Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thanh Bình- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Dược, cho biết: Già hóa dân số đang có chiều hướng diễn ra rất nhanh ở khắp các quốc gia trên thế giới với các mức độ khác nhau, nhưng nhanh nhất vẫn là ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Già hóa dân số cũng đặt ra nhiều thách thức và sự ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển và ổn định của mỗi nước.
Tại Việt Nam, có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số, dự báo đến năm 2030 tỷ trọng người cao tuổi chiếm 18% và năm 2050 là 26%. Bên cạnh việc đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, .… thì ngành y tế cũng phải đối diện với các loại mô hình bệnh tật thường xuyên xuất hiện ở người già tiêu tốn khoản chi phí cao tạo gánh nặng cho Quỹ Bảo hiểm y tế cũng như các gia đình.
Để tăng cường sức khỏe người cao tuổi, Chính phủ cũng như Bộ Y tế đã xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn như tăng cường dự phòng và chăm sóc người cao tuổi ngay tại cộng đồng để vừa tăng cường sức khỏe và tuổi thọ của người cao tuổi cũng như giảm thiểu chi phí nếu người bệnh chỉ dựa vào bệnh viện và nhà dưỡng lão.
Chăm sóc dược là một lĩnh vực thực hành lấy bệnh nhân làm trung tâm trong đó chuyên gia y tế nhận trách nhiệm về các nhu cầu liên quan đến thuốc của bệnh nhân.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Bình: Để thực hiện tốt việc này, trước hết cần cải thiện dịch vụ chăm sóc, tăng cường mối quan hệ thầy thuốc/nhân viên y tế với bệnh nhân, tăng cường tư vấn trực tiếp, gia tăng tuân thủ điều trị.
Trong đó, chăm sóc dược bao gồm xác định mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong điều trị bệnh/lựa chọn thuốc có chỉ số hiệu quả/an toàn và hiệu quả kinh tế cao nhất. Cần cung cấp cho bệnh nhân liệu pháp điều trị hiệu quả, giúp giảm hoặc ngăn ngừa tỷ lệ tàn phế, nhập viện và tử vong do các biến chứng của bệnh tật.
Các tham luận tại Hội thảo đã làm rõ việc cần thiết phải từng bước thắt chặt mối quan hệ và tăng cường hiệu quả phối kết hợp giữa thầy thuốc, dược sĩ, nhân viên y tế trong chăm sóc và tăng cường sức khỏe người cao tuổi ngay tại y tế tuyến cơ sở cũng như việc tăng cường năng lực, kiến thức, kỹ năng và thái độ, đặc biệt là kiến thức về thuốc.
Trong đó đặc biệt nhấn mạnh, điều trị và kỹ năng giao tiếp cho khối dược sĩ cộng đồng là một trong nhiệm vụ cấp thiết trong giai đoạn tới nahừm góp phần đảm bảp chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn.