Chênh lệch giới tính khi sinh: Mối họa được báo trước

GD&TĐ - Sau 1 năm triển khai Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giai đoạn 2016 - 2025, vẫn có tới 45 địa phương có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh tăng. 

Chênh lệch giới tính khi sinh: Mối họa được báo trước

Trẻ trai tăng quá nhiều so với trẻ gái dẫn đến việc thừa nam thanh niên trong tương lai. Với tâm lý sính con trai như hiện nay, dự báo đến năm 2020, nước ta thừa 1,38 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn. Con số này tăng gấp đôi, gấp 3 vào năm 2050.

Lựa chọn giới tính ngay từ lần sinh đầu

Việc duy trì mức sinh ổn định trong nhiều năm qua cho thấy tâm lý không thích sinh nhiều con của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ.

Đặc biệt, tại các thành phố lớn, rất nhiều cặp vợ chồng trẻ trì hoãn việc sinh con để phát triển sự nghiệp, để có nhiều thời gian dành cho bản thân và những nhu cầu cá nhân. Với một số cặp vợ chồng khác lại lựa chọn phương án chỉ sinh 1 con để có thời gian, kinh tế đầu tư, nuôi dạy con tốt hơn.

Từ việc sinh ít con dẫn đến hiện tượng lựa chọn giới tính thai nhi ngay từ lần sinh đầu tiên với những cặp thích con trai, bị áp lực phải sinh con trai. Số liệu của Vụ Thống kê dân và lao động (Tổng cục Thống kê) cho thấy, tỷ số chênh lệch giới tính cao ngay trong lần sinh đầu tiên và đặc biệt tăng cao trong lần sinh thứ ba.

Áp lực bắt buộc phải có con trai được thể hiện ở sự chênh lệch giữa nam và nữ ngày một rộng (120,2 trẻ trai/100 trẻ gái), đặc biệt là với các cặp vợ chồng chưa có con trai (148,4 trẻ trai/100 trẻ gái).

Mong muốn có con trai ngay từ lần sinh đầu tiên nên nhiều người sử dụng các biện pháp để có con trai, để biết giới tính thai nhi sớm. Để làm được điều này đòi hỏi người mẹ phải có kiến thức, kinh tế và ở vùng thuận lợi.

Đây là minh chứng cho lý do nhóm người dân tộc Kinh sử dụng các biện pháp để sinh con trai cao hơn các dân tộc khác. Việc lựa chọn giới tính thai nhi cũng liên quan đến trình độ học vấn.

Các nghiên cứu cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh tăng từ mức 106 đến 111 ở phụ nữ có trình độ tương đương bậc tiểu học, đến mức 113 ở bậc trung học phổ thông và cuối cùng là 115 ở bậc đại học trở lên. Trong khi đó, với nhóm những bà mẹ chỉ có 3 năm đi học, tỷ số này tương tự mức sinh học tự nhiên là 105.

Con trai có… sướng?

Tâm lý thích sinh con trai ở nhiều người một phần do văn hóa, tâm lý và đôi khi là sự mong đợi khác biệt về vai trò của con trai và con gái. Tuy nhiên, trong thực tế, làm con trai có… sướng như quan niệm của nhiều người.

Trước hết, cùng được sinh ra nhưng ngay từ khi chào đời, trẻ trai đã mang trong mình nhiều gánh nặng do ông bà, cha mẹ đặt lên. Đó là làm trụ cột gia đình, là người lo hương hỏa tổ tiên sau này, là người để cha mẹ cậy nhờ khi về già.

Chưa biết sức khỏe, trình độ và khả năng của đứa trẻ ấy ra sao, bản thân chúng có thích kỳ vọng trên hay không nhưng việc lớn lên với hàng loạt trách nhiệm ấy được nhắc nhở thường xuyên, so với trẻ gái thì thấy trẻ trai khổ hơn nhiều.

Trong gia đình thì vậy, ngoài xã hội, trẻ trai cũng chẳng sướng hơn. Bởi nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời thì tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ tăng lên khoảng 125 bé trai/100 bé gái vào năm 2020 và duy trì ở mức này tới năm 2050. Đến thời điểm đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt viễn cảnh có khoảng 4 triệu đàn ông không tìm được phụ nữ để kết hôn.

Xã hội mà nam thanh niên trưởng thành kết hôn muộn do không kiếm được bạn gái hoặc phải sống cô đơn sẽ làm thay đổi cấu trúc dân số, tan vỡ cấu trúc gia đình, tỷ lệ ly hôn, tái hôn của phụ nữ tăng cao.

Điều này còn kéo theo hệ lụy về an ninh trật tự khi làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tăng bạo hành gia đình, tăng bất bình đẳng giới. Bên cạnh đó là một số ngành nghề sẽ bị thiếu hụt lao động như giáo viên mầm non, tiểu học, hộ lý, y tá…

Trong trường hợp nam thanh niên phải lấy vợ từ nước khác hoặc ra nước ngoài sinh sống, lập gia đình sẽ nảy sinh nhiều vấn đề về văn hóa, lối sống và giáo dục trong gia đình, ngoài xã hội bởi những sự xuất hiện ngày càng nhiều những đứa trẻ là con lai.

Lúc này, liệu kỳ vọng của cha mẹ, ông bà từng tìm đủ mọi cách để có được con trai, cháu đích tôn liệu có được thực hiện hay tất cả cùng đau đầu trong việc tìm bạn gái cho con. Còn bản thân các em, sướng chưa thấy đâu nhưng khổ quá rõ ràng.

Khổ vì quá nhiều trách nhiệm trên vai, khổ vì cuộc sống xáo trộn do nam - nữ không cân bằng… Nói vậy để thấy rằng, trong thế giới hiện đại, việc sính con trai, tìm đủ mọi cách sinh con trai có thể thỏa mãn tâm lý của người lớn nhưng lại làm khổ con trẻ sau này.

Tình trạng mất cân bằng giới tính ở nước ta diễn ra khá muộn so với các nước nhưng tốc độ lại gia tăng nhanh và diễn biến phức tạp. Dự báo của Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam sẽ đạt 100 triệu người vào năm 2026. Đáng lưu ý, đến năm 2020, Việt Nam sẽ thừa 1,38 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ