Chăm sóc sức khỏe và các nguy cơ cần cảnh giác sau tiêm phòng Covid-19

GD&TĐ - Vắc-xin phòng, chống bệnh Covid-19 không đem lại sự bảo vệ tuyệt đối cho dù đã tiêm đủ liều, đủ thời gian nhận được sự miễn dịch và thậm chí là tiêm nhắc lại.

Người được tiêm vắc-xin đủ liều vẫn có khả năng trở thành đối tượng mang trùng và lây lan sang người khác.
Người được tiêm vắc-xin đủ liều vẫn có khả năng trở thành đối tượng mang trùng và lây lan sang người khác.

Tuy nhiên, việc tiêm vắc-xin đủ liều đã được các nhà khoa học chứng minh là giảm thiểu rất nhiều nguy cơ mắc bệnh, nguy cơ chuyển nặng các biểu hiện của bệnh và tử vong. Đó là điều mà cả thế giới hiện đang hướng đến.

Chăm sóc sức khỏe sau tiêm phòng

Cho dù, chúng ta nhận được mũi tiêm phòng Covid-19 thứ mấy, thì tất cả đều có chung một mối quan tâm là điều gì có thể sẽ xảy ra sau khi nhận được mũi tiêm?

Biết cách theo dõi và xử trí tại nhà sẽ tạo ra được sự bình tĩnh, tin tưởng, vui vẻ và thoải mái. Chứ không là mối lo âu căng thẳng như một số người đã quá lo lắng sau khi nhận được mũi vắc-xin tiêm phòng.

Nói chung, khi tiêm thuốc hoặc khi tiêm vắc-xin là đưa một “chất lạ” vào cơ thể. Khi đó, cơ thể có thể “vui vẻ” chấp nhận hoặc phản ứng. Sự phản ứng này gọi là sự dị ứng. Phản ứng dị ứng xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau tùy theo cơ địa của mỗi người.

Biểu hiện của phản ứng từ chối việc đưa chất lạ vào cơ thể là một hoặc vài dấu hiệu thường gặp, nhẹ nhàng, qua nhanh hoặc kịch liệt, dữ dội và thậm chí chết người.

Để bảo đảm an toàn, sau khi nhận được mũi vắc-xin tiêm phòng Covid-19, người đi chủng ngừa sẽ được lưu ở khu vực theo dõi sau tiêm 15 - 30 phút. Khoảng thời gian này, tạm đủ để theo dõi và xử trí các phản ứng dị ứng xảy ra nhanh.

Tuy nhiên, ở một số người, phản ứng dị ứng xảy ra muộn hơn nên cần được theo dõi tiếp tục những ngày sau đó. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thời gian theo dõi là 28 ngày, nhất là tuần lễ đầu tiên.

Các phản ứng dị ứng hay tác dụng phụ do tiêm vắc-xin phòng Covid-19 thường gặp từ mức độ nhẹ đến trung bình. Bao gồm: Sưng đau tại chỗ tiêm và cánh tay được tiêm; Cơ thể cảm giác mệt mỏi, ớn lạnh, đau nhức cơ khớp; Sốt nhẹ, nhức đầu; Ngứa ngáy, nổi mề đay; Buồn nôn, nôn, đau quặn bụng và tiêu chảy.

Các biểu hiện nặng hơn, bao gồm: Cảm giác nặng ngực, mệt ngực, hồi hộp đánh trống ngực; Thở khó, khò khè và thở rít; Nhức đầu dữ dội kéo dài; Trạng thái li bì, “ngủ gà ngủ gật”; Ngất hoặc co giật và rơi vào tình trạng hôn mê…

Tốt nhất, người sau tiêm chủng không nên ở riêng một mình mà ở chung với gia đình, bạn bè, người thân, đồng nghiệp để tiện việc theo dõi và hỗ trợ nhau khi cần thiết. Liên lạc ngay với cơ sở y tế gần nhất khi có các biểu hiện nghi ngờ do vắc-xin gây ra để được hướng dẫn theo dõi hoặc cách xử trí cần thiết khác. Có số điện thoại gọi cấp cứu và biết cách gọi trong trường hợp khẩn cấp xảy ra.

Một số lưu ý về chăm sóc sau tiêm phòng Covid-19:

- Không thức quá khuya. Cần có một giấc ngủ bình an, thoải mái và đầy đủ.

- Ăn uống đúng bữa, chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng.

- Tránh cà phê, thuốc lá quá mức.

- Tốt nhất, không dùng thức uống có cồn trong những ngày đầu sau tiêm.

- Không dùng các loại thuốc uống với mục đích đề phòng các tác dụng phụ có thể xảy ra.

- Gọi điện tham vấn chuyên môn dùng thuốc theo đúng hướng dẫn trong các trường hợp cần thiết.

- Tại vị trí sưng đau (nếu có), không bôi đắp bất cứ loại thuốc hoặc cây lá “ngoại khoa” nào. Nếu cần, có thể dùng khăn nhúng nước ấm để chườm.

- Đến bệnh viện để khám ngay lập tức nếu có bất kỳ biểu hiện nào được nghi là nặng sau mũi tiêm phòng Covid-19.

Vắc-xin phòng Covid-19.

Vắc-xin phòng Covid-19.

Nguy cơ cần cảnh giác

Người đã được tiêm phòng Covid-19 cần tránh sự chủ quan trong công tác phòng bệnh, vì xung quanh là người thân trong gia đình và bên ngoài xã hội vẫn còn có những người chưa được may mắn tiêm, hoặc vì một lý do nào đó chưa nhận được các mũi tiêm phòng. Và vô tình, bản thân sẽ trở thành nguy cơ của mối đe dọa trong việc lây lan mầm bệnh.

Sau mũi tiêm phòng Covid-19 đầu tiên, không có nghĩa là người được tiêm đã được bảo vệ. Hệ thống miễn dịch của cơ thể cần có khoảng thời gian ít nhất là 2 tuần để “nhận diện” và khởi động cơ chế sản sinh ra chất miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh.

Chất được cơ thể sản xuất ra để chống lại tác nhân gây bệnh gọi là “kháng thể”. Tuy nhiên, lượng kháng thể có được sau mũi tiêm đầu tiên là chưa nhiều. Nên khả năng bảo vệ kém. Việc thực hiện mũi tiêm thứ hai sẽ kích hoạt cơ thể sản xuất ra nhiều kháng thể hơn.

Sau mũi tiêm thứ hai 14 ngày - tức là sau 2 tuần, lượng kháng thể có được trong cơ thể người chủng ngừa đạt mức như mong muốn và phát huy khả năng bảo vệ, chống lại tác nhân gây bệnh.

Lúc đó, mới được gọi là tiêm đủ liều và bảo đảm sự miễn dịch. Khả năng bảo vệ sau khi tiêm phòng đầy đủ, thường kéo dài khoảng 1 năm. Sau khoảng thời gian này, lượng kháng thể tụt giảm. Để được tiếp tục bảo vệ, cần có mũi tiêm nhắc lại, để cơ thể tái sản sinh và bù đắp lượng kháng thể đã “hao mòn” theo thời gian.

Một số trường hợp, người sau tiêm phòng Covid-19, mũi 1 và thậm chí mũi 2 vẫn có biểu hiện mắc bệnh Covid-19, bởi các lý do:

- Người tiêm vắc-xin đã bị nhiễm bệnh trước khi tiêm phòng.

- Hiệu lực bảo vệ của vắc-xin chưa bảo đảm phòng bệnh do chỉ mới tiêm mũi 1.

- Hiệu lực của vắc-xin chưa được phát huy đầy đủ dù đã tiêm mũi 2, nhưng chưa đủ thời gian để vắc-xin phát huy hiệu quả.

- Do biến chủng mới của virus vượt quá tầm kiểm soát của vắc-xin đã tiêm.

Chính vì những lý do trên đây, tất cả những người sau khi được chủng ngừa Covid-19 đều phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho chính mình và cho những người xung quanh. Cụ thể là việc thực hiện 5K theo như khuyến cáo hiện nay của Bộ Y tế (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung đông người, khai báo y tế).

Các nghiên cứu WHO đã chứng minh, tất cả những người được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ, phổ biến nhất hiện nay là sau 2 mũi tiêm (nhưng cũng có thể là 1 hay 3 tùy loại vắc-xin) và thời gian đủ để vắc-xin phát huy hiệu quả bảo vệ thì người đó sẽ “trơ ra” trước sự tấn công của tác nhân gây bệnh đã được chủng ngừa.

Nghĩa là họ sẽ không bị mắc bệnh đó nữa. Tuy nhiên, như đã nói, không có loại vắc-xin nào mang tính bảo vệ tuyệt đối, nghĩa là 100% người được chủng ngừa sẽ không mắc bệnh đó nữa.

Do đó, hạn hữu sẽ có những người sau tiêm chủng đủ liều và đủ thời gian hiệu lực vẫn mắc bệnh mà mình đã được chủng ngừa. Các thống kê báo cáo cho thấy, người đã được chủng ngừa khi mắc bệnh các biểu hiện sẽ diễn ra nhẹ nhàng hơn, nguy cơ chuyển nặng và nguy cơ tử vong cũng thấp hơn rất nhiều.

Các nghiên cứu của Mỹ mới công bố cho thấy, người đã tiêm chủng có nguy cơ nhiễm bệnh thấp hơn 8 lần cũng như nguy cơ có biểu hiện nặng phải nhập viện và tử vong thấp hơn gấp 25 lần so với những người không được tiêm chủng. Điều đó khẳng định, tiêm phòng Covid-19 là cách bảo vệ hữu hiệu nhất, tốt nhất và lâu dài nhất để loài người đối mặt với đại dịch và chung sống với nó.

Lưu ý rất quan trọng

Một người đã được tiêm vắc-xin phòng bệnh Covid-19 đủ liều và đủ hiệu quả thì virus SARS-CoV-2 sẽ “chào thua”. Nghĩa là họ đã được miễn nhiễm và không mắc với bệnh này.

Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra khả năng họ trở thành đối tượng mang trùng và lây lan sang người khác. Do đó, các biện pháp phòng tránh lây lan bệnh dịch vẫn phải được tiếp tục thực hiện một khi còn có ca bệnh đang lưu hành trong cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ