Giáo viên đánh giá cao đáp án bài thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2024

GD&TĐ - Giáo viên đánh giá đáp án bài Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT 2024 bảo đảm tính “mở”, thuận lợi cho cán bộ chấm thi, ghi nhận được dấu ấn riêng của HS.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Vân Anh.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Vân Anh.

Đáp án có tính “mở”, tôn trọng nhiều cách lập luận của thí sinh

Thầy Vũ Tùng Dương, giáo viên Trường THPT Cát Hải (Hải Phòng) nhận định, ở câu mức độ nhận biết, thông hiểu phần Đọc hiểu, đáp án cụ thể, chi tiết; câu mức độ vận dụng, đáp án “mở”, cho phép học sinh bày tỏ quan điểm cá nhân.

Phần làm văn, câu nghị luận xã hội, đáp án cũng bảo đảm tính “mở”, giúp giám khảo tôn trọng nhiều cách lập luận của thí sinh.

Câu nghị luận văn học, đáp án thể hiện rõ các luận điểm và bố cục triển khai luận đề. Biểu điểm 1,75 điểm đòi hỏi giám khảo mất nhiều thời gian cân nhắc trong cách cho điểm. Với yêu cầu này, Hội đồng chấm thi cần chấm chung và đưa ra quan điểm thống nhất trong cách cho điểm.

Cô Trần Thị Lê Thanh Thủy, Trường THPT Mỹ Văn (Phú Thọ) nhận định, ở phần Đọc hiểu đề đưa lệnh hỏi rõ ràng, học sinh dễ nhận diện. Đáp án vừa cụ thể, vừa có tính “mở” nên giám khảo dễ chấm, không làm mất điểm sáng tạo của học sinh.

Phần Làm văn, đáp án thuận lợi cho giám khảo chấm và đánh giá cho điểm sự sáng tạo trong bài làm của học sinh; bên cạnh gợi ý cụ thể còn mở ra hướng chấm cho giám khảo, không bị gò bó, cứng nhắc….

“Có thể nói, đáp án thuận tiện cho giám khảo chấm thi, vừa cụ thể rõ ràng vừa bảo đảm tính "mở" để ghi nhận dấu ấn cá nhân, sự sáng tạo của học sinh trong bài làm”, cô Trần Thị Lê Thanh Thủy nhận định.

Cũng có đánh giá tích cực về đáp án, cô Vũ Thu Hoài, Trường THPT Cát Hải, Hải Phòng nhận định: Đáp án phần Đọc hiểu rất rõ ràng. Phần Làm văn, đáp án ngắn gọn, tạo điều kiện để cán bộ chấm thi linh động đánh giá sự sáng tạo, dấu ấn cá nhân của học sinh trong bài làm phát huy được sự sáng tạo, thể hiện được dấu ấn cá nhân.

Xem đáp án, thang điểm bài thi Ngữ văn, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 TẠI ĐÂY

Đòi hỏi cao ở cán bộ chấm thi

Một giáo viên dạy Ngữ văn ở Cần Thơ nhận định: Đáp án bài thi Ngữ văn vừa bảo được đảm “ngưỡng an toàn” cho học sinh mức trung bình, yếu; vừa bảo đảm học sinh khá, giỏi phát huy năng lực bản thân.

Cụ thể, câu 1, 2 của phần đọc hiểu là câu hỏi nhận biết, đáp án đã bám sát yêu cầu câu hỏi, dựa trên văn bản để trả lời. Với 2 câu này học sinh dễ dàng đạt 1,5 điểm.

Câu 4, đáp án đưa ra gợi ý, học sinh có thể theo một trong các hướng…Đây là một đáp án mở, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi cao đối với cán bộ chấm thi.

Ở câu nghị luận xã hội, đáp án chỉ đưa ra “Tôn trọng cá tính giúp mỗi người khẳng định giá trị, bản sắc; phát huy năng lực nội tại để phát triển bản thân; biết chung sống hài hòa với mọi người, góp phần tạo nên xã hội tốt đẹp….”. Phần này là 1,0 điểm.

Đáp án này là “mảnh đất” để học sinh thể hiện suy nghĩ mới mẻ, sáng tạo của bản thân và không mất nhiều thời gian vì đáp án không đề ra quá nhiều yêu cầu (giải thích, bàn luận, phản đề, bài học như một bài nghị luận xã hội thông thường).

Như vậy, chỉ cần học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận, bảo đảm hình thức đoạn văn, đảm bảo chính tả, dùng từ và có đưa ra ý kiến bàn luận là có khả năng đạt từ 1,25 điểm trở lên.

Nhưng đồng thời đây cũng là “đòn cân não” cho người chấm vì mỗi học sinh sẽ đưa ra ý nghĩa khác nhau, vậy nếu không có sự thống nhất cao, không đưa ra được những dự đoán về tình huống thì khi chấm sẽ rất dễ bị lệch điểm nhiều.

Ở câu nghị luận văn học (5,0 điểm), theo đáp án, học sinh chỉ cần bám sát vào đoạn trích để diễn giải nội dung, có đánh giá, nhận xét là đáp ứng yêu cầu cơ bản.

“Đáp án càng cụ thể, chi tiết thì việc chấm thi càng dễ nhưng ngược lại sẽ gây khó khăn cho học sinh. Đáp án bài thi Ngữ văn, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã đảm bảo tính “mở” để ghi nhận dấu ấn cá nhân cũng như sự sáng tạo của học sinh.

Phần còn lại là người chấm cần tỉnh táo, nghiên cứu kỹ đáp án, đọc kỹ bài làm của học sinh và cần có hướng dẫn chấm thật tường tận cũng như dự đoán những tình huống bài làm thực tế để đưa ra kết quả cuối cùng”, giáo viên này chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ