Chăm lo cho người nghèo là nhiệm vụ của toàn xã hội

GD&TĐ - Chăm lo cho người nghèo được tỉnh Quảng Nam xác định là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài, đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội…

Ông Ông Lê Thái Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam thăm hỏi gia đình bà Nguyễn Thị Bút. Ảnh: Đại Chí.
Ông Ông Lê Thái Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam thăm hỏi gia đình bà Nguyễn Thị Bút. Ảnh: Đại Chí.

Những kết quả khả quan

Những năm qua, Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Quảng Nam xác định, công tác chăm lo cho người nghèo luôn được quan tâm và xem là nhiệm vụ thường xuyên…

Theo báo cáo về kết quả thực hiện Phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” của MTTQ tỉnh Quảng Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, cấp tỉnh Quảng Nam chủ trì giám sát việc thực hiện công tác xóa nhà tạm trên địa bàn tỉnh đối với UBND các huyện: Tây Giang, Phước Sơn và Núi Thành.

Đồng thời, trong 6 tháng đầu năm 2023, Ban vận động "Quỹ vì người nghèo” cấp tỉnh đã vận động, tiếp nhận 578 triệu đồng, cùng với nguồn quỹ mang sang của năm 2022 số tiền 629 triệu đồng. Trên cơ sở nguồn quỹ thu được của 6 tháng đầu năm và nguồn quỹ năm 2022 mang sang, Ban vận động "Quỹ vì người nghèo” tỉnh trích hỗ trợ xây dựng mới 30 nhà đại đoàn kết là 1,5 tỷ đồng đồng; trợ giúp cứu đói, tặng quà, thăm hỏi, trợ cấp khó khăn 398 hộ 353 triệu đồng, giúp khám chữa bệnh 3 trường hợp 9 triệu đồng…

Khu dân cư Bằng La đã xây dựng 39 căn nhà sàn bê tông cấp 4. Ảnh: Đại Chí.

Khu dân cư Bằng La đã xây dựng 39 căn nhà sàn bê tông cấp 4. Ảnh: Đại Chí.

Đối với các huyện, thị xã, thành phố, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tiếp nhận ủng hộ "Quỹ vì người nghèo” cấp huyện, cấp xã được 8 tỷ 574 triệu đồng.

Từ nguồn tiếp nhận, Ban vận động "Quỹ vì người nghèo” cấp huyện, cấp xã đã trích 5,8 tỷ đồng phân bổ hỗ trợ cụ thể: Xây dựng mới 151 nhà Đại đoàn kết 7 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa 41 nhà số tiền 522,1 triệu đồng; giúp phát triển sản xuất 21 trường hợp là 170 triệu đồng; trợ giúp học tập 265 trường hợp 69 triệu đồng; khám chữa bệnh 120 trường hợp là 136 triệu đồng; trợ giúp khó khăn, tặng quà thăm hỏi cho 8.269 trường hợp, số tiền 4,9 tỷ đồng đồng…

Căn nhà mới của bà Nguyễn Thị Bút (72 tuổi) sống một mình tại thôn Đông Thạnh, xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, đã giúp bà Bút bớt lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến. Bà Bút là hộ nghèo, sống một mình trong căn nhà cũ. Từ nguồn vận động của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, với số tiền 30 triệu đồng cùng sự giúp đỡ của gia đình. Bà Bút giờ đây đã được sống trong căn nhà kiên cố, bớt đi những nỗi lo lắng.

Được biết, bà Bút là một trong 7 trường hợp được hỗ trợ xây dựng nhà ở tại xã Tam Hòa.

Bà Huỳnh Thị Như Nguyệt - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hòa cho biết, tổng kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người dân thời gian qua là 260 triệu đồng từ các nguồn Quỹ vì người nghèo cấp tỉnh, nguồn Quỹ vì người nghèo xã và nguồn vận động nhà hảo tâm.

Ổn định, tạo sinh kế cho dân nghèo

Còn tại huyện Nam Trà My, một huyện vùng núi tỉnh Quảng Nam, chính quyền tỉnh và các nhà hảo tâm đã xây dựng một khu dân cư Bằng La với diện tích hơn 6 ha. Khu dân cư Bằng La đã xây dựng 39 căn nhà sàn bê tông cấp 4, mái lợp tôn màu đỏ cùng với đó là các công trình trường học mẫu giáo, nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng khang trang. Đây là nguồn hỗ trợ của các cấp chính quyền và nhà hảo tâm… dành cho bà con ở thôn 1 và thôn 2 của xã Trà Leng bị mất nhà cửa trong vụ sạt lở núi kinh hoàng vào tháng 10/2020.

Chị Hồ Thị Mai, người dân Bằng La trong căn nhà của mình. Ảnh: Đại Chí.

Chị Hồ Thị Mai, người dân Bằng La trong căn nhà của mình. Ảnh: Đại Chí.

Một trong những hộ dân ở Khu dân cư Bằng La, chị Hồ Thị Mai, người dân Bằng La chia sẻ, chị rất vui mừng khi được các cấp chính quyền cùng các nhà hảo tâm đã quan tâm giúp đỡ xây dựng lại nhà cửa và đầu tư cơ sở hạ tầng như: điện chiếu sáng, công trình nước sạch, trường học. “Nhờ vậy mà cuộc sống của gia đình tôi và nhiều người dân đã ổn định. Hiện nay nhiều người dân đã bắt đầu trồng trọt, chăn nuôi và sản xuất hoa màu và cuộc sống bà con đã phát triển kinh tế - xã hội trở lại”, chị Mai tâm sự

Đại diện MTTQ Việt Nam huyện Nam Trà My cho hay, thời gian qua, Mặt trận huyện luôn phát động các cuộc ủng hộ Quỹ vì người nghèo để giúp đỡ người dân gặp khó khăn. Nhờ vậy nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã được xây dựng nhà đại đoàn kết. Cạnh đó, Khu dân cư Bằng La đã được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đường sá, nhà ở và hỗ trợ cây giống, con vật nuôi để giúp người dân làm ăn phát triển kinh tế nên cuộc sống họ đã ổn định.

Quảng Nam vượt chỉ tiêu giảm nghèo năm 2022

Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Nam, kết quả giảm nghèo bền vững sơ bộ năm 2022 của Quảng Nam đã vượt chỉ tiêu đặt ra.

Theo kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, Quảng Nam hiện có 29.829 hộ nghèo (tỷ lệ 6,8%), giảm 3.318 hộ so với 2021 (giảm 0,8%). Kết quả giảm nghèo toàn tỉnh năm 2022 vượt chỉ tiêu tỉnh giao tại Quyết định 467 ngày 23/2/2022 (chỉ tiêu giao 3.000 hộ); tỷ lệ giảm vượt chỉ tiêu được giao tại Quyết định 653 ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ (chỉ tiêu giao 0,3-0,4%).

Tổng số công trình, dự án đầu tư năm 2022 ở 6 huyện nghèo và các đơn vị của tỉnh là 105 dự án với tổng vốn hơn 420,4 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương. Các huyện nghèo đầu tư các loại dự án gồm 49 công trình giao thông, 26 công trình giáo dục, 4 công trình nước sinh hoạt, 4 công trình thủy lợi, 4 công trình điện và nhiều loại công trình khác (sắp xếp dân cư, công trình văn hóa, khu chăn nuôi tập trung...).

Các đơn vị của tỉnh đầu tư 8 dự án để xây dựng, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng các hạng mục công trình, nhà xưởng thực hành, phòng học, ký túc xá, công trình phục vụ sinh hoạt, tập luyện cho học sinh, sinh viên; mua sắm máy móc, thiết bị, phương tiện đào tạo, hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ