Chăm lo bữa ăn bán trú cho trẻ mầm non vùng sâu

GD&TĐ - Hiện nay, nhiều trường học mầm non ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng) đang gặp khó về điều kiện tổ chức bán trú, đặc biệt là chăm lo bữa ăn cho HS. 

Chăm lo bữa ăn bán trú cho trẻ mầm non vùng sâu

Để khắc phục khó khăn này, nhiều trường học đã huy động nguồn lực để tổ chức nấu ăn cho trẻ. Nhờ đó mà chất lượng bữa ăn bán trú của trẻ vùng sâu ngày càng được nâng cao…

Điểm lẻ gặp khó

Những khó khăn đặc thù đối với trường mầm non vùng sâu ở miền Tây là điều kiện trường lớp chưa hoàn thiện, việc tổ chức bữa ăn trưa bán trú cho trẻ cũng còn nhiều vướng mắc… Những điểm trường càng xa trung tâm càng gặp khó do điều kiện về giao thông. Một số điểm trường lẻ càng không có nhiều điều kiện học 2 buổi/ngày cũng như bữa ăn bán trú.

Trên địa bàn huyện Trần Đề (Sóc Trăng) có 10 điểm trường mầm non và hàng chục điểm lẻ, HS dân tộc thiểu số tỷ lệ khá lớn. Hiện nay, các trường điểm chính ở huyện Trần Đề đều cho trẻ học 2 buổi/ngày nhưng chỉ có 4/10 trường đáp ứng bếp ăn tiêu chuẩn nấu ăn trưa cho trẻ học bán trú. Điều này đã cho thấy một phần những khó khăn mà giáo dục địa phương đang từng bước tháo gỡ.

Cô Đỗ Thị Liên - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Đại Ân 2 (ấp Chợ, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, Sóc Trăng), cho biết: “Trẻ đi học ở điểm chính và điểm lẻ còn nhiều vất vả bởi điều kiện giao thông, điều kiện trường lớp còn thiếu thốn, chưa hoàn thiện. Trường điểm lẻ nằm ở những khu vực cách xa trung tâm và cách điểm chính đến vài km.

Bên cạnh đó, việc vận động trẻ ăn bán trú tại trường điểm lẻ cũng rất khó do không có bếp ăn nấu tại chỗ. Trẻ không được ăn trưa tại trường thì phụ huynh phải bỏ công đưa rước 2 buổi/ngày. Riêng một số điểm trường không có điều kiện thì chỉ tổ chức học 1 buổi/ngày nên các cháu bị thiệt thòi thời gian học tập so với trẻ ở điểm chính”.

HS ở những điểm trường xa trung tâm có nơi còn học nhờ phòng học của cấp tiểu học nên ảnh hưởng đến không gian sinh hoạt của trẻ. Do vậy, không có nơi để xây dựng bếp ăn trưa, trẻ chỉ học buổi sáng rồi về nhà ăn cơm, phụ huynh phải đưa rước ngày 4 lượt.

Đồng thời việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ không được kiểm soát chặt chẽ do phải ăn uống theo chế độ chung ở nhà. Ý thức tự lập cũng như cơ hội giao tiếp với bạn bè, thầy cô của các em cũng ít nhiều bị ảnh hưởng…

Nâng chất bữa ăn cho trẻ

Trường Mẫu giáo Đại Ân 2, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) bắt đầu nấu ăn cho trẻ bán trú từ năm học 2012 - 2013. Thời điểm đó tại điểm trường chính có trên 200 trẻ theo học, các cô giáo tiến hành vận động phụ huynh cho trẻ tham gia bữa ăn tại trường (ăn trưa và ăn xế).

Tuy nhiên, chỉ có gần 30% số trẻ được cha mẹ đóng tiền ăn bán trú; những trẻ còn lại phụ huynh đưa rước về nhà ăn hoặc mua thức ăn đem đến nhờ cô giáo cho trẻ ăn.

Trước thực tế số trẻ được ăn bán trú còn ít, cô nuôi dạy trẻ tiếp tục vận động, mãi cho đến năm học 2015 - 2016 hầu hết trẻ của Trường Mẫu giáo Đại Ân 2 đã tham gia ăn trưa bán trú. Phải mất quãng thời gian 3 năm học thì phụ huynh mới an tâm tuyệt đối, tin tưởng để con em được ăn học tại trường.

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, ở vùng sâu, trường mầm non khá gian nan để thuyết phục các bậc phụ huynh nhìn nhận vào chất lượng tổ chức ăn bán trú cho trẻ tại trường.

Cô Đỗ Thị Liên - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Đại Ân 2 - cho biết: “Trước đây, có một số ít gia đình hoàn cảnh khó khăn không đủ tiền cho con ăn bán trú nhưng họ ủng hộ việc học 2 buổi/ngày. Giải pháp hỗ trợ là buổi trưa phụ huynh đem cơm tới (có khi chỉ vài con cá kho mặn hoặc hộp bún mua bên ngoài) rồi gửi cô giáo đút cho con em họ ăn.

Thấy phụ huynh vất vả lo cho con, giáo viên vận động và nhà trường tạo điều kiện hỗ trợ phần nào suất ăn cho trẻ. Dần dần phụ huynh đồng thuận, sẵn sàng cho trẻ ăn trưa tại trường nhằm cải thiện dinh dưỡng, giảm thiểu tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ...

Từ tỉ lệ trẻ ăn trưa tại trường, nhà trường tính toán thủ công khẩu phần ăn, cân bằng tỉ lệ dinh dưỡng theo những chỉ dẫn trong sách vở. Sau này khi có nhiều điều kiện, phụ huynh càng ủng hộ bữa ăn bán trú thì nhà trường cũng chủ động trang bị phần mềm dinh dưỡng.

Từ đó sẽ hỗ trợ cân, đo tỉ lệ dinh dưỡng chính xác hơn, thực đơn thay đổi đa dạng. Nhà trường theo dõi thay đổi những loại thực phẩm có sẵn tại địa phương, cập nhật vào phần mềm… Kết quả cho thấy trẻ tăng cân rõ rệt, khắc phục hiệu quả chứng biếng ăn, khả năng tự phục vụ của trẻ cũng cải thiện nhanh hơn”.

Trước những chỉ đạo rốt ráo mang tính tích cực từ lãnh đạo ngành Giáo dục địa phương, nhiều trường mẫu giáo trên địa bàn huyện Trần Đề đang dần thay đổi chất lượng cũng như quan tâm sâu sát đến bữa ăn cho trẻ.

Tiến hành giám sát chặt chẽ thực phẩm cung cấp vào trường bằng cách truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo thực phẩm sạch. Nhà trường định hướng họp mặt phụ huynh thường xuyên, nhấn mạnh đến bữa ăn bán trú để có những phương hướng tư vấn về chế độ dinh dưỡng; chú trọng việc trao đổi giữa nhà trường với phụ huynh để cân nhắc chế độ dinh dưỡng cần bổ sung theo thể trạng của từng em.

Ông Võ Minh Dẫn - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Trần Đề (Sóc Trăng) - cho biết: “Nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh cho con em ăn bán trú tại trường, trên cơ sở những trường đã có bếp ăn đạt chuẩn, ngành Giáo dục sẽ tăng cường xây dựng cơ sở vật chất. Đặc biệt là xây dựng các trường mầm non có bếp ăn tổ chức học bán trú. Huyện cũng đang tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, dự kiến cấp kinh phí xây dựng thêm 2 bếp ăn đạt chuẩn cho 2 trường trên địa bàn vào năm học tới…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.