Các tế bào này tồn tại lâu dài trong hệ tuần hoàn, các hạch bạch huyết.
Không xét nghiệm kháng thể sai mục đích
Ngày 3/10, Bộ Y tế có văn bản về việc xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sau khi tiêm vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh. Văn bản cho biết, thời gian qua đã ghi nhận một số người dân và đơn vị xét nghiệm triển khai xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh để định lượng kháng thể.
Bộ Y tế cho biết, hiện, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa đưa ra khuyến cáo về ngưỡng đáp ứng bảo vệ đối với virus SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, xét nghiệm huyết thanh họ phát hiện kháng thể không sử dụng để xác định đang nhiễm virus. Đồng thời, không giúp xác định hiệu quả bảo vệ đối với bệnh Covid-19. Thay vào đó, xét nghiệm chủ yếu phục vụ trong nghiên cứu, đánh giá dịch tễ, điều trị.
Do đó, để sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn lực xét nghiệm trong phòng chống dịch, Bộ Y tế đề nghị thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo các đơn vị liên quan, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur hướng dẫn các Sở Y tế tiếp tục lựa chọn kết hợp phương pháp xét nghiệm phù hợp. Ưu tiên tập trung vào công tác phát hiện sớm ca mắc Covid-19 và triển khai phòng, chống dịch kịp thời.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan về việc không sử dụng xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sai mục đích, không cần thiết, gây tốn kém. Đồng thời, có thể gây tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác truyền thông cho người dân và đơn vị xét nghiệm về lợi ích và giá trị chẩn đoán của các phương pháp xét nghiệm.
Không thể hiện mức độ hiệu quả vắc-xin
Nhà khoa học Nguyễn Đức Thái, từng nhận bằng Tiến sĩ Đại học California San Francisco (Mỹ), nhà đồng sáng lập của chuỗi hội thảo thường niên TransMed-VN nhằm trao đổi kinh nghiệm y sinh giữa giới khoa học quốc tế và Việt Nam, chia sẻ: “Khi tiêm chủng, chúng ta được bảo vệ bởi 4 hệ thống phòng thủ rất mạnh và chặt chẽ: Kháng thể, tế bào trí nhớ B, 2 loại tế bào trí nhớ T CD4 và T CD8. Ngoài ra, còn hàng phòng thủ miễn dịch tự nhiên mà những khám phá gần đây cho thấy cũng có khả năng ghi nhớ”.
Nhà khoa học này cho biết, trong một số trường hợp, virus SARS-CoV-2 vượt hàng rào vắc-xin. Tuy nhiên, hầu hết bị các hệ thống phòng thủ này ngăn chặn và tiêu diệt. TS Thái lý giải, xét nghiệm kháng thể thường không đo nồng độ kháng thể trung hoà (NA). Do đó, ít có giá trị để biết hiệu lực của vắc-xin.
“Thực tế, các kháng thể luôn giảm với thời gian từ vài tuần đến vài tháng tuỳ loại và tuỳ cơ địa. Đây là tiến trình sinh học tự nhiên và cần thiết để giữ thăng bằng của hệ miễn dịch. Trường hợp các vắc-xin phòng Covid-19 đã có những báo cáo kháng thể tăng 1 - 3 hay 5 tháng và giảm dần sau đó”, chuyên gia dẫn chứng.
Theo TS Thái, về mặt khoa học, kháng thể có vai trò quan trọng trong hiệu suất của các vắc-xin. Song, khả năng bảo vệ lâu dài của vắc-xin không phải là kháng thể, mà là các tế bào có trí nhớ.
Các tế bào này tồn tại lâu dài trong hệ tuần hoàn, các hạch bạch huyết. Tế bào có trí nhớ tồn tại lâu hơn kháng thể. Các tế bào này thường cư trú trong hạch bạch cầu. Đồng thời, tiếp tục được huấn luyện tạo kháng thể chuyên biệt ở trung tâm đào tạo tế bào B, T.
“Đến nay, các tìm kiếm trực tiếp 6, 8 tháng và 1 năm cho thấy, tế bào trí nhớ đều hiện diện. Người ta cũng tìm thấy kháng nguyên virus ở trung tâm đào tạo và tin rằng, đó là lý do các tế bào B, T luôn được huấn luyện để nhận diện vius”, TS Thái dẫn chứng.
Chuyên gia này nhận định, một vắc-xin mạnh và bền bỉ tuỳ thuộc nhiều yếu tố bên trong và ngoài, như: Kháng nguyên đặc hiệu, độ bền của kháng thể, các virus biến chủng thường làm vắc-xin yếu, vùng lây nhiễm trong cơ thể, bản chất các loại vi hay siêu vi, kỹ thuật tân tiến...