Chăm sóc “giai đoạn vàng” của trẻ

GD&TĐ - Với trẻ em, “học mà chơi, chơi mà học”, 0 – 6 tuổi là “giai đoạn vàng” để phát triển trí não của trẻ, vì thế cha mẹ không nên nhồi nhét kiến thức cho con trong thời gian này. 

Chăm sóc “giai đoạn vàng” của trẻ

Thay vào đó, hãy để trẻ học và phát triển thông qua một việc mà mọi trẻ em đều ưa thích: vui chơi. Dưới đây là những trò chơi đơn giản nhưng hiệu quả cao trong việc phát triển trí thông minh ở trẻ, cha mẹ hãy tham khảo nhé!

Kích thích trí tưởng tượng

Gần như bất kỳ đứa trẻ nào cũng thích vẽ, vì thế khi bé có thể cầm nắm chắc một đồ vật gì đó trong tay, cha mẹ hãy sắm cho con một hộp bút màu để kích thích khả năng sáng tạo của con. Bên cạnh hộp màu, cha mẹ hãy đầu tư cho bé một cuốn vở trắng để con phác họa tác phẩm lên đó. Chỉ với những nét nghệch ngoạc ban đầu nhưng cũng giúp con hứng thú và vui vẻ.

Cha mẹ có thể cầm tay con, uốn nắn con theo từng nét vẽ đơn giản. Với dụng cụ này, con có thể tạo ra những bức tranh độc đáo bằng những ngón tay. Việc thấy các ngón tay mình tạo ra những hình dạng đủ sắc màu trên giấy cũng khiến các bé thấy hạnh phúc.

Điều này giúp kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo của bé cực tốt. Với mỗi bức hình của bé, cha mẹ hãy cố gắng vận dụng khả năng sáng tạo của chính bản thân mình để luận ra thứ mà con đang vẽ. Hãy ghi nhận thành quả cho con bằng một tràng pháo tay hoặc một lời tán thưởng.

Ngoài ra, trẻ em thường thích chơi với cát, và chúng cũng thích các loại bột nặn, việc này giúp trẻ có được kĩ năng sử dụng đôi tay khéo léo và cũng góp phần không nhỏ kích thích trí tưởng tượng của các bé. Thay vì đi tới tiệm đồ chơi và mua những loại bột nặn đắt tiền, cha mẹ hãy tự chế bột nặn an toàn cho bé, thêm vào ít cát sạch, vậy là bé sẽ có thêm rất nhiều trò chơi mới.

Luyện đôi tay khéo léo

Có lẽ không ít các bậc cha mẹ biết tới tò xé – dán giấy, tuy nhiên không nhiều người tận dụng được những lợi ích mà nó mang lại trong việc chơi với con. Không chỉ là trò chơi tốn ít chi phí, việc xé và dán giấy thành những hình khối khác nhau còn giúp bé luyện đôi tay thêm khéo léo, kết hợp màu sắc thêm hài hòa mà nó còn giúp bé luyện trí nhớ rất tốt khi bạn biết cách. Ví dụ bạn có thể cùng bé xếp hình các loại cờ của các quốc gia, xếp đến đâu gọi tên nước đến đó, bé sẽ rất nhớ cờ nào của nước nào sau khi xếp được hình cờ đấy.

Phản xạ với toán học

Không trò chơi nào có thể dạy con bạn về toán học tốt hơn các trò chơi về kích cỡ và hình khối. Một cách thật đơn giản để giới thiệu cho trẻ về khái niệm kích cỡ và hình khối là phân loại đồ vật. Trò xếp hình là một ví dụ, cách chơi khá đơn giản, cha mẹ hãy bày những hình khối gỗ theo thứ tự từ bé đến lớn hoặc ngược lại rồi dạy bé phân biệt khối nào lớn hơn, giải thích cho bé biết lý do tại sao và đặt câu hỏi xem bé đã nhận biết được hay chưa.

Khi bé phân biệt được kích cỡ, cha mẹ có thể hướng dẫn bé sắp xếp hình khối theo từng hình dạng (hình vuông, hình tròn hay hình tam giác …) giúp trẻ nhận biết hình ảnh một cách tốt hơn. Mỗi ngày vừa chơi cha mẹ lại dạy cho trẻ một ít. Cứ như thế, trẻ sẽ có những khái niệm cơ bản về toán học từ lúc nào không hay.

Kích thích sáng tạo

Ngoài những trò chơi phát triển tư duy toán học cho trẻ, cha mẹ hãy cho bé chơi những trò kích thích khả năng sáng tạo. Những trò chơi với thùng carton cũng là một gợi ý hay.

Lấy ví dụ cha mẹ có thể dạy bé làm robot carton bằng cách chuẩn bị hai hộp bìa cứng, một cho cơ thể của bé và một cái nhỏ hơn cho đầu bé. Khoét lỗ với hộp ở đầu để bé có thể quan sát và thở được. Với hộp phía dưới, hãy khoét lỗ để bé có thể đi lại và thò tay ra ngoài. Với thùng carton, cha mẹ cũng có thể dạy bé làm một căn nhà và trang trí nhà bằng giấy thủ công cùng màu nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.