng nước mắt nhân tạo không kê đơn hoặc thuốc nhỏ nước muối có thể làm dịu triệu chứng đau mắt đỏ.

Trường hợp đau mắt đỏ do dị ứng, thuốc nhỏ kháng histamine có thể dùng điều trị tình trạng này. Song, người bệnh cần lưu ý, không để đầu ống nhỏ giọt chạm vào mắt. Đồng thời, cần rửa tay sạch sau khi nhỏ thuốc.

Bên cạnh đó, đắp một chiếc khăn ấm và ẩm lên mắt trong vài phút có thể cải thiện triệu chứng đau mắt đỏ. Cụ thể, người bệnh có thể ngâm khăn sạch vào nước ấm rồi vắt khô.

Đắp miếng vải ẩm lên mắt và để nguyên cho đến khi nguội. Lặp lại hành động này nhiều lần trong ngày và thường xuyên, nếu thấy triệu chứng cải thiện. Cần chú ý sử dụng khăn sạch để tránh lây nhiễm. Sử dụng khăn lau khác nhau cho mỗi mắt trong trường hợp bị đau mắt đỏ ở cả hai bên.

Trường hợp biện pháp chườm nóng không cải thiện triệu chứng đau mắt đỏ, người bệnh có thể áp dụng chườm lạnh và ngược lại. Hãy dùng khăn sạch ngâm nước lạnh đã vắt khô đắp lên mắt giúp làm dịu, giảm sưng. Người bệnh nên lặp lại cách làm này nhiều lần trong ngày. Chỉ nên áp dụng ở nhiệt độ vừa phải, tránh để khăn quá lạnh sẽ khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.

“Một số loại thuốc giảm đau không kê đơn có thể cải thiện tình trạng đau mắt đỏ nhưng không chữa khỏi bệnh. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như acetaminophen hoặc ibuprofen có thể giúp giảm viêm. Ngoài ra, thuốc dị ứng cũng có thể làm giảm các triệu chứng đau mắt đỏ”, bác sĩ Tùng cho biết.

Với trẻ bị đau mắt đỏ, phụ huynh chăm sóc con bằng cách chườm mát hoặc ấm lên mắt để làm dịu các triệu chứng. Làm sạch cẩn thận các vùng xung quanh mắt bằng nước ấm, gạc hoặc tăm bông.

Cách này cũng có thể loại bỏ lớp vảy khô khiến mí mắt dính vào nhau mỗi buổi sáng. Trường hợp trẻ đeo kính áp tròng, nên tạm ngưng cho đến khi chữa khỏi đau mắt đỏ. Sau đó, phụ huynh cần khử trùng tròng kính và hộp đựng ít nhất 2 lần trước khi cho con đeo lại.

Nếu trẻ đeo kính áp tròng dùng 1 lần, hãy vứt bỏ cặp kính hiện tại và sử dụng cặp mới sau khi hết bệnh. Khi trẻ bị đau mắt đỏ, phụ huynh cần cho con ở nhà nghỉ ngơi, cũng như giúp hạn chế lây bệnh cho những bạn khác.

Về thời gian khỏi đau mắt đỏ, theo bác sĩ Tùng, bao lâu còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị. Hầu hết các trường hợp đau mắt đỏ nhẹ đến trung bình đều tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh dễ lây nên cần điều trị sớm. Nếu đau mắt đỏ do vi khuẩn, tình trạng này sẽ cải thiện trong 1 tuần.

Người bệnh nên đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt ngay khi các triệu chứng xuất hiện. Đồng thời, tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ ngay cả khi các triệu chứng biến mất. Với đau mắt đỏ do virus, bệnh thường kéo dài từ 4 – 7 ngày, thậm chí đến 14 ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.